10 năm hình thành và phát triển, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
10 năm hình thành và phát triển, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng quà Tết Đinh Dậu 2017 cho nạn nhân da cam tại TP.Biên Hòa. |
Bà Bùi Thị Nguyệt (ấp Phú Lợi, xã Phú Trung, huyện Tân Phú) chia sẻ nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, 4 người con của bà mới có cơ hội được tiếp tục đến trường.
Nhiều hình thức hỗ trợ nạn nhân
Cưới nhau từ năm 1992, sau nhiều lần bị hư thai bà Bùi Thị Nguyệt mới biết chồng bà ông Trần Tuấn Hùng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong thời gian tham gia kháng chiến ở khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng. Mặc dù nhận thức được hậu quả chất độc da cam để lại rất nặng nề, quá trình thụ thai và dưỡng thai khó khăn nhưng ông bà vẫn động viên nhau kiên trì.
Hành trình tìm con của ông bà cuối cùng có kết quả. Từ năm 1995, 4 người con của ông bà lần lượt ra đời. May mắn không mắc phải bệnh thiểu năng trí tuệ, co quắp các chi... nhưng chất độc da cam/dioxin khiến cho 4 người con của ông bà bị còi cọc, chậm phát triển về thể trạng, đầu bị móp méo, bị bệnh phổi bẩm sinh phải phẫu thuật nhiều lần... Gần chục năm trở lại đây, sức khỏe ông Hùng suy yếu, bà cùng ông ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, ruộng vườn phải bán dần để có tiền thuốc men cho ông và các con đi học.
Anh Nguyễn Minh Tiền (KP.4, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) sắp xếp hàng hóa vào tủ sau khi đi lấy hàng tại chợ Biên Hòa. |
Đúng lúc ấy, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh có chương trình hỗ trợ học bổng cho con em nạn nhân chất độc da cam, 4 người con của bà đều được hỗ trợ học bổng từ 1,5-3 triệu đồng/suất. Bà Nguyệt bộc bạch: “Sự hỗ trợ, chia sẻ kịp thời của Hội dành cho gia đình tôi vô cùng ý nghĩa, vừa giúp các con có tiền trang trải học phí, vừa là nguồn động viên để gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.
Theo đánh giá của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, hầu hết các nạn nhân và con cháu nạn nhân chất độc da cam đều có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, các hoạt động hỗ trợ của Hội thường là xây sửa nhà, hỗ trợ vốn, trợ cấp học bổng học nghề, tặng quà, trợ cấp thường xuyên... Tuy nhiên, do hậu quả của chất độc da cam khá nặng nề nên sự hỗ trợ ấy chỉ dừng lại ở cải thiện cuộc sống, khó có thể giúp họ vươn lên ổn định hay làm giàu.
Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Minh Tiền (ngụ KP.4, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa), 2 chân bị teo, co quắp từ nhỏ nên anh không thể đến trường như bạn bè. Cách đây khá lâu, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ anh chiếc xe lắc để anh vừa có thể đi bán vé số kiếm thêm thu nhập, vừa để anh có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Anh Minh Tiền cho biết thời buổi “người khôn của khó”, bán vé số không được anh chuyển sang buôn bán nhỏ. Cách đây 2 năm, Hội hỗ trợ 5 triệu đồng vốn không hoàn lại, anh sử dụng để lấy thêm bánh, kẹo, nước ngọt về bán. Buôn bán trong hẻm, mỗi tháng tiền lời kiếm được không đáng là bao (khoảng 600 ngàn đồng/tháng) nhưng giúp anh và gia đình có thêm một khoản tiền trang trải cuộc sống.
Tích cực vận động nguồn lực
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, trong năm 2016 các cấp Hội trong tỉnh đã vận động tiền và hiện vật với tổng trị giá trên 7 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng hỗ trợ tiền ăn cho nạn nhân da cam và trẻ em tại Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng huyện Định Quán, trợ cấp sửa 10 căn nhà, xây mới 6 căn nhà, hỗ trợ vốn cho trên 100 người, hỗ trợ 3 con bò giống, trợ cấp học bổng - học nghề cho 143 người, trợ cấp thường xuyên trên 238 người, tặng gần 6,5 ngàn suất quà, cấp 100 chiếc xe lăn... với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng. |
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có khoảng 9.160 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có trên 3,3 ngàn nạn nhân là người hoạt động kháng chiến và con người hoạt động kháng chiến, còn lại trên 5,8 ngàn nạn nhân là dân thường. Nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã quan tâm dành khoản ngân sách hàng năm để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ vùng khó khăn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam.
Nhằm tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân, đại diện cho nạn nhân trong tỉnh trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, đấu năm 2007 Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin chính thức ra mắt. Sau đó, mạng lưới của Hội phát triển rộng khắp đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên cho biết từ khi thành lập các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thảm họa da cam ở Việt Nam và Đồng Nai; các biện pháp khắc phục thảm họa da cam; các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân... Đặc biệt, công tác vận động nguồn lực chăm sóc cho nạn nhân da cam/dioxin được các cấp Hội coi là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai có hiệu quả. Bằng việc từng bước xây dựng uy tín của Hội, trong 10 năm qua các cấp Hội đã vận động được khoảng 38,5 tỷ đồng giúp đỡ gần 4 ngàn nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn thông qua nhiều hình thức. Theo bà Đào Nguyên, hiện nay hình thức hỗ trợ của Hội dành cho nạn nhân chủ yếu là hỗ trợ “con cá”, còn hình thức “cần câu cá” - hỗ trợ vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm khá khó khăn. Vì vậy, thời gian tới Hội sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để có nhiều hình thức hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin hơn nữa.
Nga Sơn