Báo Đồng Nai điện tử
En

Củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

10:10, 10/10/2016

Trong các giai đoạn cách mạng trước đây cũng như hiện nay, Đảng ta luôn coi trọng và hết sức chăm lo tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong các giai đoạn cách mạng trước đây cũng như hiện nay, Đảng ta luôn coi trọng và hết sức chăm lo tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tiễn hơn 86 năm từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi bài học về đoàn kết là sức mạnh vô địch, truyền thống quý báu, một nhân tố đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng. Mới đây nhất, trong bài phát biểu tại hội nghị ngành dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tầm quan trọng của công tác dân vận: “Làm tốt công tác dân vận và liên hệ mật thiết với nhân dân là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng ta”.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn tặng quà chúc mừng Ni trưởng Thích nữ Huệ Hương, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai nhân Đại lễ Phật đản năm 2016.
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn tặng quà chúc mừng Ni trưởng Thích nữ Huệ Hương, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai nhân Đại lễ Phật đản năm 2016.

Trải qua 86 năm thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết không ngừng được xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh, đạt được những thành quả to lớn, thiết thực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lịch sử mới, với tính chất, phương thức lãnh đạo mới, mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân cũng có những đòi hỏi cao hơn và đứng trước những thử thách phức tạp đã được người đứng đầu Đảng ta chỉ ra, đó là: tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý và trong các tổ chức chuyên trách công tác vận động quần chúng. Không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng ý kiến của dân, không làm công tác vận động quần chúng, chỉ nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền có biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi xảy ra trong Đảng và trong các cơ quan Nhà nước làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Kẻ địch và các phần tử xấu đã và đang lợi dụng tình hình này để kích động hòng chia rẽ Đảng và quần chúng, mưu toan phá vỡ sự thống nhất giữa Đảng và nhân dân.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, hơn lúc nào hết, toàn Đảng cần tiếp tục kế thừa và phát huy xây dựng khối đại đoàn kết trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh bằng hành động cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

 Ở góc độ công tác dân vận, xin đề xuất một số vấn đề để tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay. Cụ thể là: các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trên cơ sở tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích của các thành viên trong xã hội; tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải cụ thể hóa việc đối thoại với nhân dân; nghiêm túc tiếp thu góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân; có cơ chế để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình; giải quyết những vấn đề nảy sinh để ý Đảng lòng dân gặp nhau, đặc biệt là làm tốt, làm nghiêm việc nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân; hướng về cơ sở, bám sát địa bàn dân cư; giải quyết kịp thời những lợi ích hợp pháp, chính đáng và thiết thực của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, phát huy tinh thần yêu nước tạo thành phong trào hành động cách mạng của toàn dân. Lấy hiệu quả về chính trị, kinh tế - xã hội làm thước đo đánh giá từng phong trào thi đua, các cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; phát huy dân chủ, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác dân vận; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác vận động quần chúng. Qua đó làm tốt công tác phát triển đảng viên, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng và ngoài xã hội, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, giám sát và phản biện xã hội, vận động nhân dân thực hiện quyền dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tăng cường công tác dân vận của chính quyền, lực lượng vũ trang nhằm xây dựng nội bộ đoàn kết, cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh; phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công nhân lao động; dân chủ trong kỷ luật, kỷ cương theo Hiến pháp và pháp luật; tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tập trung cải cách thủ tục hành chính; giáo dục ý thức phục vụ nhân dân theo phương châm “trọng dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi, gắn bó, đoàn kết với dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân, làm tốt công tác dân vận và dựa vào dân để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phong cách “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và thật sự là “công bộc của nhân dân”; mạnh dạn thay thế những cán bộ phẩm chất, năng lực yếu kém, không có uy tín, không đáp ứng được yêu cầu, không đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng.

 Theo Hồ Chủ tịch, khái niệm đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải được xây dựng, củng cố trên cơ sở vì mục đích cao cả “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Chỉ trên cơ sở đó, trong Đảng mới có sự thống nhất về ý chí và hành động để vượt qua mọi khó khăn trở ngại.

Phạm Thị Kim Chung

(Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy)

 

 

 

Tin xem nhiều