Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày trở về đất mẹ

09:07, 11/07/2017

Ngày mai 12-7, tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai long trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ  hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa vào Tết Mậu Thân năm 1968.

Ngày mai 12-7, tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai long trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa vào Tết Mậu Thân năm 1968.

Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy (bìa phải), thắp hương cho các liệt sĩ được tìm thấy tại Sân bay Biên Hòa.
Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy (bìa phải), thắp hương cho các liệt sĩ được tìm thấy tại Sân bay Biên Hòa. Ảnh: Công Nghĩa

Ngay sau khi đất nước thống nhất, thân nhân, đồng đội ở khắp mọi miền đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai luôn mong ngóng tìm kiếm để đưa các anh về đất mẹ. Và mong muốn đó tới nay mới thực hiện được.

* Xúc động ngày gặp lại

Ông Nguyễn Văn Hồng (quê tỉnh Hải Dương) có cha là Nguyễn Văn Phú hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa. Giữa tháng 4-2017, đọc Báo Đồng Nai online thấy thông tin tìm được hài cốt liệt sĩ tại Sân bay Biên Hòa, ông vô cùng xúc động. Ông Hồng cho biết: “Lúc cha đi bộ đội tôi còn rất nhỏ. Khi tôi bập bẹ biết nói, cha có về thăm một lần nhưng tôi không nhớ được mặt cha mình. Gần nửa thế kỷ cha hy sinh, tôi mong mỏi tới ngày tìm thấy hài cốt cha mình, đó là niềm ao ước lớn nhất cuộc đời tôi”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng ban Chỉ đạo 1237 tỉnh về tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh, cho biết Đồng Nai mãi mãi khắc ghi sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ trong trận đánh Sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân năm 1968. Việc tổ chức tìm kiếm, quy tập và tổ chức lễ truy điệu, an táng trang trọng các liệt sĩ không chỉ là hành động tri ân với người đã ngã xuống mà còn là hình thức giáo dục đầy ý nghĩa với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về giá trị của hòa bình, độc lập và tự do.

Trong khi đó, ông Đặng Thành Thẹn (quê ở tỉnh Vĩnh Long) đã rất hồi hộp khi hay tin tìm thấy hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa. Cha của ông là Đặng Văn Tuấn hy sinh trong trận này. Trước khi hy sinh, cha của ông Thẹn là Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng một tiểu đội thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5). Ông Thẹn cho biết: “Ngày 12-7, tôi sẽ cùng gia đình mang theo nắm đất từ quê nhà lên dự lễ truy điệu và an táng cho các liệt sĩ hy sinh, trong đó có cha tôi”.

Còn ông Hoàng Văn Hàn (quê ở tỉnh Vĩnh Phúc) đã đi xe khách vào Đồng Nai dự lễ truy điệu và an táng hài cốt anh trai là liệt sĩ Hoàng Văn Lê (thuộc Tiểu đoàn Đặc công U1 Biên Hòa). Ông Hàn xúc động kể: “Tôi còn nhớ như in hình ảnh anh trai ngày lên đường nhập ngũ, lúc đó anh mới 18 tuổi. Năm 1968, anh Lê hy sinh nhưng mãi tới năm 1972 gia đình tôi mới nhận được giấy báo tử. khi đó mẹ tôi đã khóc ngất đi, cả nhà chìm trong đau buồn. Mẹ tôi mất năm 1991 nhưng không thể an lòng vì mong ước tìm thấy hài cốt con trai đưa về quê chưa thực hiện được”.

