Chỉ ít tháng sau ngày đất nước thống nhất, tình yêu đẹp trong thời kháng chiến của 2 chiến sĩ Lê Văn Lâm và Lương Thị Ngọc Yến (ngụ thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) đi đến cái kết có hậu bằng một đám cưới nhỏ dưới sự chứng kiến của bạn bè, người thân.
Chỉ ít tháng sau ngày đất nước thống nhất, tình yêu đẹp trong thời kháng chiến của 2 chiến sĩ Lê Văn Lâm và Lương Thị Ngọc Yến (ngụ thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) đi đến cái kết có hậu bằng một đám cưới nhỏ dưới sự chứng kiến của bạn bè, người thân.
Vợ chồng cựu chiến binh Lê Văn Lâm và Lương Thị Ngọc Yến (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán). |
Ông Lâm chia sẻ: “Sau ngày hòa bình, đất nước gặp nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh. Gia đình tôi cũng như bao hộ khác đều không tránh khỏi hoàn cảnh thiếu thốn về vốn liếng, đất đai để sản xuất. Song tất cả những khó khăn đó chẳng là gì so với niềm vui được sống trong một đất nước tự do, hòa bình, sạch bóng quân thù, yên tiếng súng. Vượt qua những biến cố, khó khăn của cuộc sống, gia đình tôi đã có cuộc sống sung túc, con cái trưởng thành, chăm làm việc thiện giúp cộng đồng, nhất là những đồng đội kém may mắn”.
Tiếp nối truyền thống gia đình
Ông Lê Văn Lâm tâm sự: “Tôi có một người em hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Vậy nên mỗi khi đến ngày 27-7 và ngày giỗ, khi dâng những nén nhang thơm lên bàn thờ cha mẹ, em trai, các thành viên trong gia đình tôi luôn cảm thấy ray rứt, chưa làm tròn được trách nhiệm”. |
Ông Lê Văn Lâm và bà Lương Thị Ngọc Yến cùng sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng tại huyện Định Quán. Tiếp nối chí hướng gia đình, năm 1965 ở tuổi 15, ông Lâm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngay tại quê nhà. Đến năm 1968, bà Yến khi đó vừa tròn 15 tuổi cũng tham gia hoạt động cách mạng. Trước sự hy sinh của cha mẹ, anh em trong gia đình, ông bà không hề chùn bước hay cảm thấy lo sợ. “Lúc thoát ly theo kháng chiến, tôi và vợ nào có nghĩ đến lập công để nhận khen thưởng. Tất cả chỉ vì lòng căm thù giặc, mong góp phần đuổi giặc ra khỏi đất nước để làm tiếp những điều cha mẹ, anh chị chưa làm được, đó là giành độc lập, hòa bình cho đất nước” - ông Lâm, bà Yến cho hay.
Trong những năm tháng đó, vì có cùng sự đồng cảm: gia đình ông Lâm có 5 người theo kháng chiến, sau này mẹ ông được truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha và em trai là liệt sĩ; bà Lương Thị Ngọc Yến có mẹ là liệt sĩ, nhiều người thân tham gia cách mạng; ông bà lại có chung chí hướng giải phóng quê hương... nên từ đó tình yêu của 2 người nảy nở và nên duyên vợ chồng sau ngày đất nước thống nhất.
Đầu năm 1974 trong một trận đánh, ông Lâm bị địch bắt đem về giam tại Cần Thơ. Cũng năm này, cha ông Lâm hy sinh. “Khi biết tin anh Lâm bị địch bắt, dù rất lo lắng nhưng tôi cũng không biết làm gì hơn. Cứ nghĩ lần này cách biệt là mãi mãi xa nhau rồi. Nếu có may mắn còn sống mà gặp đươc nhau thì chỉ trông chờ vào ngày đất nước thống nhất. Và thật may mắn, đến ngày 30-4-1975 đất nước giải phóng, anh Lâm đã trở về với đồng đội, người thân” - bà Yến kể lại.
Vậy nên giờ ngồi bên nhau cùng các con, cả 2 ông bà đều cho rằng mình là những người thật may mắn. “Càng vui hơn khi Đảng và Nhà nước đã quan tâm, nghĩ đến những gia đình có công khi truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ tôi, trân trọng và ghi nhớ công lao của những người trong gia đình tôi đã ngã xuống cũng như mất đi một phần thân thể trong kháng chiến” - ông Lâm nói.
Thi đua trong cuộc sống đời thường
Trở về sau cuộc kháng chiến, ông Lâm tiếp tục tham gia công tác tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Định Quán cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2001. Còn vợ ông do hoàn cảnh phải nghỉ công tác để rồi một tay buôn thúng bán bưng, làm rẫy để nuôi 6 người con ăn học. Bà Yến chia sẻ, cũng như bao gia đình khác lúc đó cả 2 vợ chồng bà chỉ có mỗi chiếc giỏ đệm đựng vài bộ quần áo, riêng chồng còn mang trên mình thương tật chiến tranh với mức độ được xác định là thương binh hạng 3/4.
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Định Quán Nguyễn Trọng Tiết, với kinh nghiệm thực tế và đầu óc thích ứng nhanh với cái mới nên ông Lâm nhanh chóng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy mà thời gian qua 5,6 hécta đất trồng xoài, điều, mít của gia đình ông Lâm đều cho thu hoạch tốt, đảm bảo về kinh tế. Riêng bà Yến là tiểu thương buôn bán giỏi có tiếng tại thị trấn Định Quán. Hàng quán do một tay bà quán xuyến có mọi mặt hàng từ thực phẩm đến cây, con giống cho bà con trong vùng. Cũng từ đó, gia đình cựu chiến binh Lê Văn Lâm và Lương Thị Ngọc Yến nhiều năm liền được các cấp Hội cựu chiến binh tuyên dương cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, vợ chồng cựu chiến bình này còn chăm lo nuôi dạy các con học hành đến nơi đến chốn, chấp hành tốt quy định của pháp luật, trong đó có một con trai nối nghiệp gia đình đang công tác tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Định Quán.
Đặc biệt, vợ chồng cựu chiến binh Lê Văn Lâm và Lương Thị Ngọc Yến còn chăm làm việc thiện giúp cộng đồng và hỗ trợ những đồng đội kém may mắn. Hàng tháng, gia đình cựu chiến binh này đều hỗ trợ gần 50kg gạo cho 2 bếp ăn từ thiện của huyện để nấu cơm miễn phí cho học sinh nghèo, học sinh học xa nhà, bệnh nhân, người nghèo. Trong những dịp lễ tết, gia đình này cũng là mạnh thường quân trong việc giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.
Văn Truyên