Bước vào hội nhập, ngành nông nghiệp và nông dân đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách. Theo đó, nông dân phải thay đổi từ tư duy để thực sự chuyên nghiệp từ khâu sản xuất đến tiếp cận thị trường.
Bước vào hội nhập, ngành nông nghiệp và nông dân đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách. Theo đó, nông dân phải thay đổi từ tư duy để thực sự chuyên nghiệp từ khâu sản xuất đến tiếp cận thị trường.
Dây chuyền công nghệ xử lý trứng tự động tại Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc). |
Nhạy cảm trước thay đổi về yêu cầu của thời hội nhập, rất nhiều nông dân Đồng Nai đã đi tiên phong trong ứng dụng kỹ thuật - công nghệ mới để làm ra những sản phẩm an toàn hoặc sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Với tư duy năng động, nhạy bén, không thiếu những ông chủ chân đất đã thành công khi bước vào lĩnh vực kinh doanh.
Làm nông nghiệp sạch
Quá tuổi lục tuần nhưng lão nông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh) vẫn cặm cụi tự chạy xe máy từ TX.Long Khánh đến TP.Biên Hòa tham gia những lớp học nghiệp vụ về kế toán, tin học; những khóa học về quản lý... Ông cũng luôn tích cực góp mặt trong những chương trình tập huấn về kỹ thuật sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ mới. Ông Tâm vui vẻ khoe: “Tôi đi tỉnh khác chơi, đến giờ tưới nước cho vườn cây ăn trái, tôi chỉ cần nhấn nút gọi điện thoại là hệ thống tưới trong vườn nhà tự hoạt động rồi tự tắt theo chương trình cài đặt sẵn. Vườn sầu riêng, chôm chôm rộng gần 2 hécta của gia đình tôi đều được lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động này. Quy trình sản xuất cũng được kiểm soát chặt chẽ về tỷ lệ phân, thuốc không chỉ cho sản phẩm trái cây sạch mà còn góp phần giảm rất nhiều chi phí đầu tư”. Nhờ có “đầu tàu” năng động này, rất nhiều xã viên của HTX đã đầu tư cải tạo vườn cây giống cũ, chuyển đổi sang giống sầu riêng hạt lép, chôm chôm Thái, nhãn có giá bán cao. Họ cũng ứng dụng quy trình tưới nước tiết kiệm tự động, thực hành sản xuất sạch. Ngoài việc duy trì mô hình sản xuất chôm chôm VietGAP, nhiều xã viên của HTX tiếp tục thực hành sản xuất sạch cho cây sầu riêng với mục tiêu góp phần xây dựng thương hiệu trái cây an toàn cho vùng trái cây đặc sản Long Khánh.
Cùng tâm huyết sản xuất những nông sản an toàn không chỉ được thị trường nội địa chấp nhận mà đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, từ nhiều năm qua ông Đặng Văn Thuận, Giám đốc HTX Đồng Thuận (huyện Tân Phú) đã bỏ rất nhiều tâm huyết làm dự án cánh đồng lúa sạch, chuối sạch cho thị trường xuất khẩu. Ông là gương tiên phong trồng cây chuối cấy mô theo chuẩn xuất khẩu tại địa phương và dần thu hút được rất nhiều xã viên quan tâm, ủng hộ. Với mục tiêu phát triển vùng chuyên canh chuối cấy mô xuất khẩu, HTX đã đặt nguồn giống chuối cấy mô từ công ty uy tín; tổ chức vườn ươm theo đúng quy chuẩn để cung cấp giống chất lượng cao cho các xã viên và bà con nông dân tại địa phương. HTX cũng là đầu mối thu hút doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tìm đầu ra cho sản phẩm và hiện đã ký được những đơn hàng xuất khẩu chuối tươi vào thị trường Hàn Quốc; bột chuối sấy khô vào thị trường Nhật Bản và gạo an toàn vào thị trường Đài Loan. Có đầu ra ổn định, HTX đang triển khai nhân rộng các dự án cánh đồng lớn cho cây chuối và cây lúa.
Sản xuất sạch đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu đang là vấn đề nóng thu hút nông dân ngày càng quan tâm. Hiện hàng chục xã viên của HTX nông nghiệp và dịch vụ - thương mại - du lịch Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) cũng đang hối hả vào vụ sản xuất theo quy trình chặt chẽ về kỹ thuật chăm bón, nhất là khâu bao trái xoài từ khi còn non để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Australia. Nông dân trồng tiêu tại huyện Cẩm Mỹ cũng tích cực tham gia vào dự án cánh đồng lớn cho cây tiêu, vì sản phẩm tiêu sạch hiện đang được DN bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường.
Những ông chủ chân đất
Không chỉ thay đổi về tư duy chuyên nghiệp trong sản xuất, nhiều nông dân cũng đã thành công với vai trò là chủ DN năng động trong kinh doanh. Với mục tiêu người tiêu dùng có thể vào chợ mua được thịt sạch với giá như thịt thường, từ nhiều năm trước ông Nguyễn Thanh Phi Long là gương tiên phong đầu tư hệ thống các trang trại chăn nuôi theo chuẩn VietGAP tại huyện Trảng Bom. Nông dân này còn bắt tay hợp tác với một số DN tại TP.Hồ Chí Minh đầu tư cơ sở giết mổ, tổ chức việc cung cấp thịt ra tận chợ đầu mối hoặc bán trực tiếp cho các bếp ăn tập thể của trường học, công ty... Thời gian qua, có những thời điểm giá gà công nghiệp rơi tự do, bán ra không được 20 ngàn đồng/kg. Hàng loạt trang trại nuôi gà công nghiệp ngưng chăn nuôi vì không cạnh tranh lại với gà nhập khẩu. Nhưng ông chủ DN chân đất này thì đang tính bài toán tăng đàn, mở rộng quy mô lò giết mổ để tăng sức cạnh tranh cho con gà “nội”. Theo ông Nguyễn Thanh Phi Long: “Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (huyện Trảng Bom) là đơn vị đầu tiên được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn về sản phẩm thịt gà tại thị trường TP.Hồ Chí Minh. Và nhờ uy tín về chất lượng thịt sạch, hiện rất nhiều DN lớn đang đặt vấn đề hợp tác với chúng tôi để đưa sản phẩm thịt gà VietGAP vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn...”.
Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) cũng là một trong số ít những DN tư nhân đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi với quy mô lớn tại Đồng Nai. Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty này, cũng bắt đầu khởi nghiệp từ chăn nuôi nông hộ. Nhưng đến nay, sản phẩm của đơn vị không chỉ vào được các hệ thống siêu thị lớn mà còn có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính là Nhật Bản. Ngày nay, ông Đức vẫn không ngừng học hỏi để tiếp cận những cái mới về công nghệ sản xuất cũng như tư duy làm kinh tế. Ông Đức thường đi nước ngoài để tìm chọn những công nghệ tiên tiến nhất ứng dụng vào sản xuất. Hàng ngày, ông vẫn trực tiếp quản lý hoạt động ở trang trại với quan niệm kiểm soát tốt và đảm bảo về chất lượng mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Bình Nguyên