Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) có tuổi đời 115 năm, đã được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) công nhận là di tích lịch sử vào năm 1994.
Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) có tuổi đời 115 năm, đã được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) công nhận là di tích lịch sử vào năm 1994.
Khách tham quan tìm hiểu về Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí. |
Mỗi năm, khu di tích đón trên 300 đoàn khách trung ương, các địa phương trong cả nước và là nơi để tổ chức các buổi kết nạp đoàn viên, đội viên… Nhờ được bảo tồn nên căn nhà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn, là nơi để giáo dục truyền thống hiếu học và cách mạng cho các thế hệ.
Theo lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Thoa, hướng dẫn viên của khu di tích: “Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh trước đây được ông nội là tiến sĩ Đặng Xuân Bảng xây dựng vào năm Nhâm Dần (1902) cho người con trai của cụ là ông Đặng Xuân Viện. Đồng chí Trường Chinh là con trai cả của ông Đặng Xuân Viện, được sinh ra và lớn lên rồi xây dựng gia đình cũng chính tại ngôi nhà này”.
Khu nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh rộng 530m2 với một ngôi nhà lưu niệm rộng 5 gian. 3 gian chính giữa được bố trí làm nơi thờ đồng chí Trường Chinh và những người thân đã quá cố, 2 gian phòng ngủ nằm ở 2 đầu của căn nhà, trong đó có 1 gian là phòng ngủ của vợ chồng đồng chí Trường Chinh ngày mới cưới. Trong nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật, như: khung cửi dệt vải, tủ sách, nhiều bức hoành phi, câu đối cổ do bạn bè của cụ tiến sĩ Đặng Xuân Bảng tặng…
Nằm vuông góc với nhà lưu niệm là căn nhà ngang rộng 5 gian tường xây, mái lợp bằng rạ. Đây là nơi để những người phụ nữ trong gia đình sinh hoạt, ăn uống. Phía trước nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh còn có một ao cá nhỏ, ngả ra từ bờ ao là những cây sung trên 100 năm tuổi. Hướng dẫn viên của khu di tích cho biết, khi còn nhỏ đồng chí Trường Chinh thường ra đây ngồi câu cá, đọc sách và làm thơ… Khu di tích còn có một nhà khách để đón các đoàn khách nghỉ chân, tìm hiểu thêm về truyền thống hiếu học và truyền thống cách mạng của gia đình đồng chí Trường Chinh.
Công Nghĩa