Báo Đồng Nai điện tử
En

Tấm lòng tốt của nhà sư

07:06, 02/06/2016

Con đường dẫn vào chùa Phước Huệ khá hẹp, nằm ẩn sâu trong đường Nguyễn Văn Hoa (KP.1, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhưng ở đây lại có một tấm lòng rất rộng, luôn sẵn sàng chở che cho những ai cần giúp đỡ của vị sư trụ trì Thích Giác Văn.

Con đường dẫn vào chùa Phước Huệ khá hẹp, nằm ẩn sâu trong đường Nguyễn Văn Hoa (KP.1, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhưng ở đây lại có một tấm lòng rất rộng, luôn sẵn sàng chở che cho những ai cần giúp đỡ của vị sư trụ trì Thích Giác Văn.

* Phát huy truyền thống gia đình

Thượng tọa Thích Giác Văn kể cha của ông là cán bộ Việt Minh thời kỳ kháng chiến chống Pháp từng bị giặc bắt, tra tấn đến mù cả 2 mắt. Thượng tọa Thích Giác Văn còn là cháu họ của liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa và Thủ Biên xưa.

Mỗi khi có ai cần giúp đỡ, thượng tọa Thích Giác Văn đều sẵn lòng.
Mỗi khi có ai cần giúp đỡ, thượng tọa Thích Giác Văn đều sẵn lòng.

Nối tiếp truyền thống gia đình, các anh em của thượng tọa Thích Giác Văn đều tham gia cách mạng từ nhỏ. Ông có 3 người anh đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Riêng người anh thứ 6 là Đội trưởng du kích xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Có lần giặc Mỹ đến vùng Thiện Tân để truy lùng, bắt giết các chiến sĩ hoạt động cách mạng, dân làng phải di tản lên chiến khu, còn lại anh của ông vẫn kiên quyết bám trụ cơ sở, tìm cách phục kích tiêu diệt nhiều tên giặc chỉ trong một đêm năm 1962.

Khi chưa đi tu, thượng tọa Thích Giác Văn đã là một chiến sĩ giao liên, chuyên nắm tình hình địch ở vùng Mỹ Quới huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và ở vùng Thiện Tân, Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Mỗi khi biết giặc đổ quân xuống đâu, chuẩn bị đánh chiếm vùng nào, người giao liên Lê Văn Hành (sư Thích Giác Văn) tức tốc báo ngay cho tổ chức để có kế hoạch ứng phó địch… Ghi nhận công lao đóng góp của thượng tọa Thích Giác Văn cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc, năm 2015 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng bằng khen Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông.

* Cứu nhân, độ thế

48 năm tu hành theo chân lý nhà Phật, lúc nào thượng tọa Thích Giác Văn cũng hướng về Tổ quốc. Mỗi tối sư đều cầu nguyện đất nước bình an, nhân dân được sống trong hòa bình. Vào các ngày lễ hội, giảng thuyết pháp, sư cũng đều dành thời gian nói về trách nhiệm của người dân không bao giờ được quay lưng với Tổ quốc, với dân tộc. Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, sư đã làm nhiều bài thơ, nhắc nhở mọi người tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không nghe kẻ xấu kích động. Đối với những thanh niên có tư tưởng trốn tránh nghĩa vụ quân sự, sư vận động cha, mẹ họ cho con em đi bộ đội để được giáo dục, rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân đội, trở thành người có ích cho xã hội.

Bên cạnh việc thực hiện công tác Phật sự, thượng tọa Thích Giác Văn còn là đại biểu HĐND phường Thống Nhất, nhiệm kỳ 2011-2016 và tham gia công tác đoàn thể địa phương. Những việc làm của ông góp phần tích cực vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm của địa phương và thành phố. Từ năm 2011-2015, ông đã được phường và UBND TP.Biên Hòa tặng 17 giấy khen vì có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Thượng tọa Thích Giác Văn còn được biết đến như một ân nhân cho bao đối tượng lầm lỗi, nghèo khổ vươn lên trong cuộc sống. Điển hình là trường hợp Lý Văn Hồng (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) vốn là tướng cướp có tiếng, cầm đầu băng nhóm từ Biên Hòa đến TX. Long Khánh, sang tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên anh Hồng hay lui tới chùa nghe giảng thuyết pháp. Biết chuyện, sư Thích Giác Văn quyết tâm hướng thiện cho anh Hồng. Nói vậy, không phải ngày một, ngày hai là được. Những lần đầu cứ nhìn thấy sư Thích Giác Văn đi về hướng mình, anh Hồng trốn ngay. Sư Thích Giác Văn tìm cách khác, tiếp cận từ sau lưng, khiến anh không “trốn” kịp. Khi tiếp cận được rồi, sư không đề cập ngay chuyện cướp mà hỏi thăm gia đình, nhà cửa, quê quán... Vài lần sau, thấy anh đã cởi mở, sư mới đi thẳng vấn đề, khuyên anh hoàn lương, đầu thú. Bây giờ anh Hồng đã sống lương thiện.

Những năm qua, thượng tọa Thích Giác Văn còn phối hợp các đoàn thể địa phương, tổ chức khám bệnh, tặng quà, trao học bổng cho nhân dân trong và ngoài tỉnh với tổng trị giá 1,6 tỷ đồng. Hiện tại, hàng tháng chùa còn hỗ trợ gạo, tiền cho một số trường hợp khó khăn.

Thượng tọa Thích Giác Văn bày tỏ, đó là truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương; là giáo lý của nhà Phật; là tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Lúc nào ông cũng tâm niệm bản thân và hướng phật tử “sống sao cho trọn kiếp người, danh thơm tiếng tốt muôn đời ngàn sao. Sống phải ích đạo, đẹp đời”.

Phương Hằng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều