Báo Đồng Nai điện tử
En

"Thắp lửa" cho phong trào thanh niên

10:03, 24/03/2017

Với tinh thần xung kích, sáng tạo và nhiệt huyết, những thủ lĩnh thanh niên cơ sở đã và đang cống hiến sức trẻ, tình nguyện "thắp lửa" cho phong trào Đoàn tại địa phương.

Với tinh thần xung kích, sáng tạo và nhiệt huyết, những thủ lĩnh thanh niên cơ sở đã và đang cống hiến sức trẻ, tình nguyện “thắp lửa” cho phong trào Đoàn tại địa phương.

Anh Đỗ Doãn Hợi (phải), Bí thư Đoàn xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), từng tốt nghiệp ngành nông học thăm vườn dưa leo của một thành viên Tổ hợp tác trồng rau.
Anh Đỗ Doãn Hợi (phải), Bí thư Đoàn xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), từng tốt nghiệp ngành nông học thăm vườn dưa leo của một thành viên Tổ hợp tác trồng rau.

12 năm đã trôi qua nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc hiện là Bí thư Đoàn xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc chị quyết định từ bỏ công việc quản lý ở một công ty lớn để cống hiến sức trẻ cho công tác Đoàn địa phương.

* Hết mình với phong trào Đoàn

Công tác Đoàn muốn mạnh cần phải được củng cố từ gốc. Trước hết, đội ngũ cán bộ Đoàn ở cơ sở cần phải được quan tâm từ khâu quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm. Đây không chỉ là cách để khuyến khích cán bộ Đoàn cống hiến mà còn là một cách để thu hút nhân tài, tạo nguồn cán bộ Đoàn. Bên cạnh đó, bản thân cán bộ Đoàn cần chủ động hơn nữa trong việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; năng động, sáng tạo trong hoạt động Đoàn để góp phần khẳng định năng lực bản thân.

Trước năm 2005, mặc dù thời gian làm việc ở công ty chiếm gần hết, nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc vẫn dành các buổi tối trong tuần và ngày chủ nhật để tham gia công tác Đoàn.

Tháng 4-2005, đại diện Đảng ủy xã Phước Thiền đến nhà vận động chị làm Phó bí thư Đoàn xã. Công việc một bên là mức lương ổn định và một bên chỉ có phụ cấp 500 ngàn đồng/tháng, nhưng chị Ngọc không mảy may suy tính mà quyết định làm công tác Đoàn. Lý do được chị đưa ra đơn giản là vì chị thích được làm phong trào.

Chị Ngọc chia sẻ thời gian đầu làm Phó bí thư Đoàn xã chị cũng thấy “chới với”. Nếu như trước đây, mỗi tháng chị đều có tiền dư, thì nay chị phải bỏ tiền túi ra để trang trải cho bản thân và đôi khi cho cả hoạt động phong trào.

Được gia đình động viên, chị kiên trì theo đuổi và quyết tâm đưa hoạt động Đoàn của xã đi lên. Bước đầu, chị Ngọc mượn sổ quản lý nhân khẩu bên công an xã, tìm địa chỉ của từng đoàn viên. Có được địa chỉ, không quản ngại mưa nắng chị đến từng nhà vận động đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt.

Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, vận động từng đoàn viên xong, chị nghĩ đến việc đổi mới hình thức sinh hoạt cho phù hợp với từng nhóm đoàn viên, thanh niên. Các tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ sở thích lần lượt ra đời và hoạt động sôi nổi. Nhờ đó, hoạt động Đoàn xã tiến bộ dần, đoàn viên thanh niên chủ động tìm đến với tổ chức Đoàn.

Để thu hút đoàn viên, thanh niên, người “thủ lĩnh” phải có đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo, chịu tìm việc. Điều này được minh chứng khi chúng tôi gặp gỡ anh Đỗ Doãn Hợi, Bí thư Đoàn xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) - là một trong 2 đại biểu của tỉnh được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2017.

Thành công đầu tiên của anh Hợi phải kể đến là mô hình tạo kinh phí cho Đoàn. Xã Xuân Tây có 12 ấp, trong đó 2 ấp có Tổ hợp tác thanh niên mỗi năm đều trích kinh phí cho Đoàn hoạt động. 10 ấp còn lại anh cùng với Ban Chấp hành Chi đoàn ấp vận động đoàn viên thanh niên đi làm thuê 2 ngày/tháng để tạo kinh phí tổ chức cho đoàn viên thanh niên đi cắm trại, du lịch về nguồn.

Để thắt chặt mối liên kết giữa đoàn viên, thanh niên các ấp, anh Hợi duy trì mô hình vần đổi công, mỗi tháng tổ chức giao ban ở một ấp. Chương trình chính là giao ban, trong đó lồng ghép hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường, giao lưu văn nghệ, thể dục - thể thao... Anh Hợi bộc bạch, hoạt động Đoàn ở cơ sở không thể chỉ đạo kiểu cấp trên - cấp dưới mà bản thân Bí thư Đoàn xã cùng tham gia với các chi đoàn, thậm chí cầm tay chỉ việc.

* Cần được quan tâm, khuyến khích

Có thể nói, Bí thư Đoàn thanh niên ở cơ sở có vai trò rất quan trọng. Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên của huyện, của tỉnh mạnh hay yếu là tùy thuộc vào chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên ở cơ sở. Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại hiện nay là “đầu ra” của một bộ phận cán bộ Đoàn ở cơ sở hiện còn nhiều khó khăn.

Mặc dù đã 40 tuổi, quá tuổi quy định để giữ chức vụ nhưng anh Vũ Mạnh Hướng vẫn đang đảm nhiệm vai trò Bí thư Đoàn xã Phú Sơn (huyện Tân Phú). Anh Hướng chia sẻ trong 11 năm làm Bí thư Đoàn xã, anh cũng được đưa vào quy hoạch nhưng vì nhiều lý do mà chưa được sắp xếp ở vị trí mới. Sự chậm trễ này không chỉ khiến anh nhiều lần muốn bỏ ngang mà còn gây khó khăn cho việc tìm nguồn thay thế.

Trường hợp của anh Nguyễn Như Lập, Bí thư Đoàn xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) cũng không phải ngoại lệ. 19 năm gắn bó với công tác Đoàn từ ấp lên đến xã, hiện tại anh vẫn đang làm cán bộ Đoàn. Theo lời kể của anh Lập, có lần anh hỏi trực tiếp Bí thư Đảng ủy xã về trường hợp của mình thì nhận được câu trả lời hiện tại xã không còn vị trí chuyên trách để sắp xếp mà chỉ còn vị trí bán chuyên trách.

“Đi đâu về đâu” vẫn là câu hỏi của cán bộ Đoàn cơ sở. Chị Nguyễn Thị Ngọc, Bí thư Đoàn xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), bày tỏ dù đam mê, nhiệt huyết đến đâu nhưng nếu như sau nhiều năm cống hiến mà không được quan tâm sắp xếp một công việc tương xứng sẽ rất khó để khuyến khích được cán bộ Đoàn cơ sở đương nhiệm cống hiến hết mình và tạo nguồn cán bộ Đoàn thay thế.

Nga Sơn

Tin xem nhiều