Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề cao ý thức cư dân đô thị

10:06, 06/06/2016

Một trong những nhiệm vụ được Thành ủy Biên Hòa tập trung chỉ đạo thực hiện lúc này là làm sao để Biên Hòa thực sự xứng tầm đô thị loại I.

Một trong những nhiệm vụ được Thành ủy Biên Hòa tập trung chỉ đạo thực hiện lúc này là làm sao để Biên Hòa thực sự xứng tầm đô thị loại I.

Để xứng tầm đô thị loại I, có nhiều việc đang đặt ra cho Biên Hòa. Song, cái có thể làm được ngay là mỗi người cần ý thức hơn  trong xây dựng môi trường sống đô thị sạch hơn, đẹp hơn.

* Tự giác là quan trọng

Dù đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Biên Hòa là đô thị loại I vào cuối năm 2015 nhưng vấn đề nan giải nhất của Biên Hòa hiện nay là chưa xử lý được dứt điểm tình trạng chăn nuôi heo trong khu dân cư. Mặc dù thành phố đã có nhiều giải pháp như cắt điện, nước đối với những hộ không được phép chăn nuôi, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ có thêm hơn 30/287 hộ ngừng chăn nuôi heo.

Trận mưa đầu mùa năm 2016 đã gây ngập lụt, xói mòn một số tuyến đường ở Biên Hòa. Để giúp người đi đường tránh đi vào những chỗ bị hư hỏng, sụt lún, người dân phường Tân Hiệp đã đem những dụng cụ gia đình ra đường để che chắn, cảnh báo, không đi vào chỗ nguy hiểm.
Trận mưa đầu mùa năm 2016 đã gây ngập lụt, xói mòn một số tuyến đường ở Biên Hòa. Để giúp người đi đường tránh đi vào những chỗ bị hư hỏng, sụt lún, người dân phường Tân Hiệp đã đem những dụng cụ gia đình ra đường để che chắn, cảnh báo, không đi vào chỗ nguy hiểm.

Bí thư Thành ủy Biên Hòa Lê Văn Dành cho biết: “Tôi đã đi kiểm tra một số nơi còn chăn nuôi heo trong khu dân cư. Ruồi nhặng, mùi hôi thối từ phân heo phát tán khắp nơi, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường sống của nhân dân xung quanh. Chính người dân đang sống cạnh những hộ chăn nuôi heo cũng không đồng tình việc chăn nuôi heo trong khu dân cư, họ rất ủng hộ chủ trương ngưng chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố. Vì thế, đến hết tháng 6-2016, nếu phường, xã nào không xử lý cơ bản việc ngưng chăn nuôi heo trong khu dân cư thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ”. Bí thư Thành ủy Biên Hòa yêu cầu các phường, xã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là chính, xử lý chỉ là biện pháp cuối cùng khi người dân không tự giác chấp hành chủ trương. Đồng thời, các phường, xã có trách nhiệm hỗ trợ các hộ chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh khi có nhu cầu.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết rất cần có những buổi tập huấn kỹ năng công dân đô thị. Người dân ở đô thị phải có ý thức, cách ứng xử theo kiểu đô thị, cùng quyết tâm, cộng đồng trách nhiệm để xây dựng thành phố tốt hơn.

Vấn đề khác mà Biên Hòa cũng đang phải đối mặt là công tác quản lý đô thị còn nhiều hạn chế. Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Doãn Văn Đồng thông tin tình trạng xây dựng không phép vẫn diễn ra ở một số nơi, nhất là sau khi có dự án sân bay quốc tế Long Thành, nhiều người đã đi trước nhằm đón “gió” sân bay, dẫn đến việc mua bán đất đai, xây dựng không phép ở các xã: Tam Phước, Phước Tân rất phức tạp. Thành phố đã có chủ trương, chủ tịch UBND phường, xã nào để xảy ra xây dựng trái phép mà không giải quyết thì phải kiểm điểm trước Chủ tịch UBND thành phố. Song, thời gian qua chưa có chủ tịch UBND phường, xã nào bị kiểm điểm.

Cũng theo ông Doãn Văn Đồng, Biên Hòa là một trong 20 đô thị toàn quốc được xếp loại xanh - sạch - đẹp, nhưng nhiều tuyến đường không còn vỉa hè cho người đi bộ. Vỉa hè đã bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, để xe của các nhà hàng. Tình trạng rác thải, nước thải đổ ra đường, sông, suối, cống rãnh cũng khá phổ biến. Khi mưa lớn, ngập úng, người dân kêu trời, đổ cho hệ thống thoát nước của thành phố không đảm bảo nhưng trong tình trạng ngập úng cũng có phần lỗi từ ý thức người dân.

* Biện pháp cuối cùng là phạt

Trưởng phòng Quản lý đô thị Biên Hòa Doãn Văn Đồng đề nghị: để thành phố đẹp hơn,  khi cấp phép kinh doanh, cơ quan chức năng phải xem nơi đó có chỗ để xe cho khách hàng không, bởi vỉa hè dành cho người đi bộ, không phải nơi dành cho người kinh doanh, buôn bán. Thành phố cũng đang có kế hoạch xây dựng tuyến phố đi bộ ở đường Nguyễn Văn Trị; ngầm hóa một số tuyến cáp điện, nước; mắc đèn chiếu sáng từ cầu Hóa An đến UBND tỉnh... Muốn xây dựng các dự án này, cần nguồn vốn rất lớn, trong khi ngân sách có hạn. Nhưng, cái có thể làm được ngay, không cần đến vốn mà vẫn cải thiện được bộ mặt đô thị là ý thức con người.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Biên Hòa Nguyễn Văn Thảnh thì đưa ra thực trạng, thời gian qua các tổ chức đoàn thể của thành phố và các xã, phường đã thực hiện phong trào “Ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp”. Nhưng việc tham gia phong trào này mới chỉ có cán bộ, lãnh đạo khu phố tham gia, chưa có sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Ở các cơ quan, đơn vị đã lắp camera để giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, nên chăng lắp cả camera ở khu dân cư và các sông, suối để theo dõi, người nào vứt rác không đúng nơi quy định phải xử lý nghiêm. “Các cấp, ngành đã tích cực vận động, tuyên truyền mà ý thức người dân vẫn không chuyển biến thì phải phạt” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Biên Hòa nhấn mạnh.

Phương Hằng

 

 

 

 

Tin xem nhiều