Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành động vì người lao động

11:08, 20/08/2017

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai sau buổi làm việc với Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đã đánh giá cao mô hình nhà trẻ và phòng khám đa khoa do doanh nghiệp này thành lập.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai sau buổi làm việc với Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đã đánh giá cao mô hình nhà trẻ và phòng khám đa khoa do doanh nghiệp này thành lập. Đây là một trong những điểm sáng trong việc xây dựng các thiết chế Công đoàn tại khu công nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (thứ 2 từ trái qua), thăm con của công nhân Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial tại Trường mầm non tư thục Thái Quang - Taekwang.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (thứ 2 từ trái qua), thăm con của công nhân Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial tại Trường mầm non tư thục Thái Quang - Taekwang.

Để tiếp tục giữ chân người lao động và phát triển nền kinh tế bền vững trong tương lai, bà Nguyễn Thị Thu Hồng đề nghị tỉnh Đồng Nai cần nhân rộng mô hình này ở các khu công nghiệp, có chính sách chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người lao động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hơn nữa.

* Bà đánh giá như thế nào về các thiết chế Công đoàn ở Đồng Nai hiện nay?

- Đồng Nai là một trong những điểm sáng trong việc chăm lo đời sống cho người lao động. Ở Đồng Nai thời gian qua đã có những mô hình, thiết chế Công đoàn rất hiệu quả, như: một số nhà trẻ cho con công nhân của Tập đoàn Phong Thái, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam; trường mầm non, phòng khám đa khoa của Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial…

Riêng mô hình, hoạt động của Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial thực sự là mối quan hệ qua lại giữa doanh nghiệp và người lao động. Không chỉ bỏ ra 60 tỷ đồng để xây trường mầm non cho con công nhân, công ty còn hỗ trợ 100 ngàn đồng/trẻ/tháng cho 11 ngàn trẻ dưới 6 tuổi là con của công nhân công ty, hỗ trợ 60% học phí cho trẻ học tại trường mầm non, có phòng khám để chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động. Những việc này không phải công ty nào cũng làm được.

* Thực tế, thiết chế Công đoàn ở Đồng Nai vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động.  Đâu là giải pháp, thưa bà?

- Theo đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5-2017, các địa phương có trách nhiệm bố trí đất sạch để triển khai xây dựng. Nơi nào đã có quy hoạch rồi thì bố trí ngay. Nơi nào chưa có quy hoạch thì điều chỉnh quy hoạch để bố trí đất xây dựng các thiết chế.

Tại Đồng Nai một trong những nguyên nhân hạn chế này là do chưa có quỹ đất sạch nên việc triển khai các thiết chế Công đoàn phục vụ công nhân lao động chưa được như mong đợi. Và việc này cần phải có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy chính quyền địa phương, các sở, ngành trong tỉnh. Phía Tổng liên đoàn Lao động sẽ hỗ trợ hết mình để Đồng Nai sớm xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều hơn nữa các thiết chế Công đoàn phục vụ công nhân lao động.

* Đồng Nai hiện có 91% doanh nghiệp có bữa ăn giữa ca từ 15 ngàn đồng trở lên. Theo bà như vậy đã đạt được mục tiêu nghị quyết mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra chưa và bà mong đợi điều gì?

- Đây là tỷ lệ khá tốt. Song, chúng tôi vẫn mong đợi tất cả các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh đều có bữa ăn giữa ca cho người lao động có giá trị cao hơn nữa, từ 20-30 ngàn đồng. Tiếp đó là hướng tới bữa ăn tự chọn để đáp ứng nhu cầu, sở thích của người lao động.

Bữa ăn cho công nhân không chỉ có ý nghĩa với riêng công nhân mà còn là sự đầu tư trực tiếp cho nguồn nhân lực của doanh nghiệp, góp phần xây dựng thế hệ tương lai. Bởi, khi công nhân khỏe thì làm việc tốt, sẽ là những người bố, mẹ khỏe, sinh ra những đứa con khỏe mạnh và chăm sóc trẻ tốt hơn. Do đó, các doanh nghiệp hãy nhìn thấy những lợi ích xa hơn từ bữa ăn cho công nhân chứ không phải chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt của doanh nghiệp.

* Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 cho khối doanh nghiệp và người lao động là 6,5%. Theo bà, mức tăng này đã hợp lý chưa và có thể đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động không?

- Trong điều kiện, bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay thì mức tăng lương này cũng phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, chưa được như mong đợi của Tổng liên đoàn Lao động. Chúng tôi cho rằng, muốn đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động thì cần nỗ lực hơn nữa từ Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động, VCCI (đại diện giới sử dụng lao động). Chúng tôi mong những năm tiếp theo, mức tăng lương tối thiểu vùng sẽ cao hơn nữa để hướng đến đảm bảo mức sống tối thiểu thực chất cho người lao động.

 Xin cảm ơn bà!

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Tìm kiếm cơ hội việc làm trên VietnamWorks