Cán bộ, công chức Đồng Nai thắp hương tại Đền thờ liệt sĩ nằm trong Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nơi thờ cúng các liệt sĩ được tìm thấy tại Sân bay Biên Hòa chờ ngày tổ chức truy điệu và an táng. Ảnh: C.NGHĨA
Cán bộ, công chức Đồng Nai thắp hương tại Đền thờ liệt sĩ nằm trong Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nơi thờ cúng các liệt sĩ được tìm thấy tại Sân bay Biên Hòa chờ ngày tổ chức truy điệu và an táng. Ảnh: C.NGHĨA

Ông Đỗ Văn Năm (quê ở TP.Hải Phòng) là một trong những chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa từng tham gia trận đánh Sân bay Biên Hòa. Ông Năm may mắn sống sót sau trận đánh ác liệt này, chính vì vậy ông mong từng ngày tìm được các hài cốt của đồng đội. Khi nghe tin tìm thấy đồng đội, ông đã muốn vào ngay Biên Hòa để thắp hương cho đồng đội.

Ông Đỗ Văn Năm xúc động kể: “Trong trận đánh Sân bay Biên Hòa, Phân đội 1, Tiểu đoàn Đặc công U1 Biên Hòa chúng tôi làm nhiệm vụ tiếp cận và phá hàng rào sân bay để đưa Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 vào đánh. Nhưng khi tiếp cận thì địch phát hiện và bắn phá ác liệt, rất đông đồng đội chúng tôi hy sinh. Gần 50 năm qua, tôi chỉ có một mong ước, đó cũng là mong ước cuối đời của tôi là tìm thấy các đồng đội hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa”.

* Sẵn sàng cho lễ truy điệu

Đại tá Mai Xuân Chiến, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cho biết: “Những nỗ lực tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa được triển khai trong suốt 20 năm qua, cuối cùng cũng đã có kết quả. Sự kiện này càng có ý nghĩa khi diễn ra đúng vào dịp cả nước đang kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ. Đây chính là hành động tri ân đầy ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai với các liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Thượng tá Đoàn Công Tâm tỉ mỉ kiểm tra lớp đất đen bất thường mới được thợ lái xe cuốc múc lên khỏi mặt đất.
Thượng tá Đoàn Công Tâm, Trưởng ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong sân bay Biên Hòa.

Tới nay, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Sở Lao động - thương binh và xã hội đã xác minh danh sách của 71 gia đình có liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa. Các liệt sĩ có quê quán từ 22 tỉnh, thành phố trong cả nước. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội liên hệ được với 66 gia đình liệt sĩ cử thân nhân vào Đồng Nai dự lễ truy điệu, còn 5 trường hợp đang tiếp tục liên hệ để báo tin. Các gia đình đều mang theo một nắm đất từ quê nhà của liệt sĩ để rải xuống mộ khi an táng.

Lực lượng khai quật hài cốt liệt sĩ tỉnh khai quật hài cốt tại Sân bay Biên Hòa
Lực lượng khai quật hài cốt liệt sĩ tỉnh khai quật hài cốt tại Sân bay Biên Hòa

Ông Nguyễn Trọng Kiêm, cựu chiến binh của Tiểu đoàn Đặc công U1 Biên Hòa, từ TP.Hải Phòng vào TP.Biên Hòa, chuẩn bị dự lễ truy điệu và an táng đồng đội, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy xúc động và an lòng vì sau nửa thế kỷ, tỉnh Đồng Nai bằng nhiều nỗ lực đã tìm thấy được đồng đội của chúng tôi hy sinh”.

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho hay đến thời điểm này, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón các đại biểu, thân nhân các gia đình liệt sĩ từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước về tham dự buổi lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ. Lãnh đạo tỉnh và thành phố sẽ có buổi gặp mặt với thân nhân các gia đình liệt sĩ cùng các cựu chiến binh từng tham gia trận đánh Sân bay Biên Hòa đến dự lễ.

Theo Đại tá Mai Xuân Chiến, sau khi tổ chức lễ truy điệu, các di quách sẽ được an táng chung dưới một ngôi mộ tập thể tại một vị trí trang trọng trong Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Tên tuổi của các liệt sĩ thuộc các đơn vị hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa được khắc lên một tấm bia lớn để thể hiện lòng tri ân và ghi nhớ sự hy sinh của các liệt sĩ.

Thành Nam

Tin xem nhiều