Vợ chồng ông Trương Minh Tuyên và bà Nguyễn Thị Thanh Kiều (ngụ ấp Sa Cá, xã Bình An, huyện Long Thành) từng trải qua cảnh đói khổ, phải chạy vạy khắp nơi nuôi con ăn học. Khi có cuộc sống ổn định, đôi vợ chồng này đã san sẻ với những người kém may mắn và tham gia xây dựng quê hương.
Vợ chồng ông Trương Minh Tuyên và bà Nguyễn Thị Thanh Kiều (ngụ ấp Sa Cá, xã Bình An, huyện Long Thành) từng trải qua cảnh đói khổ, phải chạy vạy khắp nơi nuôi con ăn học. Khi có cuộc sống ổn định, đôi vợ chồng này đã san sẻ với những người kém may mắn và tham gia xây dựng quê hương.
Dù được con cái khuyên nên nghỉ ngơi để hưởng thụ cuộc sống sau bao tháng năm vất vả, song hàng ngày ông Trương Minh Tuyên và bà Nguyễn Thị Thanh Kiều vẫn cần mẫn chăm sóc vườn cây. |
Chính lối sống đẹp của vợ chồng người nông dân này đã giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên, những con đường giao thông, điện thắp sáng ở địa phương được thực hiện nhanh chóng hơn.
* Đi lên từ cơ cực
Để động viên tinh thần vì cộng đồng của gia đình ông Trương Minh Tuyên và bà Nguyễn Thị Thanh Kiều, vừa qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tuyên dương bà Kiều là gương Người tốt, việc tốt của tỉnh năm 2016. |
Ngồi trong căn nhà xây rộng rãi với vườn cây, hồ cá cùng những tiểu cảnh bắt mắt được người dân địa phương đánh giá không kém gì một công viên thu nhỏ, bà Nguyễn Thị Thanh Kiều và ông Trương Minh Tuyên không khỏi tự hào. “Bây giờ ai đến nhà chơi cũng thấy thích, mong được cuộc sống như gia đình tôi. Nhưng kỳ thực trước đây gia đình tôi vì ở quê quá nghèo, không đất sản xuất phải tìm về Đồng Nai kiếm cơ hội” - ông Trương Minh Tuyên nhớ về cảnh cơ cực trước kia.
Tiếp lời chồng, bà Nguyễn Thị Thanh Kiều kể: “Đầu năm 1980, gia đình tôi từ vùng quê Quảng Trị đi xe khách vào lập nghiệp ở xã Bình An, huyện Long Thành. Lúc đó nhìn cảnh cây héo lá, cỏ không mọc nổi do đang là cao điểm của mùa khô, cộng thêm tối hôm đó khi đang ngủ trong lán trại dựng tạm bị bò cạp cắn, tôi ngồi bật dậy, nhìn chồng con rồi khóc ngon lành và nằng nặc đòi về quê. Vậy nhưng nếu về quê thì cả gia đình biết làm gì để sống? Chính lý do này đã níu tôi ở lại và thử vận may với vùng đất mới”.
Nơi vùng quê xa lạ, ông bà phải làm nhiều công việc khác nhau, như: bán bánh bèo, làm bánh tráng, nuôi heo, trồng cây ăn trái để duy trì cuộc sống. Trong những lúc khó khăn khi gặp cảnh thất mùa, vật nuôi bán mất giá, vợ chồng bà Kiều - ông Tuyên đã được bà con hàng xóm, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ để có cơ hội vươn lên. “Lúc đó 5 con tôi đều đang học các trường đại học, THPT. Những khi phải đóng tiền học cùng lúc cho các con là vợ chồng lo đến mất ngủ. Nhiều người biết hoàn cảnh nên khi vợ chồng mở lời là họ cho mượn ngay mặc dù bà con ở xã cũng chẳng phải dư giả gì cho lắm, phần chính quyền địa phương thì hướng dẫn làm thủ tục miễn giảm học phí... Chính từ những tình cảm này, cộng với nỗ lực của cả nhà mà gia đình tôi đã từng bước vươn lên trong cuộc sống. 5 con đều học hành đến nơi đến chốn và hiện có việc làm, cuộc sống ổn định” - ông Tuyên chia sẻ.
* Sung túc không quên người thiếu thốn
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng ông bà vẫn chăm chỉ lao động. Và từ thành quả lao động này, ông bà đã giúp sức bằng vốn cho rất nhiều hoàn cảnh kém may mắn để họ có vốn buôn bán, chăn nuôi.
Bà Phạm Thị Nga (60 tuổi, ngụ cùng ấp) chia sẻ: “Mỗi khi gia đình tôi cần tiền mua cám, gầy dựng lại đàn heo, chỉ cần mở lời là vợ chồng bà Kiều - ông Tuyên đều cho mượn tiền để làm mà không lấy tiền lời, không nói thời gian trả mà chỉ yêu cầu khi nào cảm thấy dư giả rồi trả. Đã mấy lần đàn heo tan bầy, rồi giá bán trồi sụt là bấy nhiêu lần gia đình được giúp sức. Không chỉ riêng tôi, nhiều người khác cũng được vợ chồng bà Kiều - ông Tuyên giúp”.
Không chỉ hỗ trợ bà con phát triển kinh tế gia đình, với những người đau yếu, vợ chồng bà Kiều - ông Tuyên đã trở thành địa chỉ nhân đạo không thể thiếu. “Mỗi năm vợ chồng tôi và các con đều tích góp tiền để hỗ trợ quà tết cho người nghèo, học bổng cho học sinh. Với những ai mắc bệnh hiểm nghèo, giúp được đến đâu gia đình đều cố gắng. Chỉ mong sao trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, những người không may mắc bệnh nặng được hưởng sự quan tâm của cộng đồng để họ thấy vui” - bà Nguyễn Thị Thanh Kiều nói.
Để góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương, gia đình nông dân này đã ủng hộ làm đường điện chiếu sáng dài 1,2km và hiến gần 1 ngàn m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Ông Tuyên chia sẻ: “Có người nói, tôi làm đường điện chiếu sáng trên con đường ngang qua lô cao su là phí tiền, sao không làm ở chỗ khác? Nhưng chứng kiến các cháu học sinh đi học thêm, ban đêm đi ngang qua con đường vắng và tối thui, thỉnh thoảng còn bị một đám thanh niên tụ tập trêu ghẹo tôi thấy rất lo. Vậy nên mình làm công trình này vừa bảo vệ cho con em trong ấp, vừa góp phần ngăn ngừa những biểu hiện xấu trong xã hội”.
Văn Truyên