Báo Đồng Nai điện tử
En

Vững bước đi lên

10:08, 29/08/2016

Đồng Nai là tỉnh có tín đồ, chức sắc, chức việc, tu sĩ và cơ sở thờ tự tôn giáo nhiều nhất cả nước. Đồng bào các tôn giáo ở Đồng Nai chiếm 70% dân số toàn tỉnh...

Đồng Nai là tỉnh có tín đồ, chức sắc, chức việc, tu sĩ và cơ sở thờ tự tôn giáo nhiều nhất cả nước. Đồng bào các tôn giáo ở Đồng Nai chiếm 70% dân số toàn tỉnh, trong đó có gần 2 ngàn chức sắc, tu sĩ và hơn 21 ngàn chức việc.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường tiếp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đến chúc mừng Xuân Bính Thân 2016.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường tiếp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đến chúc mừng Xuân Bính Thân 2016.

Nhờ làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, tình hình tôn giáo ở Đồng Nai luôn ổn định, không có “điểm nóng” về tôn giáo. Các tôn giáo cơ bản tham gia tích cực phong trào thi đua ở địa phương, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

* Vững vàng từ buổi ban đầu

Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Quốc Vũ cho biết, sau ngày thống nhất đất nước, công tác tôn giáo ở Đồng Nai do Ban Dân vận Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý vấn đề về tôn giáo.

Trong buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai về mối quan hệ giữa Đảng với dân tháng 6-2016, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng nhận xét Đồng Nai là tỉnh đông đồng bào tôn giáo nhất cả nước nhưng đã tập hợp được đồng bào theo các tôn giáo, nhất là lực lượng cốt cán trong tôn giáo. Tỉnh luôn chăm lo, giải quyết tốt các quyền lợi chính đáng và lợi ích thiết thực cho chức sắc, đồng bào các tôn giáo. Qua đó, làm cho chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ các tôn giáo ngày càng củng cố thêm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần tích cực vào phát triển của tỉnh.

Đến Đại hội VI của Đảng và căn cứ Nghị định 85 của Hội đồng Bộ trưởng về thành lập Ban Tôn giáo Chính phủ và ban tôn giáo của UBND các cấp ở địa phương, ngày 30-8-1986, UBND tỉnh đã thành lập Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh. Năm 2001, trước yêu cầu công tác đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Đồng Nai trong tình hình mới, UBND tỉnh đã đổi tên Ban Tôn giáo chính quyền thành Ban Tôn giáo - dân tộc tỉnh và giao thêm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về vấn đề dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cho Ban Tôn giáo - dân tộc.

Đến năm 2008 UBND tỉnh lại quyết định tách riêng Ban Tôn giáo tỉnh, trực thuộc Sở Nội vụ; đồng thời giải thể phòng tôn giáo - dân tộc cấp huyện, chuyển chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo sang phòng nội vụ.

Việc chuyển, đổi, tách, nhập đôi lúc ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Song, vượt lên tất cả, qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể, với tên gọi hay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức khác nhau, các thế hệ cán bộ làm công tác tôn giáo ở Đồng Nai luôn yêu nghề, làm tốt vai trò tham mưu cấp ủy, chính quyền và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo.

Nhớ lại những ngày đầu khi Ban Tôn giáo tỉnh được thành lập, ông Lê Văn Triết, nguyên Phó trưởng ban Tôn giáo chính quyền tỉnh, kể lúc đầu ban chỉ có 4 người (1 trưởng ban kiêm nhiệm, 1 phó ban trực và 2 cán bộ). Nhiệm vụ công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo lúc này là từng bước thực hiện chức năng quản lý, điều chỉnh hoạt động tôn giáo diễn ra trong khuôn khổ pháp luật nhưng lực lượng lại rất mỏng, trong khi tình hình tôn giáo phức tạp, các thế lực thù địch chống phá mạnh mẽ.

Trong tình hình đó, Đồng Nai phải xin một số cán bộ ở miền Bắc đưa về tăng cường cho các huyện để làm công tác vận động quần chúng về tôn giáo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cứ thế, kiên trì làm, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo ở Đồng Nai dần dần đã đưa hoạt động tôn giáo vào khuôn khổ pháp luật. Các vấn đề lợi dụng tôn giáo được ngăn chặn kịp thời, từng bước củng cố, tạo dựng và xây dựng niềm tin của đồng bào có đạo vào chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đồng Nai là tỉnh đầu tiên thành lập được Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, thống nhất tổ chức của Phật giáo; tích cực đưa các chức sắc, tín đồ tôn giáo vào thành viên của Ủy ban MTTQ, tạo điều kiện cho hoạt động tôn giáo ngày càng tốt hơn.

Đồng Nai còn giải quyết được nhiều vụ việc lợi dụng tôn giáo để làm phức tạp tình hình. Điển hình như: những năm 1988, 1989 một số chức sắc, tu sĩ đã tạo dựng các vụ đòi lại đất đai, lôi kéo đông người tụ tập gây ách tắc giao thông ở quốc lộ 20, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) và ở quốc lộ 1, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc); năm 1994 nhóm “Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp” ở chùa Long Thọ (Long Khánh) đã ngăn cản không cho khai giảng năm học mới ở Trường THCS Hồ Thị Hương…

* Đi lên từ truyền thống

Truyền thống của lớp cán bộ đi trước đã tạo nền tảng, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho lớp cán bộ sau. Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Quốc Vũ chia sẻ, đồng bào tôn giáo ở Đồng Nai hiện nay gắn bó rất chặt chẽ với chính quyền. Chính quyền luôn tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Trung bình mỗi năm, tỉnh giải quyết hơn 400 lễ nghi tôn giáo ngoài chương trình đăng ký và 50 lễ hội tín ngưỡng. Hoạt động của các tôn giáo ngày càng được giáo hội tổ chức quy mô lớn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân nhưng cơ bản diễn ra thuần túy. Trong đó, có các sự kiện, như: đại lễ Phật đản hàng năm; 50 năm thành lập Giáo phận Xuân Lộc; lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm mục vụ Núi Cúi…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (thứ 6 từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (thứ 7 từ phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh thăm Tòa Giám mục Xuân Lộc nhân dịp Xuân Bính Thân 2016.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (thứ 6 từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (thứ 7 từ phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh thăm Tòa Giám mục Xuân Lộc nhân dịp Xuân Bính Thân 2016.

Đặc biệt, năm 2012 lần đầu tiên tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đăng cai tổ chức hội nghị toàn thể Liên hội đồng Giám mục Á châu (FABC) lần thứ X. Hội nghị có vị trí, ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần của chức sắc, tu sĩ, giáo dân Việt Nam và là bằng chứng sinh động thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào có đạo nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng.

Tâm sự về công việc của mình Phó trưởng phòng Phật giáo và các tôn giáo khác (Ban Tôn giáo tỉnh) Lê Thị Hoài nói: “Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo là công việc nhạy cảm, phức tạp. Để hoàn thành được công việc, cán bộ làm công tác tôn giáo phải có kiến thức, năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm thực tiễn. Trước mỗi vấn đề ngoài giải quyết đúng chủ trương, chính sách, pháp luật còn phải biết vận dụng linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp đặc điểm tình hình cụ thể từng việc. Qua 10 năm gắn bó với công tác tôn giáo, tôi đã yêu công việc này như một lẽ tự nhiên…”.

Phương Hằng

Tin xem nhiều