Báo Đồng Nai điện tử
En

Chứng tích tội ác điển hình của Mỹ

10:11, 28/11/2016

Khám Tân Hiệp ở Biên Hòa (tức Trung tâm huấn chính Biên Hòa) là một trại giam lớn trong hệ thống hàng trăm nhà tù do Mỹ - chính quyền Sài Sòn lập nên ở miền Nam.

Khám Tân Hiệp ở Biên Hòa (tức Trung tâm huấn chính Biên Hòa) là một trại giam lớn trong hệ thống hàng trăm nhà tù do Mỹ - chính quyền Sài Sòn lập nên ở miền Nam.

Mặt trước của Đài tưởng niệm cuộc nổi dậy phá Nhà lao Tân Hiệp 2-12-1956.
Mặt trước của Đài tưởng niệm cuộc nổi dậy phá Nhà lao Tân Hiệp 2-12-1956.

[links()]Nơi đây, trong suốt 21 năm chiến tranh (1954-1975), đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã giam giữ hàng ngàn lượt chiến sĩ cách mạng và những nhà yêu nước của Việt Nam. Đây là nơi in đậm chứng tích tội ác của giặc Mỹ.

Từ một đồn nhỏ của phát xít Nhật

Khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp để độc chiếm Đông Dương ngày 10-3-1945, Nhật bắt đầu xây dựng một đồn nhỏ do một tiểu đội lính Nhật chốt đóng để bảo vệ chiếc cầu bắc qua rạch Đồng Tràm trên quốc lộ 1 (con đường huyết mạch từ miền Trung đến Biên Hòa và Sài Gòn, nay thuộc phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa).

Các chiến sĩ bị bắt tập trung tại Nhà lao Tân Hiệp.
Các chiến sĩ bị bắt tập trung tại Nhà lao Tân Hiệp.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ 2 và đến tháng 10-1945, chúng tái chiếm TX.Biên Hòa. Trên cơ sở đồn binh nhỏ của Nhật, giặc Pháp củng cố, mở rộng, đưa một trung đội lính lê dương đến trấn giữ, với nhiệm vụ bảo vệ tuyến quốc lộ 1 và Nhà thương điên Biên Hòa.

Đến năm 1954, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng, dựng lên chính quyền bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm. Một công cụ không thể thiếu đối với bộ máy phát xít của Mỹ - Diệm là hệ thống nhà tù, trại giam. Vì thế, giữa năm 1955, Nhà lao Tân Hiệp được ngụy quyền chính thức cải tạo, mở rộng thành một trong 6 nhà tù lớn ở miền Nam để giam giữ những chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước và phe phái chống đối chế độ Diệm.

Để che đậy bộ mặt phản động, tránh sự phản ứng, tố cáo của ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế, dư luận tiến bộ trong và ngoài nước, Mỹ - Diệm đã cải tên Khám Tân Hiệp thành tên rất mị dân “Trung tâm huấn chính Biên Hòa”. Chúng rêu rao việc thành lập trung tâm này với mục đích “cải tạo tư tưởng những người lầm đường lạc hướng, chống đối lại chính thể quốc gia”, đồng thời tuyên truyền chủ thuyết “đả thực, bài phong, diệt cộng”.

Toàn bộ nhà lao có 7 trại giam, trong đó: Trại A giam tù nhân các lực lượng giáo phái chống chính quyền Diệm và những phần tử dao động; Trại B, giam những tù nhân từ nơi khác chuyển đến, chờ phân loại để đưa đi trại khác; các trại D, E, G giam giữ chiến sĩ cách mạng, những đảng viên cộng sản trung kiên và đồng bào yêu nước. Tù nhân những trại này được bọn địch gọi là “cứng đầu”, do đó chúng quản lý rất chặt chẽ và đối xử khắc nghiệt hơn. Trong trại còn có trại ngoại khoa phụ nữ, giam giữ chị em tù chính trị.

Nhận thấy tính chất quan trọng của Nhà lao Tân Hiệp, Mỹ - Diệm rất quan tâm đến hệ thống bố phòng và cơ sở vật chất Nhà lao Tân Hiệp nhằm ngăn chặn tù nhân trốn trại.

Nắm được yếu tố trên, ngày 29-2-1956, Nguyễn Văn Lễ, Giám đốc Sở Nghiên cứu pháp chế Sài Gòn đã có phúc trình gửi Tòa đại biểu ngụy quyền ở Nam phần về việc cải tạo, nâng cấp Nhà lao Tân Hiệp. Hiện nay ở Trung tâm lưu trữ Trung ương II (TP.Hồ Chí Minh) còn lưu được tài liệu của Nguyễn Văn Lễ với nội dung: “... Tôi nhờ Tỉnh trưởng Biên Hòa cho làm liền những công việc sau: làm thêm một lớp hàng rào bằng dây chì gai phía ngoài (kiểu mái nhà), từ chân rào ra 3 thước. Đặt nhiều lựu đạn gài bẫy giữa 2 lớp hàng rào. Quấn dây chì gai chung quanh những trụ đèn bằng cây dựng gần hàng rào. Đặt một đường dây điện thoại từ trung tâm tới Bộ tham mưu sư đoàn dã chiến ở cách đó hơn 1 ngàn thước. Ngoài ra, Tỉnh trưởng Biên Hòa cho trung tâm mượn thêm vũ khí cần thiết. Thiếu tá Quyền sẽ can thiệp với Nha giám đốc bảo an Nam Việt để xin cấp thêm binh sĩ cảnh sát...Đuổi những nhà lá ngay trước cửa trung tâm, những nhà đó làm trở ngại sự canh gác...”.

