Tối mai 8-1, tại Nhà văn hóa thanh niên TP.Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên sẽ tổ chức chương trình kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên (9-1) và trao giải thưởng ''Sao tháng Giêng", danh hiệu ''Sinh viên 5 tốt'', tập thể ''Sinh viên 5 tốt'' cấp Trung ương năm 2016.
Tối 8-1, tại Nhà văn hóa thanh niên TP.Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên sẽ tổ chức chương trình kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên (9-1) và trao giải thưởng ‘’Sao tháng Giêng”, danh hiệu ‘’Sinh viên 5 tốt’’, tập thể ‘’Sinh viên 5 tốt’’ cấp Trung ương năm 2016.
Trong số 100 sinh viên được tặng giải thưởng Sao tháng Giêng lần này, Đồng Nai có 2 gương mặt là: Trần Xuân Nhật, sinh viên Khoa sư phạm khoa học tự nhiên Trường đại học Đồng Nai và Võ Văn Mạnh Em, sinh viên Khoa kỹ thuật hóa học và môi trường Trường đại học Lạc Hồng.
Trần Xuân Nhật: Vượt lên bệnh tật
Anh Trần Xuân Nhật làm việc tại Văn phòng Hội Sinh viên tỉnh. |
Hơn 18 năm mang trong mình căn bệnh thấp tim, viêm khớp dạng thấp, nhưng điều khiến thầy cô, bạn bè cảm phục ở chàng sinh viên Trần Xuân Nhật, đã tốt nghiệp đại học và đang công tác tại Hội Sinh viên tỉnh, chính là nghị lực vượt lên bệnh tật, hoàn cảnh để học tốt, tích cực tham gia hoạt động phong trào.
Trần Xuân Nhật chia sẻ, bản thân khi sinh ra cũng như bao đứa trẻ bình thường khác. Đến 5 tuổi, anh thường xuyên bị đau nhức các khớp tay chân tới mức không đi lại được. Cha mẹ đưa anh lên khám và điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, rồi Bệnh viện nhi đồng TP.Hồ Chí Minh trong nhiều năm liền. Từ đó đến nay, Trần Xuân Nhật đi lại, hoạt động được đều nhờ thuốc, ngày nào không uống thuốc, chân tay đau nhức, không thể cử động được.
Phải uống thuốc hàng ngày, tác dụng phụ của thuốc khiến cơ thể không phát triển về chiều cao, ứ nước, sức khỏe yếu hơn người bình thường dẫn đến Nhật không khỏi mặc cảm, tự ti. Có thời điểm, Nhật muốn buông xuôi tất cả, nhưng đến khi đọc cuốn sách Tôi tài giỏi, bạn cũng thế của một tác giả nước ngoài, Nhật nhận ra cuộc sống của mỗi người đều do bản thân mình và đặc biệt khi nhìn thấy những giọt mồ hôi của cha, mẹ vẫn hàng ngày đổ xuống vì cuộc mưu sinh khiến Nhật thay đổi suy nghĩ, sống lạc quan, nỗ lực trong cuộc sống, học tập. Năm học nào Nhật cũng đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi của trường.
Bên cạnh nỗ lực vượt qua nỗi đau, sự mặc cảm bệnh tật, Trần Xuân Nhật còn là tấm gương về sự vượt khó. Nhật cho biết ngoài chi phí thuốc men của anh bình quân 5 triệu đồng/tháng, người em trai của Nhật cũng bị bệnh thấp khớp cấp phải tiêm thuốc thường xuyên khiến cho cha mẹ anh lúc nào cũng sống trong cảnh đầu tắt mặt tối. Thương cha mẹ vất vả, từ khi còn là học sinh Nhật luôn ý thức phải học thật giỏi để có được những suất học bổng giúp cha mẹ vơi bớt gánh nặng. Khi bước vào giảng đường đại học, Nhật tranh thủ sau giờ học đi dạy thêm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Đáng trân trọng hơn, mặc dù sức khỏe yếu, mỗi khi thời tiết thay đổi chân tay đau nhức đi lại khó khăn nhưng Nhật là một trong những sinh viên tích cực, đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động Đoàn, Hội Sinh viên được Trung ương Hội Sinh viên tặng bằng khen; đạt nhiều giải cao trong các hội thi, như: giải nhất “Thủ lĩnh sinh viên’’ tỉnh năm 2016, tốp 6 hội thi ‘’Thủ lĩnh sinh viên’’ toàn quốc năm 2016, đạt thành tích xuất sắc tại hội thi ‘’Nghiệp vụ sư phạm toàn quốc lần thứ V’’...
