Đó là anh Trương Đình Thống, Bí thư Chi đoàn ấp 3, xã Bình Lộc (TX.Long Khánh). Anh không chỉ được biết đến là điển hình về thanh niên làm kinh tế giỏi mà còn là nhà nông trẻ đam mê sáng kiến, chế tạo ra thiết bị phục vụ sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đó là anh Trương Đình Thống, Bí thư Chi đoàn ấp 3, xã Bình Lộc (TX.Long Khánh). Anh không chỉ được biết đến là điển hình về thanh niên làm kinh tế giỏi mà còn là nhà nông trẻ đam mê sáng kiến, chế tạo ra thiết bị phục vụ sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Trương Đình Thống, Bí thư Chi đoàn ấp 3, xã Bình Lộc (TX.Long Khánh) giới thiệu về bộ điều khiển tưới nước bằng điện thoại di động. |
Với những thành tích đã đạt được, ngày mai 27-11, anh Thống là một trong 2 đại biểu của Đồng Nai được trao tặng giải thưởng Lương Định Của - giải thưởng của Trung ương Đoàn trao tặng những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia các hoạt động xã hội...
Từ bỏ ước mơ...
Anh Nguyễn Minh Kiên, Bí thư Thị đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên TX.Long Khánh, cho biết anh Trương Đình Thống không chỉ là một thanh niên điển hình của thị xã về làm kinh tế giỏi, có nhiều sáng kiến trong cải tiến thiết bị phục vụ sản xuất mà anh còn là một bí thư chi đoàn nhiệt huyết. Theo kết quả đánh giá thi đua hàng năm, Chi đoàn ấp 3 đều được Đoàn xã Bình Lộc đánh giá là một trong những đơn vị xuất sắc. |
Sinh ra trên mảnh đất Long An, cuộc sống khó khăn nên 1 tuổi anh Trương Đình Thống đã theo cha mẹ lập nghiệp tại xã Bình Lộc, TX.Long Khánh và gắn bó với mảnh đất này tới nay.
Những ngày đầu, mới đến Đồng Nai lập nghiệp, cha mẹ phải đi làm thuê làm mướn nuôi 3 chị em Thống ăn học và tích cóp mua được 4 sào đất để trồng trọt và chăn nuôi. Anh Thống kể, hồi còn đi học anh luôn ấp ủ ước mơ lớn lên sẽ trở thành một kỹ sư chế tạo máy móc, nhưng đến học kỳ II năm học lớp 9, cha anh sức khỏe yếu, kinh tế gia đình khó khăn, không có tiền đóng học phí nên anh nghỉ học. Được thầy cô giáo động viên và hỗ trợ học phí, anh tiếp tục đến trường, nhưng cũng chỉ hết lớp 9 thì anh nghỉ học để vừa giảm gánh nặng tiền học hành cho cha mẹ vừa lao động phụ giúp gia đình.
16 tuổi, anh trở thành lao động chính trong gia đình. Từ đó đến nay, trăm ngày như một, ngày làm việc của anh thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi tối muộn. Ngoài nguồn thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày từ 4 sào rẫy của gia đình, lúc rảnh rỗi ai thuê gì anh cũng làm. Anh Thống chia sẻ đi làm thuê vừa giúp anh có thêm thu nhập vừa là cơ hội để anh học hỏi thêm kinh nghiệm trồng, chăm sóc các loại cây ăn trái từ các chủ rẫy nơi anh làm.
Nhờ chăm chỉ lao động, tích lũy vốn, kinh nghiệm đến nay gia đình anh đã mua thêm 6 sào ruộng rẫy trồng lúa, chôm chôm, bưởi, mít. Ngoài ra, anh còn thuê thêm một mẫu rẫy trồng ổi. Những năm gần đây người dân đua nhau trồng ổi, giá thành hạ, nên anh chuyển sang trồng sả và chuối. Tận dụng các loại lá cây, cỏ có sẵn trong rẫy, anh chăn nuôi khoảng 30 con dê. Từ mô hình trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm.
...trở thành nhà nông mê sáng kiến
Từ bỏ ước mơ trở thành kỹ sư, nhưng niềm đam mê sáng tạo trong anh vẫn luôn thôi thúc anh, nhất là từ khi nghỉ học anh có một khoảng thời gian đi phụ làm điện cơ, rồi làm nghề khoan giếng và biết thêm chút ít kiến thức về hàn điện.
Sản phẩm đầu tiên từ niềm đam mê sáng tạo của anh phải kể đến chính là bộ điều khiển tưới nước bằng điện thoại di động hoặc remote (bộ điều khiển từ xa). Anh Thống cho biết từ khi thuê thêm được rẫy trồng cây, ngày nào cũng phải chạy tới chạy lui tắt mở máy bơm mất thời gian nên anh mới có ý tưởng chế tạo ra thiết bị tắt mở máy bơm nước tự động. Thế nhưng, con đường hiện thực hóa ý tưởng của anh gặp khá nhiều gian nan. Do không có nhiều kiến thức, lại không chuyên nghiệp nên cứ suy nghĩ đến đâu anh làm đến đó, các mạch điện nhiều khi cứ hàn vào rồi lại tháo ra. Nhưng với sự đam mê, chịu khó mày mò nghiên cứu, anh cũng đã chế tạo thành công. Chỉ cần một chiếc điện thoại ‘’cùi bắp’’ có lắp sim nối với bộ điều khiển và mô tơ máy bơm nước. Chỉ cần dùng điện thoại khác gọi vào số điện thoại lắp trên chiếc điện thoại sẽ tác động vào bộ điều khiển, kích hoạt mô tơ vận hành máy bơm nước.
Tuy nhiên, nhận thấy khi có số điện thoại lạ gọi đến vẫn sẽ tác động vào mô tơ khiến máy bơm nước hoạt động nên anh Thống tiếp tục nghiên cứu nâng cấp và chỉ cho phép bộ điều khiển nhận số điện thoại đã cài sẵn. Với sáng kiến này, cộng với hệ thống ống nước bố trí sẵn trong vườn, chủ vườn có thể ở bất kỳ đâu vẫn bật, tắt máy bơm nước.
Thành công với bộ điều khiển tưới nước bằng điện thoại di động, anh tiếp tục thử nghiệm với ứng dụng remote vào điều khiển tắt, mở máy bơm nước. Với bộ điều khiển bằng remote, chỉ cần nhấn nút điều khiển là có thể tắt, mở máy bơm. Tuy nhiên, do phạm vi tầm sóng ngắn nên sử dụng remote để tắt, mở chỉ diễn ra ở khoảng cách nhất định.
Không dừng lại ở bộ điều khiển tưới nước bằng điện thoại di động, anh còn tự chế chiếc máy băm cỏ giúp vật nuôi ăn hết cỏ, máy đào lỗ trồng cây, lò sấy lúa bắp và hiện tại anh đang ấp ủ ý tưởng chế tạo chiếc máy trồng bắp và thu hoạch bắp tự động từ chiếc máy cày đã hỏng.
Sáng 27-11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn sẽ tổ chức lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XI -2016. Trong 85 thanh niên nông thôn xuất sắc được nhận giải thưởng Lương Định Của lần này, Đồng Nai có 2 thanh niên là anh Trương Đình Thống, Bí thư Chi đoàn ấp 3, xã Bình Lộc (TX.Long Khánh) với sáng kiến điều khiển hệ thống máy bơm nước bằng điện thoại di động và anh Lương Minh Lý, đoàn viên ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) với mô hình trồng trọt và chăn nuôi khép kín. |
Nga Sơn