Sau phúc trình của Nguyễn Văn Lễ, việc sửa sang Nhà lao Tân Hiệp được tiến hành khẩn trương, đến giữa năm 1956 cơ bản hoàn chỉnh. Toàn bộ khu vực được bao kín 2 lớp kẽm gai, với 9 tháp canh lớn, nhỏ. Mỗi tháp canh có 3 tên lính thường xuyên canh gác. Các tháp canh số 1, 5, 7 được trang bị súng trung liên, một loại vũ khí hiện đại lúc bấy giờ. Cạnh cổng ra, vào là đồn canh lớn và kho súng, có 1 tổ lính bảo an canh gác suốt đêm ngày.

Không thể giam được lòng yêu nước

Sự bố phòng, cơ sở vật chất của Nhà lao Tân Hiệp như vậy được coi là bất khả xâm phạm. Nhưng do bị tra tấn, giam cầm dã man, tù chính trị ngày đêm nung nấu ý định vượt ngục để trở về chiến đấu với đồng đội. Các tù chính trị đã bí mật hình thành các tổ chức Đảng trong nhà lao, rồi thành lập Đảng ủy nhà lao. Sau đó, Đảng ủy đã có kế hoạch vượt ngục. Kế hoạch đã định, ngày 2-12-1956, sau tiếng kẻng của tên lính gác, các tù chính trị đồng loạt xung phong đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của nhà lao. Dẫn đầu là gần 100 chiến sĩ tù cách mạng nhằm kho súng phía trước cổng nhà lao ào tới chiếm giữ. Tiếp theo, số tù chính trị khác chạy ra ngoài cổng như làn sóng lớn, xô đổ cả cổng sắt, tỏa về các hướng tìm cơ sở cách mạng.

Trong cuộc vượt ngục, 22 chiến sĩ cách mạng đã hy sinh, giải thoát gần 500 tù chính trị. Các tù chính trị đã trở về cùng đồng đội và nhân dân, tiếp tục hoạt động cách mạng đến ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng.

Sau cuộc vượt ngục của tù chính trị ngày 2-12-1956, địch tăng cường, củng cố các trại giam, tổ chức hệ thống bố phòng chặt chẽ hơn. Một loạt các tên ác ôn khét tiếng, chuyên tàn sát chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta được đưa về cai quản Nhà lao Tân Hiệp. Đồng thời, chúng lê máy chém đi khắp nơi, bắt bớ, giết hại tràn lan đồng bào ta. Từ đó, số tù nhân ở Tân Hiệp tăng lên chóng mặt. Ác nghiệt hơn, bọn địch còn để nhiều lu, hũ đựng phân, nước tiểu của tù nhân ngay trong các phòng giam. Mỗi khi đóng cửa trại, nhất là mùa khô, không khí ngột ngạt, hôi thối vô cùng.

Biện pháp thâm hiểm nhất của Mỹ - chính quyền Sài Gòn ở Nhà lao Tân Hiệp còn phải kể đến là thủ đoạn “tẩy não tư tưởng cộng sản”. Đối với tù chính trị, hủy diệt sinh mạng chính trị của tù nhân là mục đích hàng đầu của Mỹ - chính quyền Sài Gòn. Nếu không hủy diệt được sinh mạng chính trị của tù nhân thì chúng phải kết thúc điều tra, sau đó thủ tiêu hoặc kết án 15-20 năm tù khổ sai. Vì sợ công luận, chúng không đánh chết ngay và chết hàng loạt tù nhân mà hành xác tù chính trị chết dần chết mòn, chết từng phần cơ thể.

Hồi ký của các đồng chí Nguyễn Trọng Tâm, Võ Thế Đại, cán bộ hưu trí, tù chính trị Nhà lao Tân Hiệp và hồi ký của nhà văn Lý Văn Sâm có nêu: bên cạnh khủng bố, địch còn mua chuộc tù nhân, tìm mọi cách phân hóa, gây mâu thuẫn, nghi kỵ giữa các trại, các nhóm tù. Xung quanh nhà tù, chúng mở các hàng quán để cám dỗ vật chất; chúng sử dụng các mối dây liên hệ tình cảm gia đình qua thăm nuôi để lôi kéo tù chính trị chiêu hồi, chiêu hàng...

Sau Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn ngoan cố không thực hiện các điều khoản đã ký kết, tiếp tục đánh phá cách mạng, bắt bớ hàng ngàn đồng bào ta đưa về giam ở các nhà tù, trong đó có Nhà lao Tân Hiệp. Chúng không chịu trao trả tù chính trị mà còn đưa đi thủ tiêu. Sau đó, vu cho cách mạng giết tù chính trị.

Thậm chí trước ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, bọn cai ngục ác ôn ở Nhà lao Tân Hiệp còn ngoan cố thực hiện lệnh của chính quyền Sài Gòn, bí mật cài mìn ở tất cả các trại giam. Nhưng trước sức mạnh thần tốc của quân giải phóng, kết hợp cảnh giác của tù nhân, họ đã phá trại giam, vượt ngục trước khi địch thực hiện âm mưu nham hiểm, trở về cùng dân tộc trong ngày toàn thắng đất nước.

Bị giam giữ tại Nhà lao Tân Hiệp, người tù chỉ được lưng bát cơm nấu bằng gạo mục, gạo thối lẫn thóc, cát. Thức ăn là mắm thối, nhiều giòi bọ, không có rau xanh. Thiếu chất, người tù thường lén bứt cỏ, nhặt lá cây, bắt côn trùng ăn. Nước uống thì mỗi người 0,3 lít/ngày. Có lúc chúng còn cắt nước nhiều ngày để tù nhân kiệt sức. Khát nước, nhiều người phải uống nước tiểu. Do bị tra tấn dã man, chế độ lao tù khổ ải, hầu hết tù nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Dương Huy Đức

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều