Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia trở về năm 1989, từ bàn tay trắng, qua hàng chục năm lao động miệt mài, ông Trần Na Ri (dân tộc Khmer, ngụ ấp Trung Tâm, xã Xuân Lập, TX. Long Khánh) có trong tay tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng và bắt đầu vươn lên làm giàu.
Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia trở về năm 1989, từ bàn tay trắng, qua hàng chục năm lao động miệt mài, ông Trần Na Ri (dân tộc Khmer, ngụ ấp Trung Tâm, xã Xuân Lập, TX. Long Khánh) có trong tay tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng và bắt đầu vươn lên làm giàu.
Ông Trần Na Ri đang chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TX.Long Khánh Nguyễn Trung Thành cho biết, ông Na Ri là một trong những điển hình về ý chí vượt khó. Câu chuyện ông Thành kể làm chúng tôi liên tưởng đến chân dung một người lính gan dạ xông pha nơi chiến trận, nhưng cũng biết quý trọng cuộc sống và biết mang lại những hoa thơm, trái ngọt cho đời.
* Không chịu thua cái nghèo
Gặp ông Na Ri trong căn nhà xây cấp 4 khang trang nằm khép mình bên con suối cạn giữa vùng nông thôn hẻo lánh ở ấp Trung tâm, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được những gì ông Thành giới thiệu về cựu chiến binh Trần Na Ri là có cơ sở.
Chỉ tay sang bên hông nhà, nơi có dãy chuồng bò đang nuôi nhốt vài chục con bò thịt, ông Na Ri nói đó là tất cả những gì mà gia đình ông có sau hàng chục năm miệt mài lao động.
Bồi hồi nhớ lại chặng đường gian khó đã qua, ông Na Ri chia sẻ ông sinh ra và lớn lên ở xã Châu Hưng (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Năm 1986, ông lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Hoàn thành nhiệm vụ trở về cùng chiếc ba lô với 2 bộ quần áo bạc màu còn vương mùi thuốc súng, ông Na Ri đã phải căng mình bươn chải để kiếm sống qua ngày.
Được một thời gian, nhớ lại những kỷ niệm một thời chiến đấu ở đất bạn Campuchia và nhớ cô gái Campuchia xinh đẹp, nghĩa tình có tên Uk-nim (tên Việt là Lâm Thị Lim, ở tỉnh Kampot) đã không ngại khó khăn chăm sóc cho ông những lúc yếu đau trên đường chiến đấu, ông Na Ri quay lại đất Campuchia, ra mắt gia đình Uk-nim và xin cưới cô làm vợ.
Năm 1995, ông Na Ri đưa vợ về Việt Nam và đến TX.Long Khánh lập nghiệp. Trên vùng đất mới, cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn, ông đã phải làm nhiều việc để lo cho mái ấm gia đình. Mặc dù làm ăn cật lực quanh năm, nhưng cái nghèo vẫn cứ bấu víu lấy người cựu binh này.
Ông Na Ri cho biết phải đến năm 2005, qua sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh và chính quyền địa phương, ông được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng gia sản xuất. Từ đồng vốn vay này, ông mua con bò cái để nuôi, số còn dư ông dùng tu sửa lại căn nhà chòi ở tạm.
* Khá lên từ nghề nuôi bò thịt
Nhấp ngụm trà nóng để tăng thêm sảng khoái, ông Na Ri bộc bạch khi bắt đầu nuôi bò, ông có suy nghĩ con bò chỉ ăn cỏ và uống nước nên không phải đầu tư tốn kém, miễn ông chịu khó dắt bò đi ăn và chăm sóc chu đáo. Vừa nuôi bò nhà, ông Na Ri còn liên hệ với những hộ chăn nuôi bò thịt quy mô lớn trong xã để chăm sóc thuê. Thấy ông Na Ri có uy tín và chịu khó trong công việc, có người đã giao bò cho ông chăm sóc theo các hình thức: nuôi rẻ chia theo tỷ lệ 50/50 và nuôi mướn tính tiền công theo đầu con hàng tháng.
Bằng sự quyết tâm của một người lính, cộng với kinh nghiệm học hỏi được trong việc chăm sóc đàn bò, thời gian sau đó đàn bò của gia đình ông Na Ri và số bò ông nhận nuôi thêm phát triển khá tốt, nguồn thu nhập của gia đình ông ngày càng ổn định.
Ông Na Ri cho biết tính đến nay, sau gần chục năm nuôi bò, ông có trong tay đàn bò đến 80 con, trong đó có 15 con bò nhà, số còn lại nuôi rẻ và nuôi thuê. Bình quân thu nhập mỗi tháng từ nghề nuôi bò của ông lên đến 15 triệu đồng.
Việc làm ăn khấm khá giúp cho ông có điều kiện “nâng cấp” cuộc sống, lo cho các con học hành và biến căn nhà lá ọp ẹp ngày nào thành ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi cần thiết. Là cựu chiến binh, đảng viên nên ông luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Ông Na Ri luôn tâm niệm làm việc gì cũng phải có quyết tâm và biết tiết kiệm, quý trọng tài sản mình làm ra thì mới bền vững.
Đức Việt