Báo Đồng Nai điện tử
En

Những căn nhà của lòng tri ân

09:03, 27/03/2017

Từ năm 2016 đến nay, Đồng Nai đã triển khai xây mới, sửa chữa 469 ngôi nhà với số tiền hơn 10 tỷ đồng cho đối tượng người có công.

Từ năm 2016 đến nay, Đồng Nai đã triển khai xây mới, sửa chữa 469 ngôi nhà với số tiền hơn 10 tỷ đồng cho đối tượng người có công.

Bà Trần Thị Thanh Hoa (ngụ ấp 5, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) bên bàn thờ của người cha liệt sĩ trong căn nhà mới khang trang.
Bà Trần Thị Thanh Hoa (ngụ ấp 5, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) bên bàn thờ của người cha liệt sĩ trong căn nhà mới khang trang.

Mục tiêu của chương trình là không để gia đình người có công phải sống trong những mái ấm thiếu vững chắc, hư hại. Việc làm này đã được cộng đồng và nhất là những gia đình người có công ghi nhận, trân trọng.

* Vui với sự quan tâm

Theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, mục tiêu là đến trước ngày 20-7-2017, toàn bộ 469 căn nhà cho người có công phải được hoàn thành. Sở cũng yêu cầu Phòng Lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị, thành phố tiếp tục ra soát xem trường hợp người có công có nhu cầu về nhà ở trong năm 2017 chưa được đưa vào danh sách để tiếp tục bổ sung thêm.

Bà Trần Thị Thanh Hoa (con liệt sĩ, hiện ngụ ấp 5, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) là một trong 469 gia đình người có công của tỉnh được hỗ trợ tiền xây, sửa chữa nhà ở. Không giấu được niềm vui khi về sống trong căn nhà kiên cố, bà Thanh Hoa chia sẻ: “Xuân Đinh Dậu vừa qua là cái tết vui nhất với gia đình tôi vì sau hàng chục năm ở trong căn nhà cũ kỹ, đến nay cả nhà đã có thể ngủ yên giấc không lo lắng nhà bị sập lúc trời nổi dông gió. Nhưng vui nhất là bàn thờ của cha tôi đã có nơi trang trọng, ấm cúng để nhang khói hàng ngày, chứ như trước kia cứ trời mưa là tôi phải lấy ny-lông bao di ảnh, bằng Tổ quốc ghi công lại vì sợ bị mưa ướt”.

Cũng theo bà Thanh Hoa, sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước dành cho gia đình bà đã tạo nên đòn bẩy rất lớn làm thay đổi số phận cả gia đình. “Với 40 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ, vợ chồng tôi dự định xây căn nhà cấp bốn không tô xi măng. Khi biết ý định của gia đình, bà con hàng xóm đã đến góp ý và cho chúng tôi vay thêm tiền để làm nhà. Trong quá trình xây dựng, bà con còn mang quà đến tặng từ bịch cà phê tới gạo, thức ăn... để tôi lo cho thợ xây dựng ăn uống hàng ngày. Ngày vào nhà mới, chính quyền địa phương, hàng xóm còn đến đến trao cho chúng tôi những vật dụng cần thiết. Nhờ vậy mà giờ đây chúng tôi có được căn nhà lát gạch bông, tường tô xi măng, trần nhà được đóng rất đẹp” - bà Thanh Hoa chia sẻ.

Khác với bà Thanh Hoa, bà Nguyễn Thị Thanh (cán bộ bị địch bắt tù đày, 67 tuổi, ngụ ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) sử dụng số tiền 20 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ để sửa lại cái quán nước nhỏ đồng thời là nơi ở của bà. “Trước đây cái quán của tôi được dựng tạm bằng cây và vài tấm tôn cũ để bán những thứ lặt vặt cho các hộ làm rẫy trong xóm. Do cũ kỹ quá nên trông cái quán rất lụp xụp, lại bị dột mỗi khi trời mưa. Vậy nên khi được nhận tiền Nhà nước hỗ trợ, tôi gọi thợ xây đến làm lại cái quán nhỏ của mình. Trong quá trình làm, thợ cũng bớt một phần tiền công, cửa hàng vật liệu xây dựng giảm giá bán hàng, còn chị em trong hội cựu tù chính trị thì đến thăm hỏi thường xuyên... Nhờ vậy mà hiện nơi buôn bán cũng là chốn dung thân của tôi đã có bốn bên vách tường kiên cố, mái tôn, cửa kéo chắc chắn”.

* Chung tay đem đến niềm vui

Cũng nhận số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng từ chương trình xây, sửa nhà cho người có công của tỉnh, bà Dương Thị Huệ (vợ liệt sĩ, hiện nay đã 81 tuổi, ngụ ấp Suối Tre, xã Suối Tre, TX.Long Khánh) và con gái là bà Lê Thị Cẩm Mỹ (49 tuổi) đã sử dụng để sửa chữa lại căn nhà cũ nhiều hư hỏng. Bà Lê Thị Cẩm Mỹ nói: “Có 20 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ, tôi bỏ thêm 4 triệu đồng do mình tích góp được để lợp lại mái tôn nhà bếp đã bị dột, đóng la-phông nhà để giảm bớt sức nóng những lúc trời nắng gắt. Tôi thấy số tiền Nhà nước hỗ trợ rất hiệu quả và thiết thực với đời sống. Điều này làm cho mẹ con tôi rất vui vì biết Đảng, Nhà nước không quên sự hy sinh của cha tôi”.

Bên cạnh nguồn ngân sách tỉnh, những phần việc thể hiện truyền thống đền ơn đáp nghĩa còn được cả xã hội chung tay thực hiện bằng hình thức xã hội hóa. Trong đó, qua sự vận động của UBND huyện Thống Nhất, Trường đại học Nguyễn Huệ đã tiến hành trao tặng số tiền 140 triệu đồng để xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho người có công tại xã vào những ngày cuối năm 2016.

Còn Liên Chi hội Cựu cán bộ bị địch bắt tù đày Tây Hòa - Trung Hòa - Đông Hòa - Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) đã phát động hội viên đóng góp quỹ bằng cách nuôi heo đất với số tiền 500 ngàn đồng/người/năm. Khoản tiền thu từ hoạt động này được dùng để cho hội viên khó khăn vay vốn để sửa chữa nhà ở, có vốn sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ.

Đặc biệt, hàng năm Nhà thiếu nhi Đồng Nai đều phát động trong cán bộ, giáo viên, công nhân viên và phụ huynh của các em đang sinh hoạt tại đây đóng góp trao tặng quà, thăm hỏi các gia đình có công, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hay các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, như: Hải quan Đồng Nai, Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa, Công ty cổ phần Đồng Tiến, Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa... cũng đã hỗ trợ mỗi năm hàng trăm triệu đồng để cùng với các cấp chính quyền thực hiện chăm lo đời sống tinh thần, sửa chữa, xây dựng nhà cho người có công.

Văn Truyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích