Sau một ngày làm việc, chiều 3/10, kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các vị "tư lệnh ngành tiếp tục sâu sát, trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm được giao; siết chặt kỷ cương hành chính, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 2017 theo tinh thần "càng gần đến đích thì chúng ta càng phải cố gắng."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Cùng với đó là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tương đối tốt hướng từ giảm tiền kiểm sang hậu kiểm, xử lý rủi ro; trung tâm hành chính công, bộ phận 1 cửa hoạt động có hiệu quả.
Một nguyên nhân nữa đến từ đổi mới phương pháp làm việc, quyết sách kịp thời theo tình hình, nhất là trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, bám sát diễn biến kinh tế thị trường; khắc phục sự trì trệ, tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện kế hoạch nhiệm vụ đề ra.
Thủ tướng biểu dương tinh thần phát huy trách nhiệm của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
“Có nhiều đồng chí xuất sắc, làm việc xả thân, làm việc ở cơ quan đến 8-9 giờ tối là bình thường thậm chí đến 12 giờ tối cũng có, để ra những văn bản, chỉ đạo,” Thủ tướng nói.
Về những vấn đề cụ thể, Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục giảm lãi xuất cho vay; tập trung vốn tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp. Quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu sao cho đến cuối năm 2018, cơ bản hoàn thành công việc này. Lưu ý thời điểm cuối năm rất nhạy cảm đối với những chỉ số như giá dầu, giá các mặt hàng dịch vụ, thị trường ngoại hối…
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cần theo dõi sát tình hình trong và ngoài nước để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời.
Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế. Từng bộ, ngành rà soát kỹ, kiểm soát chặt chi ngân sách Nhà nước, triệt để tiết kiệm trong sử dụng ngân sách.
“Chưa đề cập đến việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí ảnh hưởng đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh,” Thủ tướng tái khẳng định và đề nghị phấn đấu vượt mức kế hoạch thu, nhất là thu ngân sách trung ương.
Đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư tư nhân theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tư nhân, Thủ tướng thẳng thắn đánh giá việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước là khâu yếu hiện nay.
Thủ tướng đề nghị tìm ra nguyên nhân căn cơ của vấn đề này để thúc đẩy xử lý, giải quyết. Theo Thủ tướng. đến thời điểm này, mới thực hiện vốn hóa được 6%, còn lại 94% của 3.1 triệu tỷ đồng.
Năm 2017, mới thu được 12 ngàn tỷ/60 ngàn tỷ theo kế hoạch bán vốn; trong đó có 11 ngàn tỷ chuyển từ 2016, Thủ tướng nêu rõ: Nếu không bán được vốn Nhà nước thì sẽ không có nguồn bảo đảm kế hoạch đầu tư công 2017.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương triển khai ngay kế hoạch bán vốn Nhà nước tại Sabeco đúng quy định của pháp luật; giao Bộ trưởng Bộ Tài chính đôn đốc các bộ ngành triển khai thoái vốn, cổ phần hóa và thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo đạt kế hoạch đề ra.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh hệ thống thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, đơn giản hóa thủ tục, nhất là thủ tục thông quan hàng hóa, quy trình cấp phép, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và lưu ý đến các biện pháp ứng phó với rào cản thương mại như các mặt hàng cá tra, tôm của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.
Các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý phát triển mạnh thị trường trong nước để cân bằng cán cân hàng hóa xuất, nhập khẩu, hạn chế tối đa nhập khẩu những mặt hàng mà trong nước sản xuất được.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung các giải pháp bảo đảm tăng trưởng 3,05%; đi đôi với ứng phó tốt với thiên tai, lụt bão từ nay đến cuối năm.
Chuyển đổi mạnh mẽ diện tích lúa sang nuôi trồng các loại mặt hàng khác hiệu quả hơn nhất là nuôi tôm; tìm kiếm các thị trường mới cho các mặt hàng nông sản có khả năng xuất khẩu cao của Việt Nam. Bộ cũng cần có chính sách phù hợp bảo vệ tốt hơn hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân.
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến du lịch nhân dịp APEC và mùa du lịch cuối năm, có thể thu hút hàng vạn du khách - một thời cơ lớn cho ngành du lịch phấn đấu đạt từ trên 13 đến 15 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017.
Thủ tướng cũng yêu cầu làm tốt những chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, phòng chống cháy nổ, nhất là những tháng cuối năm tại các thành phố lớn. Ngành Y tế chú trọng dập hoàn toàn dịch sốt xuất huyết không để bùng phát trở lại; kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối thuốc, tăng cường tính công khai, minh bạch, phục vụ người dân.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ sớm ban hành kết luận các vụ việc thanh tra theo hướng “làm đâu trúng đó, làm đâu nghiêm đó, đúng sai rõ ràng” và công bố trước dư luận.
Ngành Công an, Quân đội làm tốt nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống ngăn ngừa tội phạm nhất là trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC; dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Khởi động việc chuẩn bị chu đáo ngay từ bây giờ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2018 để ban hành một Nghị quyết 01 về phát triển kinh tế-xã hội tốt nhất, hiệu quả nhất cho năm tới,
Thủ tướng cũng nhắc nhở một số công tác chuẩn bị cho tầm nhìn lâu dài của nền kinh tế về điện năng, biến đổi khí hậu, thị trường và đặc biệt là mô hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tương lai./.
(TTXVN/VIETNAM+)