Mỗi câu chuyện mà thí sinh đem đến hội thi kể chuyện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cấp tỉnh năm 2016 mới đây đều là người thật, việc thật với những việc làm cụ thể, có ích cho xã hội.
Mỗi câu chuyện mà thí sinh đem đến hội thi kể chuyện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp tỉnh năm 2016 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức mới đây đều là người thật, việc thật với những việc làm cụ thể, có ích cho xã hội.
Nhiều tiết mục dự thi được dàn dựng công phu, có cả nhân vật được kể cùng phụ họa cho phần thi của thí sinh. |
Mỗi câu chuyện kể để lại trong lòng người nghe về giá trị học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong suốt nhiều năm qua.
* Trách nhiệm với công việc
Đồng chí Đặng Mạnh Trung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết tới đây Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo Đài PT-TH Đồng Nai phát từng câu chuyện của các thí sinh trên sóng của đài để nhân rộng gương người tốt, việc tốt. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ in thành đĩa để cấp về các cơ sở, phục vụ tuyên truyền. |
Lúc đầu, phần dự thi của thí sinh Hồ Đức Chiến, Trợ lý chính trị Ban Chỉ huy quân sự TX.Long Khánh, chưa thu hút người nghe vì cách dẫn chuyện còn đơn điệu. Nhưng dần dần, mọi người bắt đầu chú ý về nhân vật anh kể - Thượng tá Đoàn Công Tâm, Trưởng ban Chính sách Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Thượng tá Đoàn Công Tâm từng làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Những năm tháng chiến đấu giúp nước bạn, Thượng tá Tâm đã chứng kiến nhiều cảnh tượng đồng chí, đồng đội bị thịt nát, xương tan, phải nằm lại ở chiến trường. Những người may mắn còn sống như anh luôn thôi thúc phải làm gì đó để vơi bớt đau thương, mất mát của chiến tranh. Nghĩ là làm, khi được giao nhiệm vụ về chính sách hậu phương quân đội, anh Tâm đã làm không biết mệt mỏi những công việc của mình. Hễ ở đâu nghe tin có đồng đội nằm xuống, anh lập tức tìm đến. Đến nay, Thượng tá Tâm đã tham mưu Ban Chỉ đạo 1237 của tỉnh, tổ chức hàng trăm đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, với phạm vi hàng trăm ngàn hécta khối đất, đá phải đào bới.
Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Tiên, giáo viên Trường mầm non Minh Khai (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú), thì kể về cô Hoàng Thị Linh Phương, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Minh Khai. Dù là lãnh đạo nhưng hàng ngày cô Linh Phương vẫn dành thời gian xuống lớp cho cháu ăn, thay tã lót cho cháu; dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh. Vào các dịp lễ, tết, cô đều tặng quần áo, bánh kẹo, sách vở cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; về nhà, chăm sóc và dạy dỗ các con học hành, chăm ngoan.
Khâm phục những việc làm của người lãnh đạo, Thanh Tiên dần dần cũng có “máu” thiện nguyện. Từ tháng 5-2015 đến nay, Thanh Tiên đã kêu gọi các tổ chức từ thiện ở TP.Hồ Chí Minh tặng 1 ngàn phần quà, khoan 2 giếng nước sạch cho làng dân tộc K’Ho ở ấp Lá Ủ, xã Phú Bình, huyện Tân Phú; xây 2 căn nhà cho người tâm thần trên địa bàn huyện...
* Học Bác từ những điều bình dị
Với giọng kể của một phát thanh viên, thí sinh Nguyễn Thanh Thảo, Đài Truyền thanh huyện Long Thành, lại lôi cuốn người nghe vào câu chuyện của Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Long Thành Phan Thị Cảnh. Trong quá trình làm công tác tuyên giáo, chị luôn nhớ lời dạy của Bác: cán bộ tuyên giáo phải nói và viết sao cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn và dễ đọc để cho người nghe, người đọc hiểu được, nhớ được và làm được. Chị Cảnh còn tích cực tham mưu cho cấp ủy địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, đến nay toàn huyện Long Thành đã xây dựng được 389 mô hình và hơn 900 tập thể, cá nhân được tuyên dương làm theo gương Bác. Ngay trong Ban Tuyên giáo Huyện ủy Long Thành, chị Cảnh đã phát động mô hình tiết kiệm kinh phí hoạt động từ 500 ngàn đến 1,5 triệu đồng/người/tháng để giúp đỡ đoàn viên Công đoàn cơ quan lúc gặp khó khăn; đồng thời nuôi heo đất gây quỹ học bổng cho con em công chức, viên chức cơ quan đạt danh hiệu “Học giỏi, sống tốt”.
Thí sinh Dương Nhật Minh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Nhơn Trạch, thì gây xúc động người nghe bằng câu chuyện về anh Nguyễn Thanh Liêm. Anh Liêm chỉ là thợ hớt tóc nhưng đã tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về lòng nhân ái, tình yêu thương con người. Một lần xem bộ phim tài liệu trên truyền hình nói về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Liêm đã xúc động trước sự hy sinh vì nước, vì dân và tình yêu bao la mà Bác dành cho nhân dân. Ngay sau đó, anh đã sáng tác bài thơ Khóc muộn tràn đầy sự kính trọng với Bác.
Cứ thế, anh Liêm tiếp tục mua sách báo, xem tivi, nghe các buổi sinh hoạt ở Hội Chữ thập đỏ xã Long Tân nói về Bác và anh đã làm theo gương Bác bằng cách riêng. Thông thường, ở các tiệm hớt tóc thường treo hình người mẫu, những mẫu tóc đẹp nhưng tiệm anh treo những câu nói ca ngợi về Bác, những lời hay ý đẹp mà anh tâm đắc nhằm nhắc nhở bản thân sống ý nghĩa hơn và những khách đến tiệm anh thêm yêu, kính trọng hơn công lao to lớn của Bác Hồ. Thí sinh Dương Nhật Minh rút ra bài học: “Làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là điều cao xa, chỉ cần sống đẹp, sống có ích cho đời là quý. Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình!”.
Phương Hằng