Gần 20 năm qua, hình ảnh ông Nguyễn Thế Công (67 tuổi, ngụ xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) cùng những người bạn của mình rong ruổi trên xe gắn máy đi trao quà cho hộ nghèo vào chủ nhật hàng tuần đã trở nên quen thuộc với người dân của huyện miền núi này.
Gần 20 năm qua, hình ảnh ông Nguyễn Thế Công (67 tuổi, ngụ xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) cùng những người bạn của mình rong ruổi trên xe gắn máy đi trao quà cho hộ nghèo vào chủ nhật hàng tuần đã trở nên quen thuộc với người dân của huyện miền núi này.
Ông Nguyễn Thế Công (giữa) cùng những người bạn trao quà cho đôi vợ chồng già có hoàn cảnh khó khăn tại xã Phú Bình, huyện Tân Phú. |
Những phần quà bao gồm: rau củ quả, gạo, dầu ăn và thịt... được ông Nguyễn Thế Công cùng bạn bè gửi đến đã góp phần giúp nhiều cảnh đời bất hạnh tiếp tục nuôi sống bản thân và người thân.
Nâng đỡ những cảnh đời bất hạnh
Vừa nhận được phần quà, bà Nguyễn Thị Vân (90 tuổi, ngụ xã Phú Thanh) vui mừng cho biết đây đã là năm thứ 7 gia đình bà được nhận thực phẩm từ ông Công và những người bạn. Số thực phẩm này đã góp phần nuôi sống gia đình nghèo với 3 người phụ nữ đều đã rất lớn tuổi, không đất sản xuất, không nghề nghiệp trong suốt nhiều năm qua. “Thực phẩm thì có thể nấu ăn từ 4-5 ngày, còn gạo thì chúng tôi có thể sử dụng hơn 10 ngày mới hết. Có tuần tôi được nhận thực phẩm đến 2 lần, đó là những lúc tôi bị bệnh, cần thịt để bồi bổ cho mau lại sức” - bà Vân cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thế Công chia sẻ: “Tôi mong sao ngày càng có nhiều người cùng làm việc thiện với mình để giúp cho những cảnh đời kém may mắn trong xã hội”. |
Cũng nhận thực phẩm từ ông Công nhiều năm qua là vợ chồng ông Nguyễn Đức Trung và bà Đinh Thị Thương (ngụ xã Phú Xuân). Cả 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định lại mắc nhiều bệnh. Thêm vào đó, một trong 3 người con của ông bà bị tật bẩm sinh không tự vận động được nên gia đình luôn túng thiếu. Thấy vậy, nhóm của ông Công đã đến trao thực phẩm và đôi khi là tiền mặt nhằm giúp đỡ hoàn cảnh kém may mắn này. Bà Đinh Thị Thương bày tỏ: “Vì hoàn cảnh nên gia đình không thể tự lo mà phải trông chờ vào sự giúp đỡ của mọi người để duy trì cuộc sống. May sao có những người tốt như ông Công cùng bà Dung, bà Lan, ông Tâm... là những người bạn trong nhóm của ông Công đã hỗ trợ chúng tôi không chỉ trong ăn uống mà còn giúp lo cho 2 con tôi đến trường”.
Đó chỉ là 2 trong số hàng chục hoàn cảnh kém may mắn được nhận sự hỗ trợ từ ông Công và những người bạn. Theo ông Nguyễn Thế Khương, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Phú Lâm, không chỉ lo việc ăn uống, giúp con em hộ khó khăn đến trường mà với những hoàn cảnh không may bị bệnh ung thư, nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối không người chăm sóc, ông Công và những người bạn vẫn chủ động tìm đến chăm sóc, tắm gội, thay quần áo cho từng người. Điều này khiến cho không chỉ người bệnh mà ngay cả bà con xung quanh khâm phục nghĩa cử cao đep này.
Lan tỏa trong cộng đồng
Điều đáng nói nhất mà Công và những người bạn của mình làm được không phải ở chỗ giúp được người nghèo trong cuộc sống, mà chính là đã tạo nên sự gắn kết giữa mọi người với nhau để cùng tham gia chia sẻ với hoàn cảnh kém may mắn trong cộng đồng.
Qua tìm hiểu tại chợ Phương Lâm, được biết nếu cách đây 20 năm ông Công phải đến vận động từng tiểu thương hỗ trợ vật chất cho người nghèo mà cũng chỉ có vài cá nhân sẵn sàng giúp sức, thì nay mọi chuyện đã khác. “Tận mắt thấy ông Công và những người bạn trong nhóm sau khi nhận được thực phẩm của tiểu thương đem chia thành từng phần để trao ngay cho người tàn tật, người già neo đơn... chúng tôi rất khâm phục. Từ đó không ai bảo ai, cứ hễ thấy ông Công ra chợ với cái sọt lớn buộc sau xe máy là hàng chục tiểu thương cùng bảo nhau đem bó rau, vài ký thịt heo, gạo... bỏ vào đó để ông Công chở về nhà rồi cùng những người bạn của mình đến trao cho hộ nghèo. Đó là cách mỗi tiểu thương nơi đây cùng làm việc tốt vì cộng đồng” - bà Nguyễn Thị Thùy, một tiểu thương bán tạp hóa tại chợ Phương Lâm, nói.
Nhưng đặc biệt hơn cả đó là việc ông Công luôn khuyến khích mọi người cùng tham gia vào nhóm của mình để làm việc thiện, dù trước đây trong số họ có nhiều người từng lầm lỗi. Như chia sẻ của ông Công với chúng tôi: “Khi có vài thanh niên xăm trổ đầy người hay trước đây nổi tiếng vì cờ bạc, đánh nhau mà nay đã từ bỏ tệ nạn xã hội đến nhà để giúp tôi chia quà, chở gạo, thực phẩm đến từng gia đình nghèo, thì có không ít người dị nghị là tôi không biết chọn lựa bạn bè. Nhưng với tôi, những ai biết từ bỏ cái xấu và có tấm lòng hướng thiện, biết chia sẻ cùng người khó khăn là tôi khuyến khích tham gia với mình”.
Khi đã thấy được sự đúng đắn trong làm việc vì cộng đồng cũng như thái độ không kỳ thị người từng lầm lỗi tham gia làm việc thiện cùng ông Công, ngày càng có nhiều nam nữ thanh niên, người lớn tuổi trong huyện tìm đến giúp sức. Bà Nguyễn Thị Dung (ngụ xã Phú Xuân), một trong những thành viên cùng làm từ thiện với ông Công nhiều năm qua, cho biết: “Tôi đã 70 tuổi rồi nên sức khỏe không còn tốt, nhưng nhìn ông Công làm việc thiện tôi cũng cố gắng góp sức cùng mọi người để chia quà và mang đến với người khó khăn”. Một thành viên khác là anh Trần Minh Tâm (ngụ xã Phú Xuân) thì cho biết thêm: “Tôi và mẹ cùng làm nghề đan chổi thuê để kiếm sống nên không có của dư da để trao quà cho người nghèo nhưng tôi có sức khỏe. Vậy là tôi chọn cho mình cách mang vác, chở quà đến với người khó khăn. Việc làm của tôi tuy nhỏ bé nhưng đó là cách tôi thể hiện tình thương với mọi người và trách nhiệm của thanh niên với cộng đồng”.
Văn Truyên