Trở về cuộc sống đời thường khi trong người mang thương tật nhưng nhiều thương binh, bệnh binh đã không chịu đầu hàng số phận, không nản lòng trước những khó khăn. Họ đã và đang tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho các phong trào ở địa phương, làm nhiều việc có ích để sống vui, sống khỏe mỗi ngày.
Trở về cuộc sống đời thường khi trong người mang thương tật nhưng nhiều thương binh, bệnh binh đã không chịu đầu hàng số phận, không nản lòng trước những khó khăn. Họ đã và đang tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho các phong trào ở địa phương, làm nhiều việc có ích để sống vui, sống khỏe mỗi ngày.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm, tặng quà gia đình thương binh Nguyễn Văn Tường (KP.4, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa, bên trái). Ảnh: H. Dung |
Tiếp xúc với thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Đẩu (65 tuổi, ngụ ấp 1, xã Tam An, huyện Long Thành), ai cũng thấy cuộc sống còn quá nhiều niềm vui, đáng sống, đáng trân trọng.
* Thương binh làm kinh tế giỏi
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn trồng đủ các loại cây như: mít, thanh long, đu đủ, mãng cầu, măng… thăm đàn gà, vịt, ông Nguyễn Văn Đẩu tươi cười: “Tuổi già ngoài việc sống vui với cháu con thì chăm sóc cây cối, gà vịt cũng đem đến cho vợ chồng tôi niềm hạnh phúc không sao tả được. Đó là cảm thấy mình còn lao động được, còn có thể sản xuất, nuôi sống bản thân và giúp đỡ những người xung quanh”. Nói rồi, ông Đẩu xắn tay áo, cầm cuốc ra vườn vun nốt luống đậu đang chuẩn bị ra trái. Vừa làm, ông vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện những ngày tham gia kháng chiến.
Năm 1967, thanh niên Nguyễn Văn Đẩu tham gia cách mạng. Năm 1969, chiến tranh ác liệt, bị địch dồn dữ quá, ông Đẩu phải lên Sài Gòn làm lính biệt động. Đến năm 1972, ông Đẩu lại trở về quê nhà tiếp tục hoạt động. Năm 1976, ông Đẩu bị thương khi đang làm nhiệm vụ ở Trường huấn luyện tân binh nghĩa vụ quân sự của Bộ Tư lệnh TP.Hồ Chí Minh. 2 năm sau, ông Đẩu phục viên trở về địa phương sinh hoạt.
Những năm đầu hoàn cảnh gia đình khó khăn, cộng với bản thân bị thương tật, sức khỏe giảm sút khiến cuộc sống gia đình ông vô cùng chật vật. Ông Đẩu bàn với vợ thuê đất để trồng trọt, chăn nuôi. Bằng sự chịu thương, chịu khó, kiên trì, gia đình ông Đẩu dần vươn lên, sản xuất có lợi nhuận. Với hơn 3 hécta trồng cây ăn trái, lúa và chăn nuôi gia cầm, mỗi tháng vợ chồng người thương binh thu nhập hơn 6 triệu đồng. Từ chỗ khó khăn, gia đình ông Đẩu vươn lên thành hộ khá giả của vùng.
Có của ăn, của để, năm 2003 ông Đẩu trích tiền của gia đình để đổ đá con đường dài hơn 500m giúp bà con trong vùng đi lại thuận tiện hơn, không bị sình lầy mỗi khi mưa và bụi bặm lúc trời nắng. Nhân dân trong vùng luôn lấy tấm gương của vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Đẩu để cố gắng, vươn lên. “Đảng, Bác Hồ mãi mãi trong tim tôi. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới tôi thì ngược lại, tôi cũng thấy mình có bổn phận phải giúp đỡ những người còn khó khăn hơn mình. Từ việc góp công, góp của để làm đường, sửa chữa nhà cửa cho bà con chúng tôi đều không quản ngại. Tất cả để cùng nhau xây dựng quê hương mình ngày càng đẹp hơn” - ông Đẩu bộc bạch.
* Tích cực hoạt động đoàn thể
Thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Tường (KP.4, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) luôn nở nụ cười rạng rỡ trên môi mỗi khi có ai tới thăm hay hỏi chuyện. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát của người thương binh này, ít ai ngờ được ông bị thương tật đến 91%. Trở về cuộc sống đời thường, ông Tường tích cực tham gia các hoạt động Hội, đoàn thể tại địa phương. “Tham gia các hoạt động đoàn thể, được tiếp xúc, giao lưu với mọi người, tôi thấy mình khỏe ra, thấy yêu đời và trân quý cuộc sống hơn bao giờ hết” - ông Tường chia sẻ.
Những năm qua, cùng với việc xây dựng kinh tế, vợ chồng ông Tường luôn quan tâm đến việc giáo dục, dạy dỗ các con. Đến nay, những người con của vợ chồng người thương binh lạc quan đã trưởng thành, có công việc ổn định và biết chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già.
Cũng trở về địa phương sau ngày thống nhất đất nước, bệnh binh Nguyễn Công Thứ (ngụ KP.6, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Ở tuổi 77, người lính lái xe trên chiến trường năm xưa nay là hội viên tích cực của các Hội như: Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào...
Chia sẻ về những năm tháng chiến tranh ác liệt, bệnh binh Nguyễn Công Thứ cho hay: “Tôi nhập ngũ năm 1960. Với nhiệm vụ lái xe, tôi luôn dặn mình phải nhanh, khéo để đưa chiến sĩ của mình đi, đến an toàn. Trong chiến tranh, mọi thứ đều có thể xảy ra. Có những lần khi tôi vừa lái xe đi khỏi thì quân địch ném bom ngay chỗ tôi vừa dừng xe. Những đêm hôm mưa gió, chúng tôi phải đi bằng phương tiện đèn ngầm để tránh sự phát hiện của địch. Do đó, anh em lái xe chúng tôi phải tập trung cao độ và rất căng thẳng. Cũng may, nhờ sự động viên của đồng đội, đồng chí, đặc biệt là lực lượng thanh niên xung phong, chúng tôi thấy cuộc sống đáng yêu và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Giờ đây, khi hòa bình, độc lập, tôi càng cảm thấy giá trị của cuộc sống tự do. Tôi luôn nhắc nhở mình cũng như con cháu phải sống sao để về sau không phải ân hận hay hối tiếc điều gì”.
Phát biểu tại chuyến tới thăm các gia đình chính sách ở Đồng Nai mới đây trong dịp về Đồng Nai dự lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào Sân bay Biên Hòa đêm 31-1-1968, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: “Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn của những gia đình chính sách nói chung, trong đó có thương, bệnh binh đã góp máu xương, công sức của mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Điều đáng quý ở các thương, bệnh binh trong cuộc sống đời thường là họ luôn vui vẻ, lạc quan, là điểm tựa, tấm gương sáng để cháu con noi theo. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng các thương, bệnh binh sẽ luôn phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, luôn sống vui, sống khỏe, sống có ích”. |
Hạnh Dung