Xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động để ổn định tình hình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh là mục tiêu mà tất cả các công ty, doanh nghiệp hướng tới.
Xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động để ổn định tình hình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh là mục tiêu mà tất cả các công ty, doanh nghiệp hướng tới.
Công nhân Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) trong giờ làm việc. |
Để làm được điều này cần nhiều yếu tố, trong đó vai trò của tổ chức Công đoàn ở cơ sở vô cùng quan trọng. Trên thực tế, vì còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên hoạt động Công đoàn ở nhiều nơi vẫn chưa phát huy được hiệu quả cần có.
* Cán bộ Công đoàn còn ngại va chạm
Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), cho biết quan hệ lao động tại doanh nghiệp được hình thành trên tinh thần hợp tác và chia sẻ. Hợp tác chính là cái gốc để ổn định quan hệ lao động. Chỉ khi nào chủ doanh nghiệp ý thức được trách nhiệm và chủ động ngồi lại với tổ chức Công đoàn giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của người lao động thì lúc đó quan hệ lao động mới ổn định bền vững. |
6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ đình công tại 20 doanh nghiệp (giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm trước).
Đáng lưu ý, có 15 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn cơ sở để diễn ra tình trạng này với hơn 14 ngàn công nhân lao động tham gia. Phần lớn số vụ đình công xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đông nhất là Hàn Quốc, Đài Loan.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đoàn Văn Đây cho hay, ngoài nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp không áp dụng đúng thang - bảng lương để chi trả cho người lao động, cắt giảm các khoản phụ cấp ngoài lương, trả lương chậm, trả lương làm thêm giờ chưa đúng, chưa đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…, còn phải kể đến nguyên nhân từ tổ chức Công đoàn cơ sở. Bởi, ban chấp hành Công đoàn cơ sở một số nơi chưa nắm bắt kịp thời những yêu cầu, nguyện vọng của người lao động để phối hợp với doanh nghiệp giải quyết.
Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn chưa phát huy được vai trò đại diện trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, chưa chủ động đề xuất và thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động trong việc cải thiện các chế độ chính sách của doanh nghiệp. Nhiều cán bộ Công đoàn gặp tâm lý ngại va chạm với ban giám đốc công ty, không thể hiện được vai trò là cầu nối giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
Lý giải nguyên nhân vì sao cán bộ Công đoàn “ngại va chạm”, nhiều ý kiến cho biết do đa số cán bộ Công đoàn làm công tác kiêm nhiệm, lại ăn lương từ phía chủ doanh nghiệp nên phần nào bị hạn chế trong việc đấu tranh cho người lao động.
* Phải thực sự là cầu nối
Thực tế cho thấy, ở doanh nghiệp nào có tổ chức Công đoàn vững mạnh, cán bộ Công đoàn cơ sở năng nổ, nhiệt huyết, có nhiều cách làm sáng tạo thì nơi đó thực hiện tốt quy chế dân chủ. Bà Đỗ Thị Thúy Kiều, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) bộc bạch, để tổ chức Công đoàn có “chỗ đứng” và “tiếng nói” với chủ doanh nghiệp thì ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của từng cá nhân, ban chấp hành Công đoàn cơ sở phải đi sâu, đi sát, nắm vững, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời đề xuất với chủ.
“Ở công ty chúng tôi, hàng tháng chủ doanh nghiệp đều đứng ra đối thoại với người lao động để nghe xem người lao động muốn gì, cần gì, đồng thời để người lao động nắm được tình hình hoạt động của công ty để cùng nhau phấn đấu làm việc tốt. Nhờ sự hỗ trợ của Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch và sự ủng hộ từ Ban giám đốc công ty mà Công đoàn cơ sở luôn tự tin là cầu nối giữa chủ doanh nghiệp và người lao động” - bà Kiều chia sẻ.
Ngoài ra, để thương lượng với chủ doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh lương, thưởng cho người lao động, ông Phạm Minh Cường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Suzuki Việt Nam (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa), cho biết trước tiên, Công đoàn cần vận động doanh nghiệp chấp hành đúng quy định, chính sách, sau đó mới thương lượng các khoản có lợi hơn cho công nhân.
Song song đó phải vận động công nhân tích cực lao động sản xuất, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo trong lao động. Khi công nhân đáp ứng tốt các đơn hàng theo yêu cầu thì việc thương lượng với chủ doanh nghiệp dễ dàng hơn.
Bên cạnh các chế độ chính sách thì việc tăng giờ làm việc cũng được các Công đoàn cơ sở quan tâm. Theo ông Lý Ba Xê, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Cự Thành (huyện Long Thành), việc tăng giờ làm của công nhân phải có sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Riêng tại Công ty TNHH Cự Thành, thỏa ước lao động tập thể nêu rõ nếu làm thêm giờ, Ban lãnh đạo công ty phải có thỏa thuận trước với Ban Chấp hành Công đoàn để người lao động bố trí thời gian và công việc gia đình.
Thỏa ước cũng quy định rõ những vấn đề về tiền thưởng, mức thưởng, thời gian trả thưởng, các loại phụ cấp. Để có được nhiều chế độ phúc lợi cho người lao động, ngoài luật quy định, các cán bộ Công đoàn phải làm việc với ban giám đốc công ty nhiều lần để thuyết phục được doanh nghiệp đồng ý với các yêu cầu của công nhân lao động. Từ đó tránh tình trạng đình công, lãn công, ngừng việc tập thể kéo dài.
Hạnh Dung