Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp phần tích cực vào sự phát triển

11:08, 31/08/2016

Thực hiện khẩu hiệu "Đoàn kết, phát huy trí tuệ, xây dựng Đồng Nai giàu mạnh, văn minh", từ 2010 -2015, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Đồng Nai (Liên hiệp Hội) đã gặt hái được nhiều kết quả đáng trân trọng từ việc phát triển hội viên đến tư vấn, phản biện, giám định xã hội.

Thực hiện khẩu hiệu “Đoàn kết, phát huy trí tuệ, xây dựng Đồng Nai giàu mạnh, văn minh”, từ 2010 -2015, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Đồng Nai (Liên hiệp Hội) đã gặt hái được nhiều kết quả đáng trân trọng từ việc phát triển hội viên đến tư vấn, phản biện, giám định xã hội.

Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Đồng Nai nhận Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2014 của Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Việt Nam.
Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Đồng Nai nhận Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2014 của Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Việt Nam.

TẬP HỢP ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC

TS.Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Liên hiệp Hội, cho biết từ 24 hội thành viên với gần 10 ngàn hội viên ở buổi ban đầu, đến nay Liên hiệp Hội đã tập hợp, phát triển thành 33 Hội thành viên với gần 12,7 ngàn hội viên cá nhân và 2 hội viên tập thể (Trường đại học Lạc Hồng và Trường cao đẳng y tế Đồng Nai). Trên hầu hết các lĩnh vực từ giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, nông nghiệp…, Liên hiệp Hội đều có các hội thành viên. Những Hội thành viên khi đi vào hoạt động đã phát huy được vai trò thiết thực trong nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức về khoa học - kỹ thuật, công nghệ tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên trong tỉnh.

Ông Mai Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nuôi ong, cho hay: “Hàng năm, người nuôi ong trong tỉnh thu lợi từ 100-200 triệu đồng/trại quy mô 250 đàn ong. Nghề nuôi ong đã giải quyết được việc làm cho người nông dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn”. Để nghề nuôi ong phát triển ổn định, những năm qua Hội Nuôi ong luôn là cầu nối để xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người nuôi ong và doanh nghiệp thông qua hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, các thành viên trong Hội cũng thường xuyên cập nhật thông tin về kinh tế, kỹ thuật, tiến bộ cho người nuôi ong. Không những thế, hàng năm Công ty cổ phần ong mật Đồng Nai còn hỗ trợ, đầu tư cho hơn 550 hội viên với số tiền hơn 16 tỷ đồng.

Những hội thành viên khác như Hội Tâm lý giáo dục cũng tiến hành thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến trẻ tự kỷ, bạo lực học đường, thành lập trung tâm trẻ tự kỷ ở TP.Biên Hòa nhằm giúp ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội chung tay giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống.

Thông qua những hoạt động do các hội thành viên tổ chức đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về khoa học của người dân. Mới đây, các giảng viên, sinh viên của Trường đại học Lạc Hồng đã đến huyện Vĩnh Cửu để tìm hiểu, nghiên cứu nhằm xây dựng chuỗi giá trị cho các loại hàng hóa, sản phẩm của địa phương.

TƯ VẤN, PHẢN BIỆN NHIỀU DỰ ÁN QUAN TRỌNG

Thời gian tới, nhằm đạt được hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phổ biến kiến thức khoa học tới đối tượng là học sinh, Liên hiệp Hội sẽ phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai để đưa học sinh vào rừng vừa học những kiến thức liên quan đến thiên nhiên, động vật, thực vật, vừa tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích. Trước đó, học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh đã tổ chức học tập theo hình thức này.

Nhận thức được vai trò quan trọng và sự cần thiết của hoạt động nghiên cứu, triển khai khoa học - công nghệ trong sản xuất và đời sống, nhiệm kỳ qua Liên hiệp Hội đã thành lập Hội đồng Khoa học - công nghệ. Năm 2012, Liên hiệp Hội đã đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận cho thực hiện việc nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở theo cơ chế 50/50 (tỉnh cấp kinh phí 50%, các hội thành viên thực hiện đề tài chi 50% kinh phí còn lại). Điều này đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để các Hội thành viên phát huy hết năng lực, tiềm năng sẵn có trong công tác nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai, tổ chức các giải thưởng, hội thi liên quan đến khoa học - công nghệ từ Trung ương đến địa phương, Liên hiệp Hội đã tập hợp, là cầu nối phát hiện, nhân rộng nhiều cá nhân, điển hình xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học như ThS.Phạm Văn Toản, giảng viên Trần Văn Thành (Khoa Cơ điện Trường đại học Lạc Hồng); nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh; những học sinh ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh đam mê nghiên cứu khoa học…

Liên hiệp Hội đã thực hiện tư vấn, phản biện 6 dự án do UBND tỉnh giao, đảm bảo kịp thời gian, chất lượng gồm: phản biện dự án Trạm bơm ấp 7, xã Phú Tân, huyện Định Quán; phản biện xã hội báo cáo tổng hợp “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”; phản biện xã hội dự án nạo vét suối Săn Máu; dự án hệ thống quản lý tòa nhà BMS của Trung tâm kỹ thuật và phát thanh truyền hình Đồng Nai; báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.Biên Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025. Ngoài ra, Liên hiệp Hội còn tham gia góp ý quy hoạch dự án Sân bay Long Thành, kế hoạch xây dựng đề án tái định cư, giải quyết công ăn việc làm, tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc diện di dời, giải tỏa để thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Tôi ấn tượng nhất với dự án nạo vét suối Săn Máu, bởi đây là một trong những dự án thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân ở khu vực này. Khi được tỉnh hỏi nên làm cống hộp hay cống hở, hội đồng của Liên hiệp Hội đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất nên làm cống hở, vì nếu làm cống hộp kín sẽ dễ gây ra ách tắc dòng chảy nếu người dân vứt rác xuống suối. Khi đó, việc xử lý rác thải với cống hộp gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, làm cống hở cũng giúp tỉnh tiết kiệm được nhiều kinh phí hơn làm cống hộp” - TS.Nguyễn Thị Thu Lan chia sẻ.

Mới đây, Liên hiệp Hội Đồng Nai đã ký kết với Liên hiệp Hội TP.Hồ Chí Minh để giúp Đồng Nai xây dựng đội ngũ “ngân hàng chuyên gia” để khi Đồng Nai “cần là có”. Không chỉ dừng lại ở công tác tư vấn, phản biện, thời gian tới Liên hiệp Hội còn hướng tới cung cấp cho tỉnh những thông tin khoa học trên cơ sở thực tế nghiên cứu, đời sống; tham gia tích cực vào công tác giám định xã hội, tức là sau khi tư vấn, phản biện, Hội sẽ theo sát việc thực hiện dự án, từ đó góp sức để tỉnh đưa ra những quyết sách hợp lý.

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều