Báo Đồng Nai điện tử
En

Chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn, bám sát thực tiễn

11:11, 16/11/2016

Trong 2 ngày 15 và 16-11, phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội liên tục "nóng" trước những giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Trong 2 ngày 15 và 16-11, phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội liên tục “nóng” trước những giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Toàn cảnh phiên chất vấn ngày 16-11.
Toàn cảnh phiên chất vấn ngày 16-11.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi bám sát thực tiễn và các nhóm vấn đề; các bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, nắm rõ tình hình.

* “Biển miền Trung đã an toàn”

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà. Đối với việc phục hồi hệ sinh thái, môi trường biển miền Trung cũng như khu vực lân cận, Bộ trưởng cho rằng cần thời gian và có sự hỗ trợ của con người.

Đối với việc đổi mới thi tuyển đại học, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải thực hiện theo Luật Giáo dục đại học, quy định quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học. Do đó, nếu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt, khách quan và có sự phân hóa học sinh, đại đa phần các trường đại học sẽ lấy kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh đại học. “Đầu vào” cũng chỉ là một phần, quan trọng là phải đổi mới giảng dạy và đổi mới chất lượng giáo dục đại học.

Về việc xử lý đối với những tập thể, cá nhân có liên quan đến việc Formosa xả thải gây ô nhiễm, Bộ trưởng thừa nhận Bộ có tiến hành thanh tra đối với Formosa, kết thúc vào tháng 9-2015 và đến tháng 1-2016 thì công bố kết luận cùng với các cơ sở thanh tra khác. Thời điểm này, đoàn thanh tra xác định Formosa đang trong quá trình thi công, xây dựng nên kết luận chưa phát hiện được những sai sót và “vấn đề” trong công nghệ. “Bộ đã thực hiện nghiêm túc, kiểm điểm ngay từ những ngày đầu với tập thể Ban cán sự giai đoạn 2010-2015 và đã trình lên cấp trên theo quy định về kiểm tra của Đảng, còn cấp dưới thì Ủy ban Kiểm tra đang phối hợp xem xét dấu hiệu vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. Khi có kết luận của cấp trên, chúng tôi sẽ công bố đầy đủ cho nhân dân được biết” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà hứa trước Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cả nước đã hoàn thành được 95% việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Tuy nhiên, 5% còn lại tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó khăn vì cơ chế chính sách thay đổi không theo kịp được, trong khi quy trình cấp có nhiều bất cập. Ngành sẽ tập trung hoàn thành, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm, đảm bảo lợi ích của người dân, đảm bảo công bằng, giảm bớt gánh nặng tố cáo; đồng thời tăng cường thanh tra, giải quyết thủ tục hành chính và xử nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, công khai cán bộ vi phạm.

* Thi trắc nghiệm là phương án phù hợp nhất

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận được nhiều chất vấn nhất với 59 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Rất thẳng thắn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận mục tiêu đã nêu trong đề án dạy và học ngoại ngữ đã đặt ra trước đây là không đạt được. Bộ đã rà soát để điều chỉnh lại cách tiếp cận và mục tiêu của đề án. Cụ thể, chương trình, nội dung phải thống nhất, biên tập, biên soạn theo hệ thống, trong đó có sự hỗ trợ của quốc tế, tránh tình trạng biên soạn theo năng lực các thầy cô; tập trung đào tạo năng lực giáo viên. Phương thức tổ chức giảng dạy được thực hiện theo phương châm là không nhất thiết phải có bằng cấp, mọi người đều có thể tham gia học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Đề án chỉnh sửa nhấn mạnh việc không chỉ tập trung đào tạo, giảng dạy cho sinh viên mà cần phải đào tạo toàn dân, thông qua việc “xóa mù tiếng Anh” để giao tiếp.

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) và đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) xung quanh dự án cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cho biết mặc dù dự án đã hoàn thành đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng do ý kiến của dư luận nên Bộ Tài nguyên - môi trường báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá lại ĐTM của dự án với dòng chảy của dòng sông. Hiện nay việc đánh giá lại đang được thực hiện, chưa hoàn thành do phải dựa trên yếu tố thực tế từng mùa khác nhau trong năm để làm cơ sở.

