Từ 20 năm trước, Đồng Nai đã triển khai tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa năm 1968.
Bài 3: Chưa dừng lại...
Từ 20 năm trước, Đồng Nai đã triển khai tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa năm 1968.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (giữa), gặp gỡ 2 cựu binh Mỹ Martin E.Strones (đội nón) và Bob Connor (trái) cùng lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của tỉnh tại Sân bay Biên Hòa. |
Đại tá Trương Quang Châu, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, chia sẻ: cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Sân bay Biên Hòa khó khăn giống như ở Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), Bảo Vinh (TX.Long Khánh) hay nhiều điểm khác do thiếu thông tin chính xác.
* Mò kim đáy bể
Ngày 18-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến động viên lực lượng tìm kiếm hài cốt ở Sân bay Biên Hòa, gặp gỡ với 2 cựu binh Mỹ sang Việt Nam giúp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã căn dặn lực lượng tìm kiếm: “Việc sớm tìm được các hài cốt liệt sĩ tại Sân bay Biên Hòa không chỉ là nhiệm vụ cao cả thiêng liêng mà còn là trách nhiệm của tất cả chúng ta phải làm và nhất định làm bằng được để người thân liệt sĩ, đồng đội các liệt sĩ, mỗi người chúng ta đều được an lòng”. |
Trong cuộc tấn công Sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương sau khi gây cho địch những tổn hại lớn về lực lượng và vũ khí. Do tình hình ác liệt của cuộc tấn công Sân bay Biên Hòa nên các lực lượng buộc phải rút lui về căn cứ. Khi lực lượng của ta rút đi, địch cho xe tải gom xác bộ đội nằm ở nhiều nơi quanh Sân bay Biên Hòa đưa vào sân bay chôn cất, nên ít người biết vị trí chính xác các hố chôn nằm ở đâu.
Chiến tranh qua đi, Sân bay Biên Hòa được xác định là một trong những nơi còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy. Với người thân các liệt sĩ, cựu chiến binh từng tham gia trận đánh Sân bay Biên Hòa và nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thì việc sớm tìm được hài cốt các liệt sĩ là một nhiệm vụ luôn đau đáu trong lòng. Đại tá Trương Quang Châu cho biết 20 năm trước tỉnh đã chỉ đạo triển khai công tác tìm kiếm hài cốt tại Sân bay Biên Hòa, nhưng cho đến trước năm 2016 vẫn chưa đạt được kết quả.
Còn Đại tá Mai Xuân Chiến, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, bùi ngùi chia sẻ: “Thời gian càng lùi vào dĩ vãng thì việc tìm kiếm các liệt sĩ tại Sân bay Biên Hòa càng khó khăn vì nhiều nhân chứng tuổi đã già, trí nhớ kém đi, địa hình cũng có thay đổi, đặc biệt là hài cốt bị phân hủy theo thời gian. Tôi đã cất công đi tìm các nhân chứng từng tham gia trận đánh Sân bay Biên Hòa năm 1968, ai cũng rất thiết tha và kỳ vọng tỉnh sớm tìm được đồng đội đã hy sinh. Mỗi lần kể về đồng đội đã chiến đấu, hy sinh như thế nào, nhiều nhân chứng đã khóc”.
Để phục vụ công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Sân bay Biên Hòa hy sinh vào năm 1968 được diễn ra nhanh chóng, không ít lần Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tổ chức các hội thảo về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Sân bay Biên Hòa với sự tham gia khá đông đảo của đại diện các đơn vị từng tham gia trận đánh Sân bay Biên Hòa và các cựu chiến binh. Đại tá Mai Xuân Chiến cho biết: “Vì việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Sân bay Biên Hòa là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả nên bất cứ thông tin nào cũng rất đáng trân trọng. Các thông tin đó có thể là bước ngoặt của cuộc tìm kiếm những người đã hy sinh gần nửa thế kỷ”.
* Từ một bức không ảnh
Năm 2016, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp nhận một thông tin quan trọng có thể giúp cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Sân bay Biên Hòa được đẩy nhanh hơn và sớm kết thúc. Thông tin đó chính là một bức ảnh chụp Sân bay Biên Hòa từ trên cao, trong đó có khoanh một vòng tròn với nội dung chỉ dẫn “Nơi chôn cất bộ đội Việt Nam”. Vị trí được xác định là phía cuối sân bay, giáp KP.7 thuộc phường Tân Phong. Người phát hiện và sưu tầm bức ảnh chụp Sân bay Biên Hòa từ trên cao, có ghi chỉ dẫn nơi chôn cất liệt sĩ là kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng sống tại TP.Hồ Chí Minh. Kiến trúc sư Thắng sau đó đã cung cấp các thông tin về bức ảnh cho Đại tá Mai Xuân Chiến, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, để phục vụ tìm kiếm hài cốt tại Sân bay Biên Hòa.
Đại tá Mai Xuân Chiến cho biết để có được thông tin cụ thể hơn, ông đã tìm cách liên hệ với tác giả chụp bức ảnh này và được biết đó là 2 cựu binh Mỹ là ông Martin E.Strones, nguyên Đại tá phụ trách quốc phòng và Bob Connor, nguyên Trung sĩ cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ Sân bay Biên Hòa. Những lần đầu Đại tá Mai Xuân Chiến và cán bộ Sở Ngoại vụ trao đổi thông tin với Martin E.Strones và Bob Connor về bức ảnh đều rất khó khăn do chưa có sự tin tưởng. Nhưng khi chính thức nhận được thư mời của lãnh đạo tỉnh sang Việt Nam để hỗ trợ công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, 2 ông Martin E.Strones và Bob Connor sẵn sàng nhận lời.
Sau nhiều mong đợi, ngày 17-3-2017, 2 cựu binh Mỹ Martin E.Strones và Bob Connor đã có mặt tại Biên Hòa. Ông Martin E.Strones chia sẻ: “Chúng tôi thấu hiểu được ước nguyện tìm lại những người đã ngã xuống vì đất nước của các bạn Việt Nam và chúng tôi đã quyết định trở lại Việt Nam và làm tất cả những gì có thể”.
Trở lại Sân bay Biên Hòa nơi mà Martin E.Strones và Bob Connor từng tham chiến 50 năm trước vào sáng 18-3, cả 2 ông đều cảm thấy mọi thứ có nhiều thay đổi, tuy nhiên Bob Connor vẫn nhận ra vị trí mình từng đứng canh gác. Trong thời gian 4 ngày ở Sân bay Biên Hòa, 2 ông Martin E.Strones và Bob Connor cùng với lực lượng tìm kiếm của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xác định nhiều vị trí để đào tìm mà 2 ông còn nhớ.
Nhờ sự chỉ dẫn của 2 ông Martin E.Strones và Bob Connor, ngày 14-4 lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được 1 hố chôn đầu tiên, cách đường vành đai sân bay khoảng 10m, nằm cuối đường băng. Sau nhiều ngày khai quật đội tìm kiếm đã cất bốc được nhiều hài cốt, di vật của liệt sĩ như: tăng võng, dép râu, bình tông nước, cáng thương... Thông tin tìm được hài cốt liệt sĩ ở Sân bay Biên Hòa đã mang lại xúc động rất lớn cho người thân các liệt sĩ, các cựu chiến binh từng tham gia trận đánh Sân bay Biên Hòa. Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tới hiện trường để động viên và chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cất bốc tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi tìm được hố chôn liệt sĩ tập thể đầu tiên ở Sân bay Biên Hòa, hiện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với UBND TP.Biên Hòa tiếp tục mở rộng công tác tìm kiếm ở nhiều vị trí. Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết: “Chính quyền đã tiến hành đền bù và giải tỏa một số khu đất giáp Sân bay Biên Hòa nghi có hài cốt để Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đưa lực lượng vào tìm kiếm”. Và vì thế cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Sân bay Biên Hòa vẫn chưa dừng lại...
Diễn tiến cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Sân bay Biên Hòa: - Từ năm 1997 và nhiều năm sau đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và đồng đội các liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa tiến hành tìm kiếm nhưng không có kết quả. - Năm 2016, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phát hiện manh mối bản đồ Sân bay Biên Hòa chụp từ trên cao có khoanh vùng vị trí hố chôn và liên hệ được với 2 ông Martin E.Strones và Bob Connor là những người sở hữu bản đồ. - Ngày 17-3-2017, 2 ông Martin E.Strones và Bob Connor có mặt tại TP.Biên Hòa theo lời mời của lãnh đạo tỉnh hỗ trợ công tác tìm kiếm. - Ngày 18-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có mặt tại hiện trường động viên lực lượng tìm kiếm. - 10 giờ ngày 13-4, hố chôn liệt sĩ tại Sân bay Biên Hòa được tìm thấy. |
Công Nghĩa