Khởi nguồn từ phong trào "Ánh sáng văn hóa hè" năm 1994, đến nay phong trào thanh niên tình nguyện trong tỉnh được duy trì và ngày càng khẳng định được sức sống.
Khởi nguồn từ phong trào “Ánh sáng văn hóa hè” năm 1994, đến nay phong trào thanh niên tình nguyện trong tỉnh được duy trì và ngày càng khẳng định được sức sống.
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng và đoàn viên thanh niên xã Mã Đà vét đá ven hồ Trị An vá đường đi cho người dân ấp 2, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). |
Phong trào thanh niên tình nguyện đã trở thành hoạt động thường xuyên, để lại dấu ấn tốt đẹp trong xã hội, góp phần xây dựng hình ảnh người thanh niên biết sống, làm việc và cống hiến vì cộng đồng.
* Làm những việc có ích
Sau những đợt mưa dầm kéo dài, con đường vào khu Trảng B, thuộc ấp 2, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) trở nên lầy lội. Đi lại khó khăn nhưng đó lại là con đường lưu thông hàng ngày của 40 hộ dân thuộc ấp 2, xã Mã Đà.
Cách đây nửa tháng, những sinh viên Trường đại học Lạc Hồng và một số thanh niên địa phương đã không ngại mệt nhọc vét sỏi bên bờ hồ Trị An cho vào từng chiếc bao, dùng máy cày chuyển lên vá từng vũng sình lầy. Nhờ đó, con đường bớt ổ gà, việc đi lại của người dân dễ dàng hơn.
Phó bí thư Tỉnh đoàn Hồ Hồng Nguyên nhận xét, một trong những hạn chế mà phong trào thanh niên tình nguyện nhiệm kỳ qua còn tồn tại đó là đoàn viên thanh niên tham gia tình nguyện chủ yếu là đoàn viên thanh niên nòng cốt. Vì vậy, các cấp bộ Đoàn cần tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào tình nguyện. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn nên duy trì đều đặn và coi đó là hoạt động thường xuyên nhằm tạo được tính bền vững cho phong trào để thu hút sự chú ý của đoàn viên thanh niên. Ngoài ra, cần lấy việc tham gia phong trào tình nguyện là tiêu chí đánh giá trong chương trình rèn luyện đoàn viên. |
Cách đó khoảng hơn 20km là một nhóm sinh viên khác đang cần mẫn rèn từng nét chữ, dạy từng bài hát cho những trẻ em nghèo thuộc ấp 1, xã Mã Đà.
Trong số hơn 20 em có mặt tại lớp học, có em Đinh Văn Luân (12 tuổi) mới học hết lớp 5 đã phải nghỉ học. Luân bộc bạch, em cũng muốn được đi học như các bạn nhưng hoàn cảnh buộc phải nghỉ học. Cha bỏ đi từ khi em còn nhỏ, mẹ đi lấy chồng khác, em ở với ông bà ngoại đã lớn tuổi.
“Lớp học chỉ diễn ra trong những ngày hè ngắn ngủi nhưng giúp em thỏa khát khao được tiếp tục đến trường” - Luân cho hay.
Bên cạnh các hoạt động tình nguyện góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, công tác xã hội từ thiện trở thành việc làm thường xuyên của các cấp bộ Đoàn.
Có mặt tại lễ phát động chiến dịch thanh niên tình nguyện hè mới đây, hình ảnh những chiến sĩ công an ân cần hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân đã để lại ấn tượng sâu sắc với những người có mặt.
Là Phó bí thư Chi đoàn, Thượng úy Nguyễn Thị Phượng thường xuyên tham gia các đợt cấp chứng minh nhân dân tại nơi cư trú, trường học, bệnh viện khi người dân có nhu cầu. Chị Phượng chia sẻ cũng là công việc thường ngày, nhưng khi đến với vùng sâu, vùng xa chị cảm thấy ý nghĩa hơn. Mỗi người dân được cấp chứng minh nhân dân, niềm vui lại nhân lên khi chị đã góp sức giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, chờ đợi.
* Sức sống tình nguyện
Có thể nói, tình nguyện đã trở thành một phẩm chất đặc trưng, nổi bật, là thế mạnh của tuổi trẻ, được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác. Đặc trưng, thế mạnh ấy đã được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh phát huy một cách có hiệu quả trong cộng đồng. Nhiều công trình, phần việc đã phát huy được thế mạnh của đoàn viên thanh niên.
Với đặc thù đào tạo đa dạng về ngành nghề, Đoàn trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai xác định phát động phong trào tình nguyện tại chỗ, như: trường lớp, thiết kế poster tuyên truyền... Sinh viên các ngành còn thực hiện nhiều phần việc có ý nghĩa trong cộng đồng.
Cụ thể, sinh viên ngành thiết kế thời trang may áo, bao tay, vớ cho các em nhỏ, người già ở vùng sâu, vùng xa; sinh viên ngành nhiếp ảnh chụp lại những khoảnh khắc đẹp trong đời sống để nhân rộng trong cộng đồng; sinh viên ngành thiết kế nội thất tham gia sửa chữa nhà, tủ, bàn, ghế hư hỏng, làm góc học tập cho trẻ em nghèo; sinh viên ngành đồ họa thiết kế áp - phích tuyên truyền...
Hay như sinh viên Trường cao đẳng y tế Đồng Nai với hoạt động chăm sóc, tập vật lý trị liệu cho trẻ em khuyết tật tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật tỉnh. Đoàn viên thanh niên khối bệnh viện với hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Đoàn viên thanh niên cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với hoạt động tuyên truyền pháp luật, cách phòng cháy, chữa cháy. Đoàn viên thanh niên khối cán bộ, công chức, viên chức gắn với các phong trào cải cách hành chính...
Từ thực tế các mô hình tình nguyện tại các đơn vị cho thấy, để phong trào thanh niên tình nguyện “sống”, việc phát huy lợi thế chuyên môn của đoàn viên thanh niên là vô cùng quan trọng. Trước khi tổ chức hoạt động, đơn vị tổ chức cần có khảo sát nhu cầu của địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức cho phù hợp.
Nguyễn Tuyết