Nhận thức được vai trò tiên phong trong tiến trình hội nhập quốc tế, các thế hệ học sinh, sinh viên Đồng Nai luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện tạo cho bản thân hành trang vững chắc, tự tin hội nhập quốc tế.
Nhận thức được vai trò tiên phong trong tiến trình hội nhập quốc tế, các thế hệ học sinh, sinh viên Đồng Nai luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện tạo cho bản thân hành trang vững chắc, tự tin hội nhập quốc tế.
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng dạy ảo thuật cho thiếu nhi huyện Vĩnh Cửu trong chiến dịch Mùa hè xanh. |
Chị Hồ Hồng Nguyên, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Phó chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh, cho rằng học sinh, sinh viên trong tỉnh đã và đang có nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của hội nhập đối với con đường lập thân, lập nghiệp.
Tự học, tự rèn luyện
Gần 3 năm nay, các giảng viên và sinh viên Phân hiệu Trường đại học lâm nghiệp tại Đồng Nai (huyện Trảng Bom) đã quen với hình ảnh cô sinh viên làm lao công tại trường sau giờ học để có thêm thu nhập trang trải học hành. Đó là Trần Thị Việt Trinh, sinh viên năm 3 Khoa công nghiệp và kiến trúc. Gặp và trò chuyện với Trinh, chúng tôi không khỏi bất ngờ, một cô gái với dáng vóc nhỏ nhắn nhưng nghị lực có thể nói là phi thường.
3 năm trước, cô học trò năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi trúng tuyển Khoa Sư phạm công nghệ thông tin Trường đại học Sài Gòn, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trinh từ bỏ và đi làm. Một tháng sau, tình cờ Trinh đọc được thông báo tuyển sinh của Phân hiệu Trường đại học lâm nghiệp tại Đồng Nai với mức học phí không quá cao nên đã mạnh dạn nộp hồ sơ và trúng tuyển. Cha mẹ ở quê làm ăn khó khăn, phải nuôi 2 em ăn học, Trinh đi học phải tự xoay xở. Với 3 triệu đồng tiền lương dành dụm được khi đi làm trước đây, Trinh dành đóng học phí. Để có tiền sinh hoạt, Trinh làm đủ việc sau giờ học, từ việc bán bánh chuối, bánh khoai chiên ở ký túc xá, làm lao công tại trường, giúp việc nhà theo giờ, dạy thêm, phục vụ tiệc cưới ngày thứ bảy, chủ nhật... Ban ngày đi học và vất vả mưu sinh, đêm đến Trinh thức khuya, dậy sớm học bài và năm nào Trinh cũng đạt loại giỏi. Trinh chia sẻ, trong tiến trình hội nhập như hiện nay, học giỏi chưa đủ mà cần phải có ngoại ngữ, tin học. Với số tiền kiếm được mỗi tháng, Trinh dành một phần cho việc học ngoại ngữ ở trung tâm, chăm chỉ ôn luyện ở nhà.
Học sinh, sinh viên tích cực học tập, nghiên cứu khoa học nâng cao trình độ chuyên môn. Trong ảnh: Học sinh các trường trong tỉnh tham gia hội thi Sáng tạo xanh năm 2016. |
Nguyễn Khánh Huy Hoàng, hiện là sinh viên năm 3 Khoa Sư phạm khoa học tự nhiên (Trường đại học Đồng Nai) cũng là trường hợp điển hình về tinh thần chủ động học tập. Tốt nghiệp THPT, Huy Hoàng đậu 2 trường là Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh và Trường đại học Đồng Nai. Hoàng đã chọn Trường đại học Đồng Nai. Ngay khi bước chân vào giảng đường đại học, ngoài trau dồi kiến thức chuyên môn, công nghệ thông tin để phục vụ tra cứu, thực hiện các bài giảng điện tử, Huy Hoàng đặc biệt ưu tiên cho việc học ngoại ngữ. Ngoài thời gian tự học ở nhà, Huy Hoàng dành khá nhiều thời gian và công sức đi học tại các trung tâm Anh ngữ có tiếng nhằm nâng cao trình độ, đặc biệt là giao tiếp; đồng thời tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để có điều kiện tiếp cận với nhiều loại tài liệu tiếng Anh chuyên ngành...
Đồng hành với học sinh, sinh viên
Kết nối học sinh, sinh viên cùng giúp nhau hội nhập cũng là một trong những việc mà các cấp bộ Đoàn, Hội Sinh viên trong tỉnh đã làm được trong thời gian qua. Hiện nay, toàn tỉnh có 11/11 Đoàn trường đại học, cao đẳng (trực thuộc Tỉnh đoàn) thành lập các câu lạc bộ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng thường xuyên sinh hoạt vào thứ bảy hàng tuần. |
Chị Hồ Hồng Nguyên, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Phó chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh, cho biết nhận thức được điều này, thời gian qua với vai trò là người bạn đồng hành, tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên tỉnh đã có nhiều nỗ lực và cố gắng trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên trên con đường hội nhập.
Trong đó, hoạt động trọng tâm chính là tạo ra các sân chơi giúp học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng, kiến thức, bản lĩnh; tuyên truyền thông qua các buổi hội thảo, diễn đàn, các lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề về hội nhập quốc tế nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về hội nhập. Riêng trong năm 2016, Tỉnh đoàn và Hội Sinh viên tỉnh đã tổ chức 28 lớp tập huấn, phổ biến pháp luật với các chuyên đề, như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự tham gia của Việt Nam; tình hình hợp tác ASEAN và sự tham gia của Việt Nam trong hội nhập TPP... Tại các trường đại học, cao đẳng, tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên tỉnh đã vận động các du học sinh Lào, Campuchia đang học tập tại Đồng Nai cùng tham gia hội trại Việt Nam - Lào - Campuchia với chủ đề Hướng tới Cộng đồng ASEAN; tổ chức các hội thi tiếng Anh dành cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên khối trường học.
Đặc biệt, để cập nhật thường xuyên thông tin về hội nhập quốc tế của Việt Nam, của tỉnh cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên trong tỉnh, Tỉnh đoàn và Hội Sinh viên tỉnh đã thiết kế chuyên mục mang tên Cộng đồng ASEAN trên trang thông tin điện tử Tỉnh đoàn.
Nhờ nắm bắt thông tin từ trong trường học cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, Nguyễn Thị Trúc Huyền, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), hiểu khá rõ về cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập. Trúc Huyền bày tỏ lo lắng về sự dịch chuyển của lực lượng lao động các nước trong khu vực, điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh khá lớn. Nếu như bản thân không đáp ứng được yêu cầu công việc, nhất định sẽ bị đào thải ngay trên chính đất nước mình. Vì thế, mục tiêu trước mắt mà Trúc Huyền đề ra chính là nỗ lực thi đậu vào một trường đại học ưng ý và trong quá trình học sẽ tiếp tục trau dồi thêm vốn ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết khác. Hội đủ các yếu tố về chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm... sẽ giúp Trúc Huyền tự tin hơn trong tiến trình hội nhập.
Anh Trần Tiến, Phó chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng, cho biết ngoài các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên hội nhập do tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên đảm nhận, hàng năm Trường đại học Lạc Hồng đều có chương trình giao lưu văn hóa với các đoàn thanh thiếu niên và sinh viên đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... giúp sinh viên của trường tự tin, làm chủ trong giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ đã học... Phòng Đào tạo của trường còn có bộ phận đào tạo kỹ năng mềm, giúp trang bị kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên trước khi tốt nghiệp.
Nga Sơn