Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh (năm 1972), lần đầu tiên trên chiến trường, Quân giải phóng miền Nam có xe tăng tham chiến.
Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh (năm 1972), lần đầu tiên trên chiến trường, Quân giải phóng miền Nam có xe tăng tham chiến.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thành (thứ 3 từ phải sang), nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên là Đại đội trưởng xe tăng số 10, Tiểu đoàn Tăng - thiết giáp 20 năm xưa, trong ngày gặp lại đồng đội cũ. |
Sự có mặt của Tiểu đoàn 20 Tăng - thiết giáp (Tiểu đoàn TTG20) của quân giải phóng lúc bấy giờ đã ghi một dấu ấn lịch sử, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc.
Vượt suối, băng rừng vào chiến trường
Ông Bùi Đình Khải, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn TTG20, cho biết Tiểu đoàn TTG20 (thuộc Trung đoàn 203, Bộ Tư lệnh Tăng - thiết giáp) thành lập ngày 10-10-1970 với 455 cán bộ, chiến sĩ; biên chế thành 3 đại đội: 6, 8 và 10 với 34 xe T54, 1 xe T59, 4 xe pháo tự hành 57ly, cùng các đại đội công binh và cao xạ.
Năm 1971, do yêu cầu của chiến trường, Tiểu đoàn TTG20 được lệnh hành quân vào Nam chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ. Sau khi tập kết tại Quảng Bình để làm công tác tổ chức, vào ngày 8-11-1971, đơn vị chia thành 2 đoàn vượt Trường Sơn vào Nam. Đoàn thứ nhất gồm 255 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Chính trị viên, Tiểu đoàn phó Hoàng Xuân Vang chỉ huy. Đoàn thứ 2 gồm 200 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Tiểu đoàn trưởng Ngô Xuân Nghiêm và Chính trị viên Lê Đình Hoán chỉ huy.
Đầu năm 1975, Tiểu đoàn TTG20 đã tham gia cùng với các đơn vị bạn trong chiến dịch giải phóng Phước Long, rồi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. |
Ông Khải kể, việc đưa cả đoàn quân với xe tăng hạng nặng và pháo cao xạ hành quân dưới tầm quan sát của ra đa và máy bay địch không dễ dàng, đó là chưa kể các chướng ngại khác trên đường với bao núi cao, vực thẳm, sông sâu nước chảy xiết. Từ Quảng Bình đến trạm tiếp nhận đầu cầu của B2 (chiến trường Đông Nam bộ) nằm trên tỉnh Stung Treng (Campuchia), đơn vị phải vượt qua 30 trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, qua 10 ngầm và phà thô sơ, trong đó có sông Sesan nước sâu và hung dữ. Nhưng điều đáng ngại nhất là trên đường hành quân, đơn vị bị máy bay địch phát hiện, tập trung ném bom, bắn dữ dội vào đội hình; chỉ huy đơn vị phải khẩn trương chỉ huy pháo cao xạ tự hành trong đội hình cùng các đơn vị pháo cao xạ của Đoàn 559 đánh trả bảo vệ, tạo điều kiện cho đơn vị tiếp tục hành quân đúng theo kế hoạch.
Sau hơn 100 ngày hành quân, vượt gần 2 ngàn cây số đường Trường Sơn, đến ngày 4-4-1971, cả hai đội hình của đơn vị đã hội quân đầy đủ tại vị trí tập kết cuối cùng tại một cánh rừng phía Bắc Lộc Ninh với 32 xe tăng T54, 4 xe pháo cao xạ tự hành, 4 xe sửa chữa và nhiều ô tô, khí tài quan trọng. Sự có mặt của Tiểu đoàn TTG20 trên chiến trường Nam bộ lúc bấy giờ đã ghi một dấu ấn lịch sử quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt lớn về sự phát triển lớn mạnh của lực lượng TTG nói riêng và trình độ tác chiến binh chủng hợp thành của lực lượng vũ trang quân giải phóng.
Góp phần giải phóng Lộc Ninh và miền Nam
Sau khi vào chiến trường, Tiểu đoàn TTG20 khẩn trương bảo dưỡng, củng cố vũ khí, khí tài xe máy; một bộ phận khác nhận lệnh cấp trên đi điều nghiên để chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên của đơn vị tại Chi khu quân sự Lộc Ninh, trận đánh then chốt, có ý nghĩa quyết định của Chiến dịch Nguyễn Huệ.
Ngày 31-3-1972, tiếng súng mở màn Chiến dịch Nguyễn Huệ bắt đầu, hướng tiến công chủ yếu là đường 13. Lực lượng tham chiến của ta, gồm: Sư đoàn 5, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9; Trung đoàn Pháo binh 75; Tiểu đoàn TTG20 có thêm pháo cao xạ tự hành. Từ ngày 1 đến 4-4-1972, Sư đoàn 5 đã nổ súng tiến công, vây lấn, tiêu diệt địch quanh vành đai phía Bắc Chi khu Lộc Ninh, buộc địch phải co cụm về căn cứ cố thủ. Trong cuộc tiến công này, quân ta đã diệt gọn Thiết đoàn kỵ binh số 1 của địch.
Chính thức đến 5 giờ 30 ngày 7-4-1972, Đại đội 10, Tiểu đoàn TTG20 bắt đầu xuất kích. Xe 953 do quyền Đại đội trưởng Nguyễn Thành Lê chỉ huy cùng các xe: 960, 952 và 958 đã dũng mãnh dẫn dắt bộ binh từ 2 mũi vượt qua cửa mở đánh mạnh vào 2 hướng Tây - Bắc và Tây - Nam chiến đoàn ngụy. Trận đánh diễn ra ác liệt, các xe tăng của ta phát huy ưu thế của pháo 100 ly, súng máy 12,7 ly, xích sắt và tiếng gầm rú uy hiếp, tiêu diệt kẻ thù. Đặc biệt, xe 960 đã vượt 12 lớp rào, húc sập tường nhà, tung hoành trên đường băng dùng hỏa lực và xích sắt càn quét, chà xát quân thù.
Trước sức tiến công vũ bão của xe tăng và bộ binh ta, quân địch lớp hoảng loạn tháo chạy, lớp co cụm vào trung tâm, lợi dụng công sự, hầm ngầm chống trả. Nhưng với sức mạnh của binh chủng hợp thành, quân ta thừa thắng tiến công. Đến 7 giờ ngày 7-4-1972, lá cờ của quân giải phóng đã tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy Chiến đoàn 9 ngụy, ta làm chủ hoàn toàn chi khu và thị trấn Lộc Ninh.
Trong trận này, Tiểu đoàn TTG 20 đã tiêu diệt 150 tên địch, phá hủy 15 công sự, đánh sập 15 căn nhà, bắn hỏng 4 khẩu pháo 105 ly, 2 khẩu DKZ, 30 súng chống tăng M72, 2 cối 82 ly, bắn rơi 1 máy bay C130, diệt 1 xe tăng M48 của địch.
Đặc biệt, trong các ngày 13, 15, 16, 18 và 20-4-1972, Tiểu đoàn TTG20 còn phối thuộc với các đơn vị bạn đánh địch và giành thắng lợi lớn ở Sân bay Bình Long, cao điểm 128, cao điểm 169, TX.An Lộc...
Đức Việt