Báo Đồng Nai điện tử
En

Hòa hợp và hòa giải dân tộc ở Việt Nam: Kết quả không thể phủ nhận

10:01, 13/01/2017

Đã thành thông lệ và như một nét văn hóa, những năm gần đây cứ đến ngày "ông Công, ông Táo lên trời" 23 tháng Chạp hàng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đều tổ chức chương trình "Xuân quê hương" để những người con xa xứ trở về đoàn tụ.

Đã thành thông lệ và như một nét văn hóa, những năm gần đây cứ đến ngày “ông Công, ông Táo lên trời” 23 tháng Chạp hàng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đều tổ chức chương trình “Xuân quê hương” để những người con xa xứ trở về đoàn tụ.

Viết thư pháp tặng đại biểu tham dự chương trình họp mặt kiều bào Tết 2016. Ảnh: Lương Xuân Tuyến
Viết thư pháp tặng đại biểu tham dự chương trình họp mặt kiều bào Tết 2016. Ảnh: Lương Xuân Tuyến

Ra đi trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, thế nhưng chắc chắn trong lòng mỗi người Việt xa xứ đều mang nỗi nhớ tổ tiên, cội nguồn da diết. Có lẽ vì vậy mà những năm gần đây, cứ đến gần Tết Nguyên đán ở Sân bay Tân Sơn Nhất  lại bắt gặp cảnh nhộn nhịp, tay bắt mặt mừng của người về và người thân đi đón. Thế nhưng, trên các trang mạng xã hội xuất hiện những bài viết của một số người với tư tưởng hận thù gây chia rẽ dân tộc. Họ luôn luôn hằn học và rêu rao rằng hòa hợp và hòa giải ở Việt Nam là “hòa hợp kiểu giả cầy” (!?), nào là “hòa hợp, hòa giải là trò lừa bịp của cộng sản”…, đồng thời kêu gào phải dỡ bỏ độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản”.

Chỉ riêng việc muốn hòa hợp và hòa giải mà lại đòi đánh đổ Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng đã được Hiến pháp hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thì thử hỏi những người này hòa hợp với ai, hòa giải với ai?

Hòa hợp dân tộc -  chủ trương nhất quán của Đảng

 Ông Nguyễn Cao Kỳ từng khẳng định: “Một chính quyền độc đảng mang đến sự ổn định và kỷ luật thì cần thiết cho Việt Nam để ra khỏi sự nghèo khổ… Tôi cho rằng thật là sai lầm khi một số người, đặc biệt là số người Việt ở Mỹ ngày nay đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận và thực hiện một nền dân chủ họ đang hưởng ở Mỹ. Quan niệm của tôi là, đó là một sự sai lầm. Nền dân chủ đó không thích hợp với Việt Nam trong tình thế hiện nay”.

Hòa hợp, hòa giải dân tộc không phải là một sách lược mà là chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quan tâm và ban hành những chủ trương, chính sách nhằm thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc.

Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cũng nhấn mạnh: “Ðại đoàn kết toàn dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Phát biểu tại Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tại chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân quê hương 2015 - Tổ quốc vinh quang” năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi: “Đất nước ta đã không ngừng mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước trước đây từng là cựu thù của chúng ta. Vì vậy, không có lý do gì để còn bất kỳ ai trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn định kiến, mặc cảm về quá khứ mà cản trở sự củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam”.

Đại hội lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định các quan điểm, chủ trương về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”.

Gần đây nhất, ngày 12-11-2016, phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016 do Bộ Ngoại giao và UBND TP.Hồ Chí Minh đồng tổ chức với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP.Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài gắn kết với quê hương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đất nước luôn chào đón những người con của dân tộc trở về, đem theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng, nguồn lực để đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

Nhanh chóng đi vào cuộc sống

Cùng với những chủ trương, chính sách nhất quán về hòa hợp dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực để những chủ trương, chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống bằng những việc làm hết sức cụ thể và thiết thực. Ngay từ khi Nghị quyết 36 mới được ban hành, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và nhiều bộ, ngành, địa phương khác đã đề ra chương trình hành động để triển khai, khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống và tạo nên xung lực quan trọng trong việc gắn kết hoạt động của các cơ quan chức năng với công tác vận động kiều bào. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài (tháng 9-2007); Luật Quốc tịch sửa đổi tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có thể giữ quốc tịch Việt Nam trong khi mang quốc tịch nước khác (tháng 11-2008); Luật Sửa đổi Điều 121 Luật Đất đai và Điều 126 Luật Nhà ở mở rộng thêm đối tượng và quyền cho kiều bào được mua và sở hữu nhà ở trong nước (tháng 6-2009)…

Các hoạt động tập hợp, vận động, gắn kết kiều bào ở trong và ngoài nước ngày càng có nội dung phong phú và hình thức đa dạng hơn, như: tổ chức các đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm đất nước dịp Quốc khánh, lễ giỗ Tổ Hùng Vương, trại hè cho thanh niên, sinh viên kiều bào... Nổi bật trong thời gian gần đây là các chương trình: Xuân quê hương, người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển đảo, tổ chức đại lễ cầu siêu…

Người Việt Nam có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về hòa hợp và hòa giải ở Việt Nam, câu nói này càng chính xác hơn bao giờ hết. Có lẽ vì vậy mà khi sinh tiền, ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó tổng thống của chính quyền Sài Gòn, đã từng phát biểu: “Người ta nói trăm nghe không bằng một thấy nên tất nhiên về nước thì có dịp kiểm chứng lại mọi điều một cách cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn. Tôi rất mừng là đất nước đổi mới nhiều”. Ông Nguyễn Cao Kỳ cũng bộc bạch: “Tôi sẽ nói về sự tiến triển, không khí và tình hình của đất nước để cho họ thấy, từ đó thuyết phục những người chưa hiểu: đã đến lúc phải hòa hợp, hòa giải giữa anh em với nhau để xây dựng đất nước chứ ngoái cổ lại nhìn dĩ vãng rồi hận thù, chua chát, cay đắng thì đâu có được. Nhưng mà chắc chắn là không thể thuyết phục hết được vì vẫn còn một số người - một bộ phận rất nhỏ - cả đời chỉ nghĩ cho cá nhân họ thôi, nhiều khi họ phát nói năng lung tung, để ý làm gì. Tôi nghĩ chuyện chính vẫn là quyền lợi  đất nước. Thế thôi!”. Sau khi về quê hương, chứng kiến sự đổi thay của đất nước và những chủ trương, chính sách về hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Cao Kỳ đã phải công nhận rằng những người cộng sản Việt Nam hiện đang làm rất tốt và làm tốt hơn các ông.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã làm hết sức với tinh thần hòa hợp và hòa giải để mọi người dân Việt ở trong và ngoài nước cùng nhau “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Tất cả những kẻ chống lại xu thế tốt đẹp này chắc chắn sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát. Và, tất cả những luận điệu hằn học và chống đối này chỉ như những viên sỏi nhỏ ném vào biển nước bao la.

Viết Phước

Tin xem nhiều