Để khắc phục tình trạng sinh viên ra trường thiếu việc làm, Bộ sẽ điều chỉnh mạng lưới các trường đại học; áp dụng chuẩn đảm bảo chất lượng trường và ngành những trường mới mở, hỗ trợ theo hướng thành phân hiệu hoặc thành trường thành viên của các trường đại học lớn. Mục tiêu hướng tới là quy hoạch lại mạng lưới, hình thành nhóm các loại trường chất lượng; tập trung giải pháp đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu của thị trường; phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp để có hình thức đào tạo bổ sung; đẩy mạnh phối hợp với Bộ Lao động - thương binh và xã hội trong triển khai khung hệ thống giáo dục công dân.

Trả lời câu hỏi về việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: năm 2016 có bước chuyển lớn là phương thức thi trắc nghiệm. Thi trắc nghiệm không ngược lại với chủ trương tích cực và năng động, phương pháp tổ chức thi từ thụ động sang phát huy năng lực. Với hàng triệu học sinh thi tốt nghiệp/năm, thi trắc nghiệm trong thời gian ngắn sẽ kiểm tra kiến thức toàn diện chứ không đi vào chuyên môn. “Không có phương án nào ưu việt tuyệt đối. Thi trắc nghiệm là phương án phù hợp nhất hiện nay, đã được thực hiện ở nhiều nước” - Bộ trưởng khẳng định.

Về giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và phân luồng giáo dục, Bộ trưởng cho rằng chất lượng giáo dục hiện chưa cao do chương trình đào tạo chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến khi sinh viên ra trường thiếu kỹ năng thực tế, trải nghiệm, không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin... Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở GD-ĐT khi xây dựng chương trình phải bám sát thực tiễn, hỏi ý kiến nhà tuyển dụng. Bộ sẽ rà soát, kiểm tra chặt chẽ nhằm đảm bảo đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Đối với lĩnh vực phân luồng giáo dục, tới đây Bộ chỉ đạo trong xây dựng chương trình sách giáo khoa mới cần coi trọng phân luồng, đặc biệt ở cấp THPT cần giáo dục hướng nghiệp rõ hơn.

* Sai phạm, nghỉ hưu cũng không “hạ cánh an toàn”

Trả lời chất vấn “bổ nhiệm người nhà thay vì bổ nhiệm người tài”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận thời gian vừa qua công tác thẩm định hồ sơ bổ nhiệm còn nhiều kẽ hở. Việc phân cấp xét tuyển có rất nhiều cấp xét, đúng quy trình, tiêu chuẩn nhưng khi bổ nhiệm thì cán bộ có sai phạm, không đáp ứng nhiệm vụ, thậm chí vi phạm pháp luật. Bộ trưởng cũng thừa nhận nhược điểm về công tác cán bộ, trong quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm và đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sửa 2 Nghị định 67 và 68, sửa quy trình theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ từng cấp, sai cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm, làm lại quy trình từ quy hoạch, luân chuyển đến bổ nhiệm cán bộ. Việc tuyển chọn cán bộ phải áp dụng rộng rãi, công khai, minh bạch, dân chủ, và đề nghị nên xem xét xử lý đối với những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc tham mưu không đúng tiêu chuẩn, điều kiện; đồng thời cũng phải đưa ra bộ máy, rút lại những quyết định bổ nhiệm không đúng theo tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình trong thời gian qua. “Để tránh việc tuyển dụng người nhà, tôi đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn nghiên cứu, tạo điều kiện để khuyến khích mọi người thi tuyển để đảm bảo minh bạch, hạn chế xét tuyển” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Về vấn đề Ban Bí thư có quyết định kỷ luật với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng điều này thể hiện quyết tâm chính trị rằng nếu có sai phạm thì có xử lý, không “hạ cánh an toàn”, qua đó cảnh báo cho những đồng chí đang tại chức khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải làm cho đúng, không phải nghỉ hưu là hết trách nhiệm với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định đây là vấn đề khó, bởi chưa có tiền lệ nên cần tạo hành lang pháp lý để sau này xử lý nếu có.

Nam Hà

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều