Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ đồng đội...

11:07, 12/07/2017

Ngày 12-7, tỉnh Đồng Nai đã long trọng làm lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa vào Tết Mậu Thân năm 1968.

Ngày 12-7, tỉnh Đồng Nai đã long trọng làm lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa vào Tết Mậu Thân năm 1968.

Cựu chiến binh Chế Trung Hiếu (phải), người góp phần tìm ra ngôi mộ tập thể các liệt sĩ trong trận đánh Sân bay Biên Hòa năm 1968  kể lại chặng đường đi tìm mộ liệt sĩ cho chiến sĩ trẻ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh ngày 11-7.
Cựu chiến binh Chế Trung Hiếu (phải), người góp phần tìm ra ngôi mộ tập thể các liệt sĩ trong trận đánh Sân bay Biên Hòa năm 1968 kể lại chặng đường đi tìm mộ liệt sĩ cho chiến sĩ trẻ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh ngày 11-7. Ảnh: N.Liên

Dù các anh đã được đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đưa tiễn về lòng đất mẹ, nhưng những cảm xúc về các chiến sĩ vẫn còn đọng lại mãi trong mỗi người.

Mãi mãi không quên

Nhà tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh gần 3 tháng qua đón nhiều đoàn khách viếng thăm. Những mâm cơm cúng đủ 3 bữa mỗi ngày cho các liệt sĩ mới được tìm thấy được những người trông coi nghĩa trang chuẩn bị tươm tất. Mọi người đến đây đều thắp nén nhang tưởng niệm với một tấm lòng cảm phục và biết ơn sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ.  

Là một trong những người đầu tiên phát hiện manh mối về mộ tập thể tại Sân bay Biên Hòa trong trận đánh ngày 31-1-1968, và cũng là người đã miệt mài kết nối liên lạc với những binh lĩnh Mỹ năm xưa để được cung cấp chính xác nhất về vị trí mộ, cựu chiến binh Chế Trung Hiếu đã lặn lội từ TP.Hải Phòng vào TP.Biên Hòa trước thời điểm truy điệu các liệt sĩ 2 ngày. Những ngày qua, ông Hiếu luôn có mặt ở nghĩa trang để tận mắt nhìn thấy việc chuẩn bị cho lễ truy điệu cũng như ôn lại những kỷ niệm khó quên trong những ngày đi tìm manh mối về nơi các liệt sĩ đã nằm xuống suốt 50 năm qua. Ánh mắt ông Hiếu không giấu được niềm xúc động. “Bản thân tôi từng là người chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc, nhưng tôi may mắn hơn nhiều đồng đội là còn sống sót, được trở về với gia đình và xã hội. Tôi mãi mãi không bao giờ quên được những kỷ niệm đau buồn trong những ngày chiến tranh ác liệt. Do đó, khi hay tin về hố chôn tập thể tại Sân bay Biên Hòa, tôi đã quyết tâm cùng sát cánh với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trong việc tìm kiếm thông tin để đưa các anh trở về với đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh để được chăm sóc chu đáo. Đây cũng là một động lực để những cựu chiến binh chúng tôi tiếp tục tìm kiếm những chiến sĩ khác đang nằm đâu đó trong lòng đất” - ông Hiếu chia sẻ.

Cũng là một gia đình có liệt sĩ thất lạc gần 30 năm mới tìm kiếm được, chị Lê Thị Thúy (ngụ huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) tâm sự việc tìm được chiến sĩ đã hy sinh có ý nghĩa của vô cùng lớn. “Gia đình tôi còn anh trai hy sinh và nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, gia đình chỉ mới biết tin từ 10 năm nay. Vào viếng mộ anh ngay dịp Đồng Nai chuẩn bị làm lễ truy điệu các liệt sĩ mới tìm được, tôi vô cùng xúc động và mừng cho các gia đình tìm lại được người thân”.

Ký ức tháng 7

Chúng tôi gặp ông Đặng Đức Hòa, một cựu chiến binh, Phó bí thư Đảng ủy KP.6 (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) trong một ngày tháng 7. Buổi chiều hanh khô, ông ngồi đăm chiêu cùng cuốn nhật ký đồng đội. Năm nào cũng thế, cứ vào dịp tháng 7, ông Hòa lại viết vào sổ những lời yêu thương gửi đồng đội mình.

Cựu chiến binh Đặng Đức Hòa viết nhật ký đồng đội trong những ngày tháng 7.
Cựu chiến binh Đặng Đức Hòa viết nhật ký đồng đội trong những ngày tháng 7. Ảnh: P.Liễu

Đã hơn 42 năm qua đi kể từ ngày đất nước thống nhất, có người bỏ lại một phần thân thể, người hy sinh. Ai đó may mắn lành lặn trở về như ông thì mỗi người mỗi nơi, kẻ mất liên lạc, người nơi xa xứ chẳng mấy dịp gặp nhau. Vì thế, ông cứ viết, viết những lời yêu thương để nhớ về đồng đội mình. Lật trang nhật ký đang dang dở, ông bồi hồi nhớ lại người bạn mình là Nguyễn Văn Vanh, cùng đơn vị thông tin thuộc Trung đoàn 32 (Sư đoàn 471, Bộ đội Trường Sơn). Ông Hòa viết: “…Cuộc chiến Khe Sanh, đường 9 Nam Lào ngày ấy vô cùng ác liệt. Máy bay ném bom B52 Mỹ rải thảm. Mình còn nhớ, cậu cùng mình làm nhiệm vụ nhận khí tài, máy móc để bảo đảm thông tin được thông suốt. Chiều hôm ấy, máy bay Mỹ quần đảo trên đầu và từ trong hầm nhìn lên, thấy những quả bom xoay tít trên không, 2 đứa vùng chạy. Sau trận bão bom, mình quay lại chẳng thấy cậu đâu nữa. Trên cành cây xơ xác gần đó, một khúc ruột treo lủng lẳng. Mình lặng lẽ dọn phần thi thể còn lại của cậu trước khi tiếp tục nhiệm vụ cho những chuyến xe đi qua…”.

Ông Hòa kể, nhiều đồng đội của ông đã nằm lại ở chiến trường Khe Sanh ngày ấy. Song, ông vẫn đau đáu nghĩ về cuộc sống hiện tại của những người đã từng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông cho rằng Đảng và Nhà nước thời gian qua đã rất quan tâm đến cuộc sống của những cựu chiến binh, thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, nhưng dường như vẫn chưa đủ để họ có một cuộc sống ổn định hơn...

        Ngọc Liên - Phương Liễu

 

Tin xem nhiều