Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tỉnh ủy Đồng Nai đang xây dựng quy định văn hóa trong Đảng của Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, việc xây dựng như thế nào không phải chuyện dễ.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tỉnh ủy Đồng Nai đang xây dựng quy định văn hóa trong Đảng của Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, việc xây dựng như thế nào không phải chuyện dễ.
Vào các dịp lễ, tết Ban TVTU đều tổ chức đi thăm đảng viên lão thành. Đây là nét văn hóa được duy trì nhiều năm qua ở Đảng bộ Đồng Nai. Trong ảnh: Đồng chí Lê Văn Dành, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Biên Hòa (bên trái), thăm đồng chí Nguyễn Đức Sự, đảng viên 70 năm tuổi Đảng của Biên Hòa. |
* Coi trọng tri thức và đạo đức cách mạng
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, văn hóa trong Đảng còn là sự bền chặt giữa Đảng với dân. Nên nghiên cứu văn hóa từ chức, không làm được thì từ chức, đừng nặng nề vấn đề này. Ở nước ta cán bộ cứ lên chức là không chịu xuống chức, đã làm to thì không chịu làm nhỏ, khác với các nước trên thế giới. Chức tước qua đi, tiền bạc qua đi, cái tồn tại mãi mãi là tình người… |
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng vốn không mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Bác luôn quan tâm giáo dục và rèn luyện đảng viên vừa có tri thức cách mạng, vừa có đạo đức cách mạng.
Năm 1947, tại Chiến khu Việt Bắc, giữa muôn vàn khó khăn và thiếu thốn của những ngày đầu kháng chiến, Bác Hồ đã viết 2 tác phẩm nổi tiếng: Sửa đổi lối làm việc và Đời sống mới. 2 tác phẩm này rất ngắn gọn, cụ thể, cốt lõi là việc xây dựng văn hóa trong Đảng, xứng đáng trở thành cuốn sách giáo khoa nhằm cảnh tỉnh những ai trong tư tưởng và hành động đang xa dần những chuẩn mực của tư cách và đạo đức người cách mạng.
Trước lúc đi xa, Bác rất lo lắng đến vấn đề tư tưởng đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương về việc làm và xuất bản loại sách Người tốt, việc tốt (tháng 6-1968), Bác nói: “Một số cán bộ ta hình như mải làm công tác hành chính sự vụ hơn là để nhiều tâm sức xây dựng con người, xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng, cho nên không chịu theo dõi việc làm hàng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ đó, mới nảy sinh hiện tượng “có một số người không nhớ lúc hàn vi, lại để cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở. Đã có xe rồi, lại “phấn đấu” để có chiếc xe đẹp hơn, chiếm mất phần người khác. Đã có nhà ở rồi, lại “phấn đấu” để có nhà đẹp hơn. Làm như thế là trái với đạo đức cách mạng”.
* Chống chủ nghĩa cá nhân
Năm 1969, Bác viết bài báo cuối cùng Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bác nói: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như lười biếng, suy tư, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội”.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, để xây dựng văn hóa trong Đảng, phải tập trung chống chủ nghĩa cá nhân. Chỉ có quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì mới xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân. Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp của Đảng nhưng cũng cần mạnh dạn chỉ ra những hạn chế. Hiện nay, nhiều nơi còn xem nhẹ xây dựng văn hóa trong Đảng. Không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nêu tấm gương về văn hóa trước nhân dân. Văn hóa chưa đủ mạnh để đẩy lùi sự tha hóa. Do chưa coi trọng văn hóa trong Đảng nên để xảy ra nhiều việc. Hiện nay, trong không ít tổ chức Đảng có những cán bộ đảng viên “bằng mặt mà không bằng lòng”, đó có phải là văn hóa trong Đảng không?
“Hiện nay, mọi người ngại từ “đồng chí”, chỉ dùng trong kiểm điểm, phê bình nhau. Trong khi từ “đồng chí” rất thiêng liêng, Bác Hồ nói phải có tình đồng chí, cùng chí hướng, cùng nhau chia sẻ...“. Trong cơ quan hiện nay, không ít cán bộ trẻ thiếu văn hóa chào hỏi, gặp người lớn cứ vênh mặt lên, không chào hỏi ai. Tôi toàn phải chào người trẻ trước...” - PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhận định. Để có văn hóa, chúng ta phải biết cám ơn, xin lỗi. Để xây dựng văn hóa trong Đảng, trước hết hoàn thành nhân cách từng cán bộ, đảng viên.
Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, cho hay việc xây dựng quy định văn hóa trong Đảng dù khó làm, song vì mục tiêu làm sao để cán bộ đảng viên trong Đảng bộ tỉnh ứng xử một cách mềm mỏng nhưng hiệu quả, quan hệ trong Đảng tốt hơn... nên tỉnh sẽ cố gắng thực hiện.
Phương Hằng