Với thành tích cao trong học tập và hoạt động, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Đồng Nai vào tháng 8-2016, Nhật về công tác tại Hội Sinh viên tỉnh. Lương chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, để có thể tự trang trải cuộc sống, buổi tối Nhật tiếp tục nhận dạy kèm 3 lớp/tuần. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Nhật bộc bạch mong muốn duy nhất là có sức khỏe để thực hiện được ước mơ trở thành một thầy giáo dạy toán vừa để truyền niềm đam mê, nghị lực vươn lên trong học tập cho học sinh nghèo, vừa giúp anh có điều kiện chăm lo cho bản thân, đỡ đần cha mẹ lúc về già.
Võ Văn Mạnh Em: Đến trường sau nhiều năm dang dở
Anh Võ Văn Mạnh Em (trái) được kết nạp Đảng trong chiến dịch Mùa hè xanh. |
Với mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, sau 5 năm nghỉ học, Võ Văn Mạnh Em quyết tâm trở lại với giảng đường đại học.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất An Giang, từ nhỏ Mạnh Em hiểu hơn ai hết sự vất vả của người nông dân suốt đời phải ‘’bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’’. Là con thứ 5 trong gia đình 6 anh chị em, cha mẹ làm nghề nông, cuộc sống không mấy khá giả nên các anh chị em của Mạnh Em đều nghỉ học từ sớm, đi làm công nhân. Về phần mình, Mạnh Em cho biết nhờ có chiều cao lý tưởng nên từ khi tốt nghiệp THCS, Mạnh Em đã được tuyển làm vận động viên năng khiếu bóng chuyền tại Trung tâm thể dục - thể thao quốc phòng 4 (thuộc Quân khu 9) đóng tại TP.Cần Thơ. Tại đây, Mạnh Em vừa được bồi dưỡng năng khiếu bóng chuyền vừa được tiếp tục học văn hóa. Tốt nghiệp THPT năm 2009, Mạnh Em thi đậu 2 trường đại học (Trường đại học khoa học tự nhiên và Trường đại học Cần Thơ), nhưng nghĩ đến khoản chi phí trong thời gian đi học đại học và hoàn cảnh gia đình, Mạnh Em quyết định không đi học mà tiếp tục làm vận động viên bóng chuyền. Đến năm 2014, đội tuyển bóng chuyền giải thể, anh trở về nhà và dự định sẽ đi làm để lo cho cuộc sống bản thân.
Thế nhưng, chính cuộc sống vất vả của cha mẹ, những người nông dân vùng quê đã thôi thúc anh tìm đến con đường học, bởi chỉ có học mới giúp anh thay đổi hoàn cảnh. 5 năm rời xa sách vở, Mạnh Em nộp hồ sơ xét tuyển vào Khoa kỹ thuật hóa học và môi trường (Trường đại học Lạc Hồng). Thời gian nghỉ học khá dài nên khi bắt đầu lại, Em gặp không ít khó khăn, nhất là với môn Tiếng Anh. Thế nhưng bằng quyết tâm, ngoài việc chia nhỏ các mục tiêu phấn đấu, sắp xếp thời gian biểu khoa học, tự học, tự nghiên cứu, Mạnh Em thường xuyên học hỏi để tạo cho mình khả năng thích nghi với nhiều cách làm việc khác nhau sau này.
Bên cạnh việc học, Em không quên dành thời gian để đi làm kiếm thêm thu nhập, tham gia hoạt động Đoàn, Hội Sinh viên của trường. Với những thành tích học tập xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động phong trào, hoạt động tình nguyện... trong chiến dịch Mùa hè xanh năm 2016, Em là một trong những sinh viên được Đảng ủy Trường đại học Lạc Hồng kết nạp Đảng tại chiến khu Đ.
“Được nhận giải thưởng Sao tháng Giêng là niềm vinh dự song cũng là động lực, là trách nhiệm khiến tôi phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong học tập, hoạt động phong trào để xứng đáng với giải thưởng được nhận’’ - Em nói.
Nga Sơn