Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), hầu hết vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng đều do lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động kém hiệu quả, báo cháy chậm,..
Phân tích nguyên nhân các vụ cháy lớn đã xảy ra, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho rằng hầu hết vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đều do lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động kém hiệu quả, báo cháy chậm, để thời gian cháy tự do kéo dài.
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh kiểm tra tại Công ty TNHH Inzi Vina (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). |
Ngoài ra, còn do một số công trình khi sửa chữa, thay đổi thiết kế đã không thẩm duyệt lại, dẫn đến mất an toàn PCCC mà ngay cả chủ công trình cũng không biết.
* Chạy đua với “thời gian vàng”
Khi xảy ra cháy, thời gian được tính bằng phút, tâm lý những người xung quanh và gia chủ thường rất nóng ruột, rối loạn. Qua thực nghiệm của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chỉ sau 1 phút hỏa hoạn có thể thiêu rụi căn phòng 10m2. Trong đó, vận tốc cháy lan của một số vật liệu, như: giấy, gỗ, nệm mút, xốp (có ở hầu hết các gia đình, công sở, đặc biệt tại những nơi tập trung nhiều cửa hàng may, bán nệm mút xe, cửa hàng đồ gỗ) từ 1,2-10m/phút. Sau 10 phút, đám cháy có thể lan rộng từ 300-1.000m2 và có thể lớn hơn. Khi đó, việc dập lửa vô cùng khó khăn.
Xe thang của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh tiếp cận hiện trường vụ cháy trong diễn tập. |
Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, cho hay Cảnh sát PCCC luôn trực 24/24 giờ; khi nhận được tin báo cháy, lực lượng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nơi gần nhất sẽ xuất xe. Thời gian cho phép từ khi nhận tin báo cháy đến khi xe ra khỏi cổng là 1 phút. Theo quy định và tính toán của các chuyên gia, bán kính hoạt động của đội chữa cháy trong khu vực nội đô thị là 3km, khu vực ngoại ô 5km, khi đó đội chữa cháy gần nhất mới có thể đến được đám cháy trong vòng 10 phút.
Đồng Nai hiện có 7 đơn vị cảnh sát PCCC địa phương với 10 đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Có những đơn vị quản lý các cơ sở cách xa 60km, dù đi với vận tốc 60km/giờ cũng phải xấp xỉ 1 giờ mới đến được đám cháy. Vì vậy, vai trò của đội PCCC cơ sở rất quan trọng trong việc khống chế cháy lan, dập tắt khi lửa vừa bùng lên.
Do đó, ngoài việc tuyên truyền về PCCC cho người dân, hàng năm Cảnh sát PCCC tỉnh và các địa phương đều tổ chức hội thao kiểm tra nghiệp vụ cho các đội PCCC cơ sở, xen kẽ là các lần kiểm tra tại cơ sở với những nội dung cơ bản, như: dập lửa bằng bình chữa cháy cầm tay, vượt chướng ngại vật, lắp ráp các ống dẫn nước... để giúp đội PCCC cơ sở phát hiện thiếu sót, điều chỉnh, từ đó xây dựng kỹ năng, rèn luyện và áp dụng tốt việc PCCC.
Một số quán bar không chú ý đến đèn chiếu sáng khi xảy ra sự cố mất điện không còn hoạt động đảm bảo an toàn (ảnh: Đăng Tùng) |
Có nhiều lý do khiến việc báo cháy và tổ chức chữa cháy tại cơ sở bị chậm trễ. Hầu hết vụ cháy xảy ra ban đêm hoặc ngoài giờ làm việc nên công tác tuần tra, trực gác tại cơ sở thường lơ là; lực lượng PCCC cơ sở không phát hiện kịp, để cháy tự do kéo dài, dẫn đến bùng thành cháy lớn. Thậm chí, một số cơ sở còn giấu thông tin khi xảy ra cháy vì sợ bị xử lý trách nhiệm.
“Luật PCCC năm 2001 quy định trách nhiệm PCCC không chỉ của riêng Cảnh sát PCCC mà còn thuộc về các cơ quan, doanh nghiệp và toàn dân. Vì vậy, đội PCCC cơ sở hay chủ nhân của ngôi nhà có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng khi đám cháy vừa bùng lên” - Đại tá Nhân cho biết thêm.
* Phải an toàn từ khi xây dựng
Theo Thượng tá Phạm Đức Tâm, Trưởng phòng Hướng dẫn và chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC tỉnh), công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC là việc thực hiện đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình lập dự án, thi công xây dựng các công trình. Nếu làm tốt công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, khi đưa công trình vào sử dụng mà đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC sẽ hạn chế được những rủi ro, tai nạn cháy, nổ phát sinh. Hiện nay, hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC được tiếp nhận tại Trung tâm hành chính công của tỉnh nên tiện lợi cho người dân, chủ đầu tư các công trình.
Đội PCCC cơ sở thực hiện thao tác lắp ống dẫn nước khi tham gia hội thi (ảnh: Đăng Tùng) |
Qua công tác thẩm duyệt, nghiệm thu công trình đảm bảo an toàn về PCCC, Cảnh sát PCCC sẽ kiểm tra và hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu thi công khi tiến hành xây dựng các dự án, công trình cần thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về an toàn PCCC theo đúng quy định. Từ đó, phòng ngừa, hạn chế cháy, nổ xảy ra; giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi có cháy, nổ và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các tổ chức, cá nhân.
Trong 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ cháy, chết 1 người, thiệt hại 4,53 tỷ đồng. Cảnh sát PCCC tỉnh thực hiện 21 vụ cứu nạn cứu hộ, cứu được 11 người an toàn và vớt 12 xác chết. |
Trung úy Phạm Văn Hiếu, cán bộ Phòng Hướng dẫn và chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát PCCC tỉnh, cho biết hầu hết công trình xây dựng hiện nay đã chấp hành việc thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC từ khi lập dự án thiết kế đến khi thi công, đưa vào sử dụng. Một số địa điểm thuộc danh mục phải thẩm duyệt sau khi xảy ra cháy hoặc sau khi được Cảnh sát PCCC nhắc nhở đã nhanh chóng thay đổi, đảm bảo an toàn PCCC khi hoạt động.
Như tại chợ Hóa An, sau khi xảy ra vụ cháy tại khu vực bán cá (tháng 3-2016) đã khắc phục hệ thống điện trong chợ, dời toàn bộ dây diện ra khỏi khu vực vựa cá, làm lại hệ thống điện ngoài trời, cúp hết điện trong nhà lồng vào buổi tối. 12 đội viên chữa cháy cơ sở thường xuyên đi kiểm tra các khu vực trong chợ, nhắc nhở tiểu thương đề phòng sự cố chập điện.
Hay Công ty TNHH Inzi Vina (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) đã bỏ chòi hút thuốc lá xây dựng bằng vật liệu nhẹ sau khi được đoàn kiểm tra của Cảnh sát PCCC nhắc nhở.
“Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng công trình để sản xuất, kinh doanh, một số cá nhân, tổ chức không tiến hành thẩm duyệt, hoặc sửa chữa có thay đổi thiết kế ban đầu mà không tiến hành thẩm duyệt lại. Với những tồn tại đó, chúng tôi đã và đang kiểm tra, giám sát việc thi công các hạng mục công trình để phát hiện thiếu sót, đề nghị khắc phục” - Trung úy Hiếu nhấn mạnh.
Đăng Tùng