Sửa đổi lối làm việc là tác phẩm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng. Ra đời cách đây 70 năm, nhưng đến nay những luận điểm nêu trong tác phẩm còn nguyên giá trị to lớn với quá trình đổi mới công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ...
"Sửa đổi lối làm việc" là tác phẩm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng. Ra đời cách đây 70 năm, nhưng đến nay những luận điểm nêu trong tác phẩm còn nguyên giá trị to lớn với quá trình đổi mới công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gần dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Trong ảnh: Công chức bộ phận một cửa UBND phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. |
Đó là đánh giá của các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Sửa đổi lối làm việc - giá trị lý luận và thực tiễn” được Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai tổ chức vừa qua. Các đại biểu nhận định đây là một tác phẩm có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, là cẩm nang để mỗi cán bộ, đảng viên tự xem xét, đánh giá, rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt.
Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong
Nhiều ý kiến tại buổi hội thảo cho rằng một trong những bài học kinh nghiệm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là: có cán bộ tốt việc gì cũng xong. Mọi việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.
Th.S Nguyễn Đăng Hoài, Giám đốc Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), phân tích: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định cán bộ là gốc của mọi công việc nên ngay từ những ngày đầu cách mạng, Bác luôn đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện tư cách và nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng “Đảng là đạo đức, là văn minh”.
Hiện nay trước tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Đảng đã nêu ra cho thấy cần thiết phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức cho cán bộ, đảng viên hơn nữa.
Về vấn đề này, giảng viên Đặng Thị Yến, Khoa Nhà nước - pháp luật Trường Chính trị tỉnh, cũng tâm đắc với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: để xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, khâu cốt yếu nhất là huấn luyện, giáo dục, đào tạo đội ngũ này.
Theo đó, phải có các chính sách, cách thức giáo dục, huấn luyện cán bộ sao cho hiệu quả, toàn diện, đồng đều trên tất cả các mặt: huấn luyện chính trị, nghề nghiệp, văn hóa, lý luận. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cán bộ phải nhận thức được việc tự rèn luyện, tự giáo dục là biện pháp cốt yếu. Bởi chỉ khi người học tự mình nghiên cứu, tìm tòi, khảo nghiệm thì lĩnh hội, thẩm thấu kiến thức nhanh hơn.
Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái
Cũng tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá những vấn đề đặt ra trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc cho thấy các dự báo, đánh giá và giải pháp sáng suốt nhưng rất thực tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Phó hiệu trưởng Trường Chính trị Đồng Nai Huỳnh Tham, tác phẩm này cũng chính là những chỉ dẫn, gợi ý bổ ích về phương pháp luận trong việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán “chủ nghĩa cá nhân” vì đó là một thứ “vi trùng rất độc” sinh ra các bệnh nguy hiểm như: tham lam, lười biếng, hiếu danh, kiêu ngạo, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ 6 “căn bệnh” quan trọng mà người cán bộ không được phép vi phạm, phải luôn cảnh giác và tránh xa, đó là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Phẩm chất đạo đức, tư cách, tác phong làm việc của người cán bộ có được hoàn thiện hay không, điều đó phụ thuộc vào việc họ thực hiện những lời răn dạy này như thế nào.
Để cán bộ, đảng viên thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân, theo giảng viên Phạm Xuân Thành, Khoa Dân vận Trường Chính trị tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phải luôn đặt Tổ quốc, nhân dân lên trên hết. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gần dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân và củng cố mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải sống có tình nghĩa, yêu thương đồng bào, đồng chí; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân vì chủ nghĩa cá nhân luôn là kẻ thù của đạo đức cách mạng.
Nhiều ý kiến cho rằng đối với công cuộc chấn hưng đạo đức trong Đảng cũng như trong xã hội hiện nay, di sản đạo đức Hồ Chí Minh thực sự là ánh sáng chỉ đường. Để xây dựng Đảng về đạo đức thì mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải biết tự bảo vệ mình trước sự tha hóa của bản thân; phải vận dụng sáng tạo tư tưởng nhân, trí, dũng, liêm của Bác vào công việc cụ thể của mình. Đó là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay.
An An