Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao năng lực cho nữ đại biểu HĐND xã

10:01, 16/01/2017

Sau cuộc bầu cử HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016 - 2021), tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND 3 cấp đều vượt so với chỉ tiêu đề ra, trong đó tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã đạt 30,03%.

Sau cuộc bầu cử HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016 - 2021), tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND 3 cấp đều vượt so với chỉ tiêu đề ra, trong đó tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã đạt 30,03%.

Đại diện nữ đại biểu HĐND cấp xã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại tọa đàm về nâng cao năng lực cho đại biểu HĐND xã. Ảnh: N.sơn
Đại diện nữ đại biểu HĐND cấp xã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại tọa đàm về nâng cao năng lực cho đại biểu HĐND xã. Ảnh: N.sơn

Tại buổi tọa đàm do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức mới đây, đại diện nữ đại biểu HĐND xã đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, giúp các nữ đại biểu HĐND xã làm tốt vai trò đại biểu nhân dân.

* Tham gia giải quyết việc khó

Nhiệm kỳ 2016-2021 là nhiệm kỳ thứ 2 chị Ngô Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) được bầu làm đại biểu HĐND xã. Hơn một nhiệm kỳ làm đại biểu nhân dân, chị có cơ hội tham gia giải quyết nhiều vụ việc diễn ra trên địa bàn.

Trong đó, vụ việc mà chị Thảo còn nhớ như in phải kể đến là vụ vận động người dân thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Chị Thảo kể, nhận thấy trên địa bàn xã tồn tại nhiều bãi rác tự phát gây mùi hôi khó chịu làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh, xã đã đưa ra chủ trương vận động người dân ký hợp đồng thu gom rác. Hầu hết các hộ trong xã đều nhất trí nhưng một vài hộ không thực hiện. Nắm bắt được thông tin, HĐND xã tổ chức giám sát và phát hiện nguyên nhân là do bất đồng giữa các hộ dân và người thu gom rác. Chị đã kiến nghị với thường trực UBND xã mời người thu gom rác lên gặp và bằng những lời có tình có lý, sự việc này nhanh chóng được giải quyết.

Hay như lần xây dựng tuyến đường nội đồng, mặc dù đã tổ chức họp dân nhưng khi thi công một số hộ phản ứng. Lúc này, chị đứng ra gặp gỡ, trao đổi, thậm chí phân tích nhiều lần để họ thấy lợi ích lớn lao được thụ hưởng sau khi thi công xong tuyến đường. Chia sẻ về cách giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân, chị Thảo cho hay, những vấn đề người dân phản ánh chị đều gặp trực tiếp lãnh đạo phụ trách lĩnh vực đó để trao đổi chứ không nhất thiết phải chờ đến kỳ họp mới ý kiến. Làm được như vậy, những ý kiến của người dân sẽ được giải quyết kịp thời hơn.

Trong thời gian làm đại biểu HĐND xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh), chị Nguyễn Thị Đào, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hàng Gòn có cơ hội được tham gia tuyên truyền vận động các hộ dân trong diện giải tỏa để triển khai thực hiện dự án hồ chứa nước Cầu Dầu (TX.Long Khánh) do UBND tỉnh phê duyệt, với mục tiêu cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Dự án có diện tích khoảng 129 hécta
với tổng mức đầu tư trên 81 tỷ đồng. Chị Đào cho biết liên quan đến dự án này, có khoảng trên 100 hộ được đền bù, giải tỏa. Tuy nhiên, trong đó có 17 hộ cho rằng chính sách đền bù không thỏa đáng nên khiếu kiện kéo dài. Sau nhiều lần tham gia tuyên truyền, vận động đồng thời phản ánh kiến nghị của các hộ tại các kỳ họp HĐND xã, đến nay với sự vào cuộc của các ngành chức năng, đến nay đã có thêm 10 hộ chấp nhận mức bồi thường và dự kiến tới đây sẽ giải quyết dứt điểm.

* Cần những kỹ năng cần thiết

Bà Lê Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Vĩnh Cửu, chia sẻ để làm tốt vai trò của một người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, trước hết mỗi đại biểu nói chung, nữ đại biểu HĐND nói riêng cần hiểu rõ về đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; thường xuyên về cơ sở, gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề mà người dân đang quan tâm. Điều này vừa giúp cho nữ đại biểu nắm được vấn đề kịp thời phản ánh tại kỳ họp, đồng thời cũng là một kênh để trau dồi thêm kiến thức. Bên cạnh nắm bắt tình hình thực tế, bản thân nữ đại biểu HĐND xã cần thường xuyên nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các vấn đề nổi cộm tại địa phương. 

Ngoài yêu cầu về mặt kiến thức, kỹ năng đối với đại biểu HĐND cũng rất quan trọng. Theo chị Nguyễn Hà Quế Phương, Phó ban Kinh tế, chính sách luật pháp (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh), để mang đến kỳ họp một ý kiến thuyết phục, chẳng hạn như ý kiến liên quan đến phụ nữ và trẻ em, bản thân nữ đại biểu HĐND cần có sự chuẩn bị chu đáo, nắm chắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ, trẻ em; tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ, trẻ em. Khi trình bày, nữ đại biểu HĐND cần có cách trình bày ngắn gọn, dễ hiểu.

Bên cạnh kỹ năng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, kỹ năng chất vấn của đại biểu HĐND được các đại biểu quan tâm bày tỏ. Kỹ năng chất vấn của đại biểu HĐND phản ánh trình độ, năng lực, sự hiểu biết, nghệ thuật chất vấn của đại biểu. Vì vậy, người đại biểu hết sức thận trọng khi lựa chọn câu hỏi chất vấn. Trước khi chất vấn một vấn đề nào đó, đại biểu cần tìm hiểu thật kỹ vấn đề, thu thập thông tin cũng như bằng chứng xác thực.

Đào Thị Hằng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, cho rằng kỹ năng giám sát của đại biểu rất quan trọng. Đây là kỹ năng khó và phức tạp, đòi hỏi đại biểu hiểu sâu sắc về hoạt động giám sát và định hướng hoạt động giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nắm vững mục đích giám sát và phải liệt kê được các nội dung giám sát của HĐND. Đại biểu HĐND phải xác lập kỹ năng so sánh, xác lập cơ cấu đoàn giám sát, kỹ năng tổ chức các cuộc báo cáo, nghe tường trình của các cơ quan có liên quan đến hoạt động giám sát của HĐND. HĐND quy định rõ chức năng, cơ chế, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xử lý các vấn đề qua hoạt động giám sát của đại biểu.

Nga Sơn


 

 

 

Tin xem nhiều