Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối thoại để hiểu dân

07:10, 21/10/2017

Người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bị phân biệt đối xử tại các bệnh viện; số lượng học sinh quá đông ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục... là 2 trong số nhiều nội dung bức xúc được người dân phản ánh....

Người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bị phân biệt đối xử tại các bệnh viện; số lượng học sinh quá đông ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục... là 2 trong số nhiều nội dung bức xúc được người dân phản ánh tại buổi đối thoại với lãnh đạo TP.Biên Hòa ngày 19-10.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa trả lời các câu hỏi của người dân.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa trả lời các câu hỏi của người dân.

Nhiều ý kiến phản ánh, từ năm 2017 nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thay đổi từ bệnh viện tuyến tỉnh xuống bệnh viện tuyến huyện gây khó khăn cho người bệnh; một số phòng khám tư nhân không đủ trình độ, nghiệp vụ nhưng vẫn được phép khám bảo hiểm; nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố không đóng hoặc chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội khiến người lao động chịu thiệt thòi...

* Không được đùn đẩy trách nhiệm

Bà Dương Thị Thanh Hà (Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Bảo An Phát, phường Long Bình Tân) đặt câu hỏi, làm sao để người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn nếu chẳng may bị tai nạn lao động hay tai nạn giao thông.

Bà Hà dẫn chứng có trường hợp công nhân đi làm về, vấp ổ gà trên đường và bị chấn thương sọ não. Người nhà công nhân làm đơn để được hưởng bảo hiểm nhưng không được phía cơ quan bảo hiểm chấp nhận vì không có xác nhận của công an địa phương, không có người làm chứng… Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho người lao động.

Trả lời những thắc mắc trên, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Biên Hòa, cho biết với những trường hợp người lao động bị tai nạn, để được hưởng chế độ bảo hiểm cần làm đầy đủ hồ sơ, giấy tờ như: văn bản xác nhận của cơ quan công an cấp phường, xã liên quan đến tai nạn giao thông, tai nạn lao động; có người làm chứng... thì phía bảo hiểm mới giải quyết chế độ, và đây là quy định chung trong cả nước.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoan, đại diện Công ty TNHH Mai Dương (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: H. Dung
Bà Nguyễn Thị Mai Hoan, đại diện Công ty TNHH Mai Dương (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: H. Dung

Theo ông Dũng, đầu năm 2017 Bảo hiểm xã hội tỉnh có văn bản yêu cầu thành phố thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của người dân từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện (trừ 5 trường hợp giữ nguyên theo quy định) nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh.

Ngoài ra, trên địa bàn có khoảng 30/3.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội thường xuyên, kéo dài và hàng trăm doanh nghiệp khác chưa tham gia bảo hiểm xã hội.

“Phía bảo hiểm đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Phía bảo hiểm chỉ là cơ quan thực hiện chính sách, không phải cơ quan quản lý nhà nước nên cũng rất khó trong việc yêu cầu doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội” - ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Phạm Anh Dũng đề nghị Bảo hiểm xã hội thành phố không được đùn đẩy trách nhiệm mà phải có hướng dẫn cụ thể để người lao động hiểu, thực hiện, được hưởng đầy đủ chế độ bảo hiểm nếu chẳng may bị tai nạn. Với các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm, các cấp Công đoàn phải phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, kiến nghị xử lý.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Bảo hiểm xã hội thành phố rà soát xem còn bao nhiêu đơn vị nợ bảo hiểm, bao nhiêu đơn vị có khả năng, không có khả năng trả nợ để báo lãnh đạo thành phố có biện pháp xử lý.

* Nâng cao chất lượng giáo dục

Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Biên Hòa  Lê Văn Dành nhấn mạnh buổi đối thoại là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ Công đoàn, công nhân lao động trên địa bàn. Bí thư Thành ủy Biên Hòa đề nghị UBND thành phố kịp thời chỉ đạo, rà soát lại các vấn đề người dân quan tâm để tham mưu, xử lý hết trách nhiệm. Đồng thời, có những giải pháp thực hiện tốt các vấn đề an sinh, xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực y tế và giáo dục. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của tỉnh, của các sở, ngành khác thì tham mưu, kiến nghị để thực hiện tốt hơn nữa.

Giáo viên Nguyễn Quốc Hoàn (Trường THCS Hoàng Văn Thụ, phường Long Bình) đề xuất lãnh đạo thành phố xem lại cách tuyển dụng, bố trí giáo viên cho các trường học vào năm học mới. Bởi hiện tại trường còn thiếu đến 7 giáo viên, trong những tuần đầu năm học các giáo viên phải dạy choàng cho nhau rất nhiều vì thiếu tới 35 giáo viên.

Ông Bùi Văn Phượng, Phó trưởng phòng GD-ĐT thành phố, cho biết năm 2017 thành phố tiến hành tuyển dụng giáo viên, nhưng ở nhiều môn, như: Âm nhạc, Thể dục, Công nghệ, Mỹ thuật, số thí sinh tham gia ứng tuyển thấp hơn nhu cầu cần tuyển. Hiện nay, một số trường học trong thành phố đang thiếu giáo viên âm nhạc. Trường THCS Hoàng Văn Thụ cần sớm liên hệ với phòng GD-ĐT để được bố trí giáo viên phù hợp.

Ông Phượng cho biết thêm Biên Hòa hiện có 3 trường THCS tiến hành phổ cập giáo dục THCS cho người dân vào các buổi tối là: Tam Hiệp, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng. Ngoài ra, có Trường tiểu học Võ Thị Sáu, THCS Bình Đa (cũ) tiến hành phổ cập lớp 10, 11, 12 cho người dân. Công nhân lao động có thể liên hệ những đơn vị này để được học phổ cập, nâng cao trình độ văn hóa.

Hàng năm, thành phố tăng khoảng 12 ngàn học sinh, đòi hỏi phải có 12 trường học mới mới đáp ứng đủ nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh. Đây là thách thức đối với ngân sách thành phố. Năm 2017, thành phố đã đưa vào sử dụng nhiều trường học mới, xây thêm phòng học, giải quyết được tình trạng ca ba ở một số nơi. Năm 2018, thành phố sẽ xây thêm 18 phòng học ở Trường tiểu học Phan Bội Châu và một số trường khác để đến năm 2020, không còn ca ba trên địa bàn.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều