Hàng chục năm qua, Di tích lịch sử Chiến khu Đ và Trung ương Cục miền Nam được nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về chặng đường chống ngoại xâm của quân dân Đông Nam bộ.
Hàng chục năm qua, Di tích lịch sử Chiến khu Đ và Trung ương Cục miền Nam (ở huyện Vĩnh Cửu) là “địa chỉ đỏ” được nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về chặng đường chống ngoại xâm của quân dân miền Đông Nam bộ.
Đại úy Nguyễn Được, Trợ lý chính trị Ban Chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Cửu, tuyên truyền về Phòng Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nắm bắt. ảnh: Đ.Tùng |
Đây cũng là nơi Ban Chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Cửu thường xuyên hướng dẫn các đoàn cán bộ, cựu chiến binh, sinh viên, học sinh và dân quân đến tham quan, ôn lại truyền thống. Những chuyến đi đến “địa chỉ đỏ” dần trở thành “lớp học ngoại khóa” cho các đảng viên trẻ, đoàn viên, nhất là thế hệ trẻ.
Nhờ thường xuyên tìm hiểu, tuyên truyền tại các “địa chỉ đỏ” mà nhiều cán bộ, chiến sĩ tự rèn luyện khả năng thuyết trình biểu cảm, soạn tài liệu tuyên truyền hấp dẫn và giành được nhiều giải cao trong cuộc thi tuyên truyền, kể chuyện tấm gương đạo đức do các cấp, ngành trong tỉnh tổ chức. Tại Hội thi tuyên truyền về học tập và làm theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh trong lực lượng vũ trang tỉnh năm 2017 (tổ chức vào đầu tháng 7-2017), Ban Chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Cửu đã được một giải nhất của Đại úy Nguyễn Được và giải nhất tập thể cho Ban Chỉ huy quân sự huyện. |
* Lớp học ngoại khóa thực tế
Chiến khu Đ được hình thành từ vùng rừng Tân Uyên, nơi đứng chân của Đội Du kích Biên Hòa trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11-1940.
Trong kháng chiến chống Pháp, phạm vi của Chiến khu Đ không ngừng được mở rộng, phát triển theo yêu cầu của cách mạng.
Bước sang kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Đ tiếp tục là hậu phương vững chắc tiếp nhận hàng chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, nơi mở đường, nối thông với đường Hồ Chí Minh. Từ Chiến khu Đ có thể liên lạc với hậu phương lớn miền Bắc, với chiến trường Nam Trung bộ và chiến trường Tây Nguyên, cùng với các căn cứ Bắc Tây Ninh và Củ Chi... tạo thế áp sát các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn.
“Mỗi năm Ban Chỉ huy quân sự huyện đưa khoảng 10 đoàn đến thăm và ôn lại truyền thống tại Chiến khu Đ và Trung ương Cục miền Nam. Các di tích này đã trở thành những “địa chỉ đỏ”, hàng năm thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan, thăm viếng, tìm hiểu” - Trung tá Nhâm Hoàng Biên, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Cửu, cho biết.
Để làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn các đoàn tham quan, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã phân công một số cán bộ nói chuyện lưu loát để có thể truyền cảm hứng và giúp những người tham quan di tích thông hiểu được quá trình kháng chiến gian khó nhưng anh dũng của thế hệ cha anh đi trước, tiếp thêm ngọn lửa yêu nước, yêu cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Trung tá Nhâm Hoàng Biên cho hay: “Công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng của địa phương ở Ban Chỉ huy quân sự huyện đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm và phát huy truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là với dân quân năm thứ 1. Được đến tận nơi, sờ tận tay, thấy tận mắt nơi các chiến sĩ cách mạng sống, chiến đấu…, mọi người càng hiểu, quý trọng những đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước, từ đó vun đắp lý tưởng sống cho bản thân thêm vững chắc”.
* Khơi dậy tinh thần cách mạng
Đại úy Nguyễn Được, Trợ lý chính trị Ban Chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Cửu, người thường xuyên đưa các đoàn đến tham quan di tích Chiến khu Đ và Trung ương Cục miền Nam chia sẻ, anh phải tìm đọc nhiều tài liệu, lắng nghe thuyết minh nhiều lần để học theo. Với anh, tuyên truyền cũng là cách để giúp bản thân anh hiểu sâu hơn, nhận thức tốt hơn và tìm được cách truyền đạt về các di tích lịch sử cách mạng hay hơn đến với người nghe.
“Theo dõi những người thuyết minh chuyên nghiệp giới thiệu về các di tích lịch sử cách mạng, tôi học được vài điều hay và đem áp dụng tại đơn vị. Ngoài tuyên truyền miệng, tôi còn làm các clip hoặc video để trình chiếu. Trước các cuộc họp, hội nghị lớn của đơn vị và của huyện, chúng tôi làm các clip thuyết minh về “địa chỉ đỏ” Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam hoặc về các tấm gương làm theo lời Bác để trình chiếu cho các đại biểu xem. Nhất là những khi Huyện ủy, UBND huyện và các cấp đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nhang tại Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam, những cán bộ của Ban Chỉ huy quân sự huyện lại làm nhiệm vụ hướng dẫn đoàn, thuyết minh lễ viếng, tạo sự trang nghiêm và khơi gợi tinh thần đấu tranh cách mạng của các thế hệ đi trước cho các cán bộ, đảng viên trẻ noi theo” - Đại úy Được chia sẻ.
Không chỉ tuyên truyền, giáo dục truyền thống tại các “địa chỉ đỏ” cho các đoàn cán bộ, cựu chiến binh, sinh viên, học sinh, Ban Chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Cửu còn sử dụng các di tích lịch sử cách mạng làm nơi tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương cho dân quân thường trực mỗi dịp huấn luyện.
Anh Nguyễn Kim Hiếu (dân quân năm thứ 2) chia sẻ từ khi tham gia lực lượng dân quân, vào mỗi dịp lễ 27-7 hoặc các dịp lễ lớn, anh và đồng đội được tuyên truyền về Phòng Hồ Chí Minh, được đến các di tích lịch sử trong huyện để tìm hiểu cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của các thế hệ cha anh đi trước.
“Thế hệ trẻ chúng tôi thích nghe những câu chuyện lịch sử được thấy tận mắt, sờ tận tay nên khi được vào thăm Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi rất thích thú và cảm nhận rõ hơn những đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh đi trước trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hồi còn đi học, tôi đã đến các di tích lịch sử Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam chơi vài lần, nhưng cũng chỉ xem cho biết. Giờ đây, khi trở thành một chiến sĩ dân quân, qua tìm hiểu và được nghe những lời thuyết trình cụ thể của cán bộ hướng dẫn, tôi mới hiểu rõ hơn” - anh Hiếu tâm sự.
Đăng Tùng