Làm thế nào để đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri? Cách thức tổ chức như thế nào để thu hút đông đảo các thành phần cử tri tham gia và đóng góp nhiều ý kiến có giá trị hơn?
Làm thế nào để đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri? Cách thức tổ chức như thế nào để thu hút đông đảo các thành phần cử tri tham gia và đóng góp nhiều ý kiến có giá trị hơn?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng (bìa phải), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và đại biểu Quốc hội Hồ Văn Năm (thứ 2 từ trái qua), Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, tiếp xúc cử tri huyện Xuân Lộc. |
Đó là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai rất quan tâm, tập trung nhiều giải pháp để thực hiện trong năm 2017.
Tránh là nơi khiếu nại - tố cáo
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh đề nghị các địa phương có biện pháp xử lý đơn thư khiếu nại - tố cáo, triển khai công tác tiếp dân một cách tích cực hơn nữa; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của địa phương trong giải quyết đơn thư khiếu nại - tố cáo, không để tình trạng khi tiếp xúc cử tri trở thành một buổi khiếu nại, tố cáo. Những trường hợp kéo dài phải đối thoại, chú ý cơ sở pháp lý trả lời cho người dân sao cho chặt chẽ. |
Qua các buổi tiếp xúc cử tri cho thấy dù đã thu hút đông đảo người dân tham gia nhưng thành phần cử tri chưa đa dạng, đa phần là cử tri lớn tuổi, hưu trí, công chức, viên chức… Nội dung cử tri kiến nghị chủ yếu xoay quanh những khiếu nại - tố cáo mang tính chất cá nhân, còn ít ý kiến đóng góp xây dựng các dự án luật cũng như các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước.
Theo đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hồ Văn Năm, qua các cuộc tiếp xúc cử tri nổi lên những bức xúc cá nhân là chính, liên quan nhiều đến giá đền bù, giải tỏa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp thời. Ngoài ra, hiện nay đơn thư khiếu nại - tố cáo đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp có xu hướng tăng, đặc biệt là án dân sự, hôn nhân gia đình, án kinh tế… thường để kéo dài. Muốn bảo vệ quyền lợi người dân, đòi hỏi Đoàn đại biểu Quốc hội phải tăng cường giám sát về cải cách tư pháp. Có thể tiến hành giám sát một vài đơn thư khiếu nại - tố cáo đối với các vụ án, đặc biệt là các đơn thư về các vụ án vu oan, các vụ án dân sự kéo dài. Có như vậy mới giảm được bức xúc trong nhân dân nói chung và cử tri nói riêng.
Ngoài ra, để cử tri hạn chế những khiếu nại - tố cáo mang tính chất cá nhân tại các cuộc tiếp xúc cử tri, một số ý kiến cho rằng cần nâng cao trách nhiệm giải quyết khiếu nại - tố cáo của UBND cấp huyện, cấp xã. Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn, có đến 90% bức xúc của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã. Do đó, khi cử người đi tiếp xúc cử tri theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phải cử người có trách nhiệm, nắm vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc để trả lời cho rõ. Trong thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND tỉnh cần tăng cường phối hợp với UBND tỉnh để hàng quý đều có buổi làm việc rà lại các vụ khiếu nại - tố cáo tồn đọng, kéo dài để xem xét có chỉ đạo xử lý rốt ráo.
Về vấn đề này, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống cho biết có những vụ khiếu nại - tố cáo của cử tri thuộc trách nhiệm của cơ sở. Nếu cơ sở đối thoại, giải quyết trước, bà con sẽ không còn kiến nghị nữa. Vừa rồi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị các huyện tổng hợp vấn đề nổi cộm, bức xúc chuyển lại cho đại biểu Quốc hội nắm trước, để khi tiếp xúc cố gắng phối hợp cùng với địa phương xử lý giải quyết. Cái nào cử tri không hiểu thì các đại biểu Quốc hội sẽ góp phần tuyên truyền giải thích pháp luật cho cử tri hiểu; cái nào không thuộc thẩm quyền của địa phương thì đại biểu sẽ tiếp nhận để chuyển các cơ quan thẩm quyền trả lời.
Đa dạng hình thức tiếp xúc cử tri
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng để đa dạng các thành phần cử tri tham dự các buổi tiếp xúc cử tri, như: công nhân lao động, các chức sắc tôn giáo, chủ doanh nghiệp… thì cần đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc cử tri, như: tiếp xúc cử tri chuyên ngành, linh động thời gian tiếp xúc cử tri ngoài giờ hành chính, kể cả thứ bảy, chủ nhật; thậm chí xuống tận cơ sở, tận nhà dân để ghi nhận, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Trần Thế Vinh kiến nghị, từ trước đến nay tiếp xúc cử tri thông thường sẽ mời dân đến hội trường để nghe ý kiến của người dân. Tuy nhiên, những ý kiến đa phần liên quan đến vấn đề cá nhân, trong phạm vi nhỏ. Do đó, cần đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri, có thể xuống tận nơi để gặp gỡ, đặt câu hỏi cho người dân hoặc những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các dự án luật, các chính sách kinh tế - xã hội sắp triển khai để trực tiếp khai thác thông tin, từ đó cập nhật luật, đổi mới chính sách sẽ phát huy được tính chủ động của đại biểu Quốc hội, lấy được thông tin từ người dân, từ thực tiễn nhiều hơn.
Nhất trí với những kiến nghị này, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh nhấn mạnh trong thời gian tới, hoạt động tiếp xúc cử tri phải được đổi mới. Ngoài tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp của Quốc hội, sẽ tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề, theo từng nhóm cử tri, xuống tận cơ sở để tiếp xúc cử tri nhằm nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nếu cần sẽ tổ chức tiếp xúc cử tri ngoài giờ hành chính. Lúc đó, mới nhận được nhiều ý kiến của nhiều đối tượng tham gia được, như: công chức, giáo viên, công nhân, người lao động sau giờ tan ca. Thậm chí có thể đi xuống tận khu nhà trọ của công nhân để gặp gỡ trao đổi, lắng nghe, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của công nhân, chủ nhà trọ, đó cũng là một cách tiếp xúc cử tri.
Đặng Ngọc