Hội thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Sở GD-ĐT tổ chức nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Bác đã thu hút 72 thí sinh là giáo viên và học sinh tham dự.
Hội thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Sở GD-ĐT tổ chức nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Bác đã thu hút 72 thí sinh là giáo viên và học sinh tham dự.
Em Phạm Thị Ngọc Khánh (giữa), học sinh lớp 5/1 Trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi, đoạt giải nhất bảng học sinh tại hội thi được cô hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm chúc mừng. |
Những câu chuyện về Bác và những tấm gương làm theo Bác một cách chân thực đã được các thí sinh kể một cách sinh động và cảm động.
Kể về Bác thật gần gũi
Em Phạm Thị Ngọc Khánh (học sinh lớp 5/1 Trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi, huyện Tân Phú) thức dậy từ 3 giờ sáng, vượt quãng đường xa hơn 90km để kịp tham gia hội thi. Câu chuyện của Khánh về Bác có chủ đề “Quê hương nghĩa nặng tình sâu” kể về lần Bác về thăm quê hương Nghệ An sau 50 năm xa cách.
Giọng kể truyền cảm của Khánh đã làm hội trường lặng đi khi tái hiện lại không khí xúc động lúc Bác trở về căn nhà từng gắn bó với tuổi thơ của mình. Khánh chia sẻ: “Em đã nhiều lần kể về Bác cho các bạn ở trường nghe, mỗi câu chuyện về Bác càng làm em thêm yêu quý và kính trọng Bác nhiều hơn”.
Còn cô Thái Thị Quỳnh Trang, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) giới thiệu tại hội thi câu chuyện đầy nghị lực của chính cha mình - Đại tá quân đội Thái Xuân Thế. Khi là thanh niên, ông Thế viết đơn tình nguyện nhập ngũ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và được đơn vị cử đi học nâng cao. Điều cô Trang học ở cha chính là nghị lực vượt khó, tinh thần cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc và đặc biệt luôn thực hiện lời dạy của Bác không ngại gian khổ hy sinh.
Là giáo viên dạy văn lâu năm tại Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa), cô Nguyễn Thị Kim Oanh không nhớ hết mình đã kể cho học sinh nghe biết bao câu chuyện về Bác, những tấm gương học và làm theo Bác để từ đó học sinh cảm thụ và làm theo.
Một trong những tấm gương học và làm theo Bác được cô Oanh kể tại hội thi là người ông của mình - cụ Nguyễn Văn Phương, cán bộ lão thành cách mạng, năm nay đã 92 tuổi và có 71 năm tuổi Đảng. Cụ Phương học ở Bác rất nhiều đức tính tốt, đó là khiêm tốn, giản dị, cần kiệm, liêm chính. Không dừng lại ở việc học Bác, cụ Phương còn thường xuyên mang tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác dạy bảo cho thế hệ con cháu trong nhà vào mỗi dịp gia đình họp mặt.
Nhân rộng những câu chuyện về Bác
Hội thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Sở GD-ĐT tổ chức nhiều lần. Nhưng mỗi hội thi đều có những câu chuyện mới về Bác, đặc biệt là ngày càng nhiều hơn những tấm gương học và làm theo tấm gương của Bác rất phong phú ở nhiều lứa tuổi, lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Có thí sinh kể về tấm gương thầy cô giáo của mình, có thí sinh kể về những thương binh, nông dân nghèo khó học Bác vươn lên, hay về người bí thư chi bộ ấp nhiệt tình trong công tác ở khu dân cư…
Cô Phạm Thị Thanh Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên, cho biết: “Ngày 19-5, giáo viên Thái Thị Quỳnh Trang của trường đã đoạt giải nhì hội thi do Sở GD-ĐT tổ chức. Và ngay ngày hôm sau tại lễ tổng kết năm học, cô Trang đã kể lại câu chuyện này cho toàn trường nghe. Nhà trường đã tổ chức thưởng “nóng” để động viên tinh thần và làm cho câu chuyện nhanh chóng lan tỏa”.
Ông Phan Sỹ Anh, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban giám khảo hội thi, nhận xét: “Hội thi có các bảng với thí sinh khác nhau, nhưng đều thể hiện được tấm lòng kính yêu với Bác thông qua nội dung các câu chuyện rất phong phú, gần gũi và xúc động. Có những phần thi được thí sinh đầu tư không chỉ là nội dung câu chuyện hấp dẫn, giọng kể truyền cảm mà còn bằng các tiết mục dàn dựng dự thi rất sinh động, bằng hình thức trình chiếu hình ảnh minh họa, múa phụ họa rất sinh động, khiến cho hội thi thực sự hấp dẫn khán giả dõi theo”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình nhận xét: “Mỗi câu chuyện đẹp về Bác, những tấm gương học tập và làm theo Bác được kể luôn tạo ra được sự lan tỏa trong lòng người nghe. Những câu chuyện đó sẽ còn lan tỏa mạnh mẽ hơn khi được kể thường xuyên trong mỗi buổi chào cờ đầu tuần, trong mỗi buổi sinh hoạt lớp, và đặc biệt là được mang về kể trong mỗi gia đình. Việc học tập và làm theo lời Bác trong ngành giáo dục còn góp phần tạo ra những thầy cô giáo tận tâm với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Với học sinh, khi thấm nhuần tư tưởng và đạo đức của Bác sẽ trở thành những học sinh ngoan, có ý thức học tập và tu dưỡng đạo đức tốt hơn”. |
Công Nghĩa