"Công tác tuyên truyền đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn thiếu đồng bộ, chưa đồng đều ở các đơn vị truyền thông và ở các lĩnh vực truyền thông khác nhau. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy mạnh truyên truyền về biển, đảo" - đó là nhận xét của ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin - truyền thông) với công tác tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam.
“Công tác tuyên truyền đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn thiếu đồng bộ, chưa đồng đều ở các đơn vị truyền thông và ở các lĩnh vực truyền thông khác nhau. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy mạnh truyên truyền về biển, đảo” - đó là nhận xét của ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin - truyền thông) với công tác tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam.
Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ký kết chương trình phối hợp hoạt động với các đơn vị của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020. |
Ông Đoàn Công Huynh nhấn mạnh: Việt Nam là một quốc gia biển với tỷ lệ một phần đất hơn ba phần biển. Biển đảo, thềm lục địa có vị trí chiến lược to lớn đối với quốc phòng an ninh và sự phát triển phồn vinh của đất nước. Nước ta có bờ biển dài trên 3.260km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia biển, các quốc đảo và lãnh thổ trên thế giới. Trong 63 tỉnh, thành của cả nước thì 28 tỉnh, thành có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Theo Công ước quốc tế về Luật Biển, nước ta có diện tích biển trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Vùng biển nước ta có trên 3 ngàn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đất nước giàu đẹp
Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm trên con đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Biển Việt Nam có tính đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên biển và tiềm năng phát triển các lĩnh vực kinh tế biển, đảo. Vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn, phù hợp của lãnh đạo đất nước ta trong điều kiện hiện nay. Do đó, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa khả năng quản lý, làm chủ vươn ra biển để làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển. Cần tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với an ninh quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tạo điều kiện phát triển môi trường đầu tư và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn sinh sống trên các vùng biển, đảo, nhất là các vùng biển xa.
Tuy nhiên, theo ông Huynh, trên thực tế nhận thức về vị trí kinh tế biển, đảo vẫn còn khiếm khuyết, bất cập so với yêu cầu. Công tác tuyên truyền đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn thiếu đồng bộ và chưa đồng đều ở các đơn vị truyền thông và ở các lĩnh vực truyền thông khác nhau.
Phát huy vai trò cán bộ thông tin cơ sở
Khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, cho rằng từ những tư liệu lịch sử, pháp lý rõ ràng cũng như căn cứ vào những nguyên tắc của luật pháp và tập quán quốc tế, có thể khẳng định rằng: từ lâu, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự và công khai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi mà các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Suốt trong mấy thế kỷ, ít nhất là từ thế kỷ XVII đến nay, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự và liên tục chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. PGS.TS Nguyễn Bá Diến nhấn mạnh: việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam qua các triều đại cho đến ngày nay là phù hợp với tập quán và pháp luật quốc tế . Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn luôn khẳng định và có đầy đủ các căn cứ khoa học, pháp lý để chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mọi âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền không thể bác bỏ của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm pháp luật quốc tế. |
Phân tích rất cụ thể những tiềm năng cũng như khó khăn trong phát triển kinh tế biển Việt Nam, PGS.TS Trần Đức Thạnh, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường biển (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) khẳng định: phải hết sức nỗ lực thì mới có thể đạt được chỉ tiêu đặt ra của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và giá dầu giảm rất sâu, đó là Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên vì biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Bàn về định hướng khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, PGS. TS Trần Đức Thạnh đặc biệt nhấn mạnh việc phải tăng cường thông tin, truyền thông về biển Việt Nam: “Công tác thông tin và truyền thông cần giúp cho người dân hiểu rõ những nội dung như: tiềm năng về biển và khả năng khai thác, sử dụng; những tác động tạo ra đối với tài nguyên và môi trường biển do các hoạt động kinh tế và dân sinh; trách nhiệm bảo vệ tài nguyên môi trường biển để phát triển bền vững; hướng dẫn khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng tránh tai biến trên biển. Đặc biệt, thông qua truyền thông, giáo dục lòng tự hào và tình yêu đối với biển đảo Việt Nam, giáo dục, tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm và ý thức cộng đồng để bảo vệ tài nguyên - môi trường, hướng tới phát triển bền vững vùng biển”.
Muốn đạt mục tiêu trên, vai trò của đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở rất quan trọng, bởi thông qua đội ngũ này có thể xây dựng các nội dung thông tin tuyên truyền một cách hiệu quả đến người dân trên cả nước, nâng cao hơn nữa nhận thức về cơ sở pháp lý, để qua đó nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Xuân Lộc