Ngày 15-5, Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai chính thức đi vào hoạt động tại tầng 6 cao ốc Sonadezi (phường An Bình, TP.Biên Hòa). Đây là một trong những sự kiện đang được nhiều người dân, doanh nghiệp mong chờ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh. Ảnh: X.PHÚ |
Ngày 15-5, Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai chính thức đi vào hoạt động tại tầng 6 cao ốc Sonadezi (phường An Bình, TP.Biên Hòa). Đây là một trong những sự kiện đang được nhiều người dân, doanh nghiệp mong chờ.
Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai về những đột phá trong cải cách hành chính từ Trung tâm hành chính công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết:
- Bản chất của trung tâm hành chính công chính là đưa tất cả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ngành về một nơi để quy trình giải quyết hồ sơ được kiểm soát chặt chẽ, nhanh chóng, hiệu quả hơn, tránh được nhũng nhiễu, tiêu cực. Nếu cải tiến thủ tục hành chính nhanh gọn sẽ rất có lợi cho người dân và doanh nghiệp, mang lại hiệu quả lớn, giúp hoạt động sản xuất sẽ nhanh hơn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Một đầu mối
Cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm hành chính công phải nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ ở lĩnh vực mà mình phụ trách. Ngoài ra, phải có thái độ hòa nhã vì nếu không hòa nhã, trong quá trình giải quyết hồ sơ có những vướng mắc sẽ gây ra đôi co, làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung. Điều quan trọng nhất là tinh thần trách nhiệm, làm đúng trách nhiệm, không được đùn đẩy, chậm trễ, không gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. |
Khi nói đến thành lập trung tâm hành chính công, nhiều người nghĩ ngay đến những trung tâm hành chính hoành tráng đang triển khai hay hoạt động ở một số địa phương trong cả nước. ông cho biết Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai có những nét khác biệt như thế nào?
- Thực ra, khái niệm giữa trung tâm hành chính và trung tâm hành chính công là khác nhau. Một số địa phương xây dựng trung tâm hành chính là xây dựng một khu đưa các sở, ngành về tập trung ở đó. Thuận lợi là các sở, ngành làm việc gần nhau thì việc chỉ đạo, điều hành phối hợp rất thuận lợi; có những việc cần làm ở nhiều sở, ngành chỉ cần đến một nơi, không đi lạị nhiều, tiết kiệm nhiều chi phí. Tuy nhiên, xây dựng trung tâm hành chính tập trung phải đầu tư rất nhiều tiền vì phải xây dựng hẳn một khu mới, trong khi Trung tâm hành chính công của tỉnh là mô hình mới đã được triển khai hiệu quả ở một số tỉnh, thành, chi phí đầu tư không cao và Chính phủ cũng đang soạn thảo các quy định pháp luật về hoạt động của mô hình này.
Cán bộ, công chức của các sở, ngành tập huấn sử dụng phần mềm một cửa hiện đại của Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: N.Thư |
Đây là nơi tất cả các dịch vụ mà các sở, ngành, UBND tỉnh phải xử lý giải quyết trước cho doanh nghiệp, người dân. Mọi người chỉ cần đến đấy giao tiếp tại một nơi, ngay cả khi các thủ tục có liên quan đến nhiều sở, ngành cũng chỉ cần đến một đầu mối là trung tâm hành chính công để nộp tại đó. Trung tâm kiểm soát ở đó xem hồ sơ có phù hợp hay không, khi nào trả hồ sơ theo quy định, tránh được tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ công chức, viên chức, tránh những hiểu nhầm không cần thiết của các quy định pháp luật; hạn chế tình trạng hướng dẫn không đầy đủ khiến người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần.
Ông có thể nói rõ hơn vì sao Đồng Nai phải thành lập trung tâm hành chính công của tỉnh?
- Các chương trình cải cách hành chính của tỉnh đã triển khai, bộ phận một cửa liên thông hiện đại từ cấp xã đến cấp huyện, cấp sở, ngành. Thế nhưng, trong thực tế việc kiểm soát trong triển khai thực hiện các nội dung đó chất lượng chưa được cao; có một số sở, ngành thực hiện không đạt tiến độ; đặc biệt sự phối hợp, liên thông giữa các sở, ngành, địa phương chưa đạt yêu cầu. Thực tế có rất nhiều thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh phải có ý kiến của các sở ngành, địa phương (nếu thủ tục, dự án đó có liên quan đến địa phương). Do vậy, để tăng cường hơn nữa việc đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính nhanh, hiệu quả, kiểm soát tốt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân, việc thành lập trung tâm hành chính công là rất cần thiết.
Mục đích lâu dài tỉnh đang hướng tới là Chính phủ điện tử; thậm chí người dân có thể tìm hiểu thông tin, gọi điện hỏi, lên mạng tra cứu thông tin và gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Trung tâm hành chính công cũng sẽ nhận và giao cho sở, ngành, đơn vị liên quan để thực hiện thủ tục này thay vì người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp, sau đó bưu điện sẽ trả hồ sơ qua đường bưu điện đến tận nhà dân. Như vậy, người dân, doanh nghiệp sẽ không phải đi nhiều, không cần lên trung tâm mà vẫn có thể nộp hồ sơ ở nơi nào tiện nhất. |
* Tăng kiểm soát để phát huy hiệu quả
Làm sao để kiểm soát hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ngành tại Trung tâm hành chính công của tỉnh một cách hiệu quả, thưa ông?
- Kiểm soát trung tâm hành chính công, ngoài bộ phận chuyên môn của các sở, ngành, tại trung tâm sẽ thành lập bộ phận kiểm soát, giám sát do Văn phòng UBND tỉnh phụ trách phối hợp với Sở Nội vụ và Sở Tư pháp chịu trách nhiệm kiểm tra cán bộ công chức, viên chức của các sở, ngành có thực hiện đúng chức trách hay không, thái độ có tốt hay không, hồ sơ có được công khai đầy đủ hay không, thủ tục có dễ hay không. Người dân, doanh nghiệp khi đến trung tâm mà có vướng mắc gì chưa biết hỏi ai thì bộ phận này cũng sẽ hướng dẫn và giới thiệu cho người dân, doanh nghiệp biết thủ tục đó thì làm ở đâu, hồ sơ giấy tờ gồm những gì.
Nói chung, tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai sẽ công khai hết thủ tục hành chính, có bộ mẫu đơn giản để cho người dân, doanh nghiệp đến làm theo bộ mẫu và chúng ta tiếp nhận đúng theo quy định. Việc lưu trữ hồ sơ, việc phối hợp với các sở, ngành cũng tốt hơn vì lúc ấy sẽ kiểm soát được ai làm đúng, ai làm không đúng, kịp thời gian hay không kịp thời gian.
Một trong những mục tiêu thành lập trung tâm hành chính công chính là hỗ trợ doanh nghiệp. Vậy tại trung tâm sẽ triển khai các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
- Về hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh đã có Ban Hành động vì doanh nghiệp, các bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, phần lớn bộ thủ tục hành chính công của tỉnh đều liên quan đến doanh nghiệp, tổ chức, cho nên ở Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai sẽ có bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp vừa làm thủ tục vừa hỗ trợ doanh nghiệp. Vì có rất nhiều doanh nghiệp chưa rõ khi đầu tư thì bộ thủ tục cần những gì, các bước ra làm sao, ai chịu trách nhiệm, cần giấy tờ gì. Trung tâm hành chính công của tỉnh là nơi tiếp nhận, không phải tất cả các yêu cầu hỗ trợ đều giải quyết ở đây ngay nhưng ở đây sẽ tiếp nhận sau đó sẽ chuyển cho các sở, ngành liên quan có trả lời.
Như vậy, chúng ta sẽ có 2 kênh thông tin: cung cấp cho doanh nghiệp, tổ chức những nội dung, quy định, pháp luật về thủ tục cần thiết để làm; ngược lại, chúng ta sẽ tiếp nhận được những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức về bộ thủ tục hành chính của chúng ta còn có những vẫn để gì chưa hợp lý để chúng ta đơn giản hóa thủ tục.
Trung tâm hành chính công không chỉ là nơi tập trung đầu mối các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các sở, ngành mà còn triển khai các nội dung đột phá khác như liên thông từ huyện lên tỉnh và dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả tại nhà. Ông có thể cho biết kế hoạch này như thế nào?
- Khi thành lập trung tâm hành chính công, ngoài triển khai liên thông giữa các thủ tục hành chính của các sở, ngành, còn hướng tới sẽ liên thông cả với bộ phận một cửa hiện đại ở cấp xã, cấp huyện để tiến tới người dân có thể nộp các bộ thủ tục hành chính thuộc cấp tỉnh tại cấp xã, cấp huyện. Sau đó, các cán bộ, viên chức ở cấp xã, huyện kiểm tra hồ sơ có đúng hay không, nếu chưa nắm vững có thể liên hệ với Trung tâm hành chính công để được hướng dẫn, tiếp nhận ngay. Vì với trình độ công nghệ thông tin bây giờ chúng ta có thể trao đổi, nói chuyện và hướng dẫn ngay để người dân, doanh nghiệp làm thủ tục và chuyển hồ sơ theo hệ thống từ địa phương lên trên tỉnh và sẽ xử lý thực hiện và trả kết quả theo đúng đường đó.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Thư (thực hiện)