Ngày 31-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình dự án: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Thủy lợi.
Ngày 31-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình dự án: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Thủy lợi.
Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ nghỉ giải lao. |
Trong buổi thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhiều đại biểu đã đóng góp các ý kiến xác đáng về các dự án luật, nhất là về quyền được nổ súng của cảnh vệ.
Khai thác tài sản công phải đảm bảo tiết kiệm
Nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện luật thời gian vừa qua; đồng thời việc sửa đổi góp phần thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Bàn về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nhấn mạnh việc khai thác các nguồn lực tài chính từ tài sản công phải đảm bảo tiết kiệm, hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và các tổ chức cá nhân, góp phần vào thu ngân sách Nhà nước.
Nêu quan điểm tài sản công - đặc biệt là tài sản chỉ có trong quốc phòng và lực lượng vũ trang nhân dân, chỉ sử dụng trong chiến đấu, huấn luyện chiến đấu và nghiệp vụ quốc phòng của lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng việc quản lý tài sản này cũng cần phải đặc biệt. Điều 16 dự thảo luật giao cho Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thống nhất quản lý, theo đại biểu Bùi Quốc Phòng là khó khả thi. Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại vấn đề này để giao quyền cho phù hợp.
Về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang, tại mục 5 Chương 3, đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo luật trong một số trường hợp tài sản công có tính chất lưỡng dụng tại các đơn vị lực lượng vũ trang, vừa là tài sản phục vụ quốc phòng - an ninh, vừa có thể sử dụng cho các mục đích thông thường; đồng thời rà soát điều chỉnh tên gọi một số tài sản cho phù hợp với các luật liên quan quốc phòng - an ninh.
Cần bảo đảm quyền con người khi nổ súng không cần cảnh báo
Nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và cho rằng dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đang được thực hiện có hiệu quả; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình hiện nay và có bổ sung một số nội dung phát sinh từ thực tiễn. Tuy nhiên, một số đại biểu tỏ ra băn khoăn về quy định nổ súng và đề nghị luật chỉ quy định nguyên tắc nổ súng, còn các trường hợp nổ súng cụ thể cần được quy định trong các luật chuyên ngành để khắc phục sự thiếu định lượng trong các quy định về nổ súng.
Đại biểu Nguyễn Doãn Anh (Hà Nội) cho rằng: việc bổ sung quy định về quyền nổ súng không cần cảnh báo tại khoản 4 Điều 21 là chưa ổn khi đang thực hiện Hiến pháp năm 2013 với tinh thần đề cao quyền con người, quyền công dân, trong đó quyền sống là một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người. Vì thế, không thể xếp cùng với một nhóm các đối tượng thực hiện các hành vi khác nhau với mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau để cho phép người thi hành công vụ được quyền bắn thẳng vào đối tượng. Những đối tượng đang thực hiện khủng bố, bắt cóc con tin, giết người mà xếp cùng nhóm với buôn bán, vận chuyển ma túy là không phù hợp. Buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép mà không dùng vũ khí chống lại người thi hành công vụ, đe dọa giết con tin để tẩu thoát thì không thể cho phép người thi hành công vụ có quyền bắn không cần cảnh báo... Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý lại theo hướng thu hẹp các trường hợp giả định để có thể trao quyền đặc biệt “nổ súng không cần cảnh báo” cho người thi hành công vụ một cách tương xứng với hành vi của đối tượng gây nguy hại cho khách thể cần bảo vệ.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 1-11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. |
Hà Lam (tổng hợp)