Ngày 18-6-2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận 55 về ''Đề án công tác lãnh đạo và quản lý thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2014-2020''.
Ngày 18-6-2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận 55 về ‘’Đề án công tác lãnh đạo và quản lý thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2014-2020’’.
Thanh niên nông thôn cần được hỗ trợ vốn để sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất nước đóng chai của thanh niên ở TX.Long Khánh. |
Một trong những mục tiêu đề án hướng tới là xây dựng thanh niên Đồng Nai có đầy đủ phẩm chất cao đẹp, xứng đáng là lực lượng kế thừa và phát huy thành quả cách mạng. Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai đề án, hiệu quả mang lại chưa thực sự rõ nét.
* Lồng ghép là chính
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Nhiều ý kiến cho rằng chỉ tiêu mà đề án đề ra cao, khó đạt. Chẳng hạn: chỉ tiêu đến năm 2020 thành lập mới 650 chi đoàn, chi hội thanh niên khu vực nhà trọ và 200 tổ chức Đoàn - Hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đoàn thanh niên các cấp bồi dưỡng ít nhất 2 ngàn đoàn viên ưu tú là thanh niên công nhân để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp và phấn đấu có ít nhất 1 ngàn đoàn viên thanh niên công nhân ưu tú được kết nạp Đảng... Để đạt chỉ tiêu vào năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể. |
Nhơn Trạch là huyện được tỉnh chọn thí điểm đối với nhóm thanh niên công nhân ngay từ giai đoạn đầu triển khai đề án.
Tháng 11-2014, Ban Thường vụ Huyện ủy Nhơn Trạch đã ban hành kế hoạch thực hiện đồng thời giao Huyện đoàn chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện và các sở, ban, ngành triển khai đề án, trong đó tập trung tập hợp, quản lý đối với nhóm thanh niên công nhân trên địa bàn huyện.
Với nhóm đối tượng có thời gian làm việc theo ca kíp, phần lớn thường xuyên thay đổi chỗ ở, công tác tập hợp là nhiệm vụ khá khó khăn.
Vì thế, đề án tập trung vào các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, nhất là đời sống tinh thần cho công nhân lao động; phát động phong trào gắn với sản xuất, như: phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểu dáng mẫu mã đẹp, tiết kiệm nguyên vật liệu, tuân thủ nội quy an toàn lao động, học tập nâng cao trình độ tay nghề... Huyện đoàn đã thành lập được 19 chi đoàn và 28 chi hội trong doanh nghiệp và khu vực nhà trọ.
TP.Biên Hòa được chọn thí điểm thực hiện đề án nhưng đối với nhóm thanh niên học sinh - sinh viên và thanh niên trí thức. Bí Thư Thành đoàn Biên Hòa Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết đến thời điểm này, Thành đoàn đã hoàn thành việc khảo sát đối với 2 nhóm thanh niên nói trên. Số liệu khảo sát đã có nhưng việc tổ chức các hoạt động cho 2 nhóm thanh niên này chủ yếu vẫn là lồng ghép vào các hoạt động của Đoàn.
Không chỉ xác định nội dung, thời gian, lộ trình thực hiện mà đề án còn giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia. Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, cho rằng nhiệm vụ rõ ràng là thế nhưng không phải nơi nào tổ chức Đoàn cũng nhận được sự quan tâm của cấp ủy, các ban, ngành, đoàn thể. Sự thiếu quan tâm thể hiện ở việc chậm xây dựng kế hoạch thực hiện đề án.
Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 4/11 đơn vị cấp huyện, 2/6 đơn vị Đoàn khối và 1 đơn vị trường học xây dựng kế hoạch. Các thiết chế văn hóa dành cho thanh niên công nhân, việc hỗ trợ vốn sản xuất cho thanh niên nông thôn, hỗ trợ thanh niên đô thị khởi sự doanh nghiệp... hiện chưa có chuyển biến gì so với trước.
* Khó hợp đồng cộng tác viên
Một trong những khó khăn trong quá trình thực hiện đề án hiện nay mà các cấp bộ Đoàn gặp phải chính là khâu hợp đồng cộng tác viên, nhất là ở cấp huyện và cấp cơ sở.
Theo phương án hợp đồng cộng tác viên thực hiện đề án của Tỉnh đoàn, đối với cấp huyện, mỗi đơn vị được hợp đồng một người (trừ TP.Biên Hòa; các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu được hợp đồng 2 cộng tác viên do đông thanh niên công nhân).
Việc tuyển chọn và hợp đồng cộng tác viên cấp huyện và cấp cơ sở do Huyện đoàn và Đoàn khối doanh nghiệp phối hợp với ban tổ chức các huyện, thị, thành ủy và Đảng ủy khối doanh nghiệp chủ động tuyển dụng.
Đối tượng được tuyển chọn phải là đoàn viên thanh niên nòng cốt, tham gia tích cực hoạt động Đoàn ở địa phương, cơ sở, có trình độ đại học trở lên, trình độ chính trị sơ cấp và tuổi đời không quá 25 tuổi.
Trong khi đó mức thù lao đối với cộng tác viên vùng I (gồm: TP.Biên Hòa; các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom) là trên 3,7 triệu đồng/tháng; vùng II (gồm: TX.Long Khánh; các huyện: Định Quán, Xuân Lộc) là trên 3,3 triệu đồng/tháng; vùng III (gồm: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Thống Nhất) là gần 2,9 triệu đồng/tháng cùng các chế độ bảo hiểm. Với một sinh viên mới ra trường, mức thù lao này không thể bằng việc đi làm ở bên ngoài, do đó rất khó khăn trong việc tuyển dụng cộng tác viên.
Công tác tuyển dụng cộng tác viên ở cơ sở càng khó khăn hơn khi yêu cầu đây là việc làm bán thời gian (không quá 4 tiếng/ngày, không quá 6 ngày/tuần) và thù lao chỉ mang tính bồi dưỡng được tính bằng định mức khoán công việc 100 ngàn đồng/ngày và không có các chế độ bảo hiểm. Trong khi đó, nhiệm vụ của cộng tác viên không hề đơn giản, đòi hỏi phải là đoàn viên thanh niên nòng cốt, có kinh nghiệm trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Cụ thể, đối với cộng tác viên cấp huyện có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả đề án trên địa bàn huyện. Đối với cộng tác viên xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chấp hành Đoàn xã, phường thực hiện công tác đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân và xây dựng tổ chức Đoàn - Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực nhà trọ.
Nguyễn Tuyết