Công việc thu án phí cho ngân sách Nhà nước theo quyết định của tòa án dù chỉ 100-200 ngàn đồng nhưng với chấp hành viên Phún Nhục Hà của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Cẩm Mỹ, đó không chỉ là trách nhiệm pháp lý của đương sự (trong các vụ việc dân sự, hành chính), bị cáo (trong các vụ án hình sự) phải thực thi, mà còn là trách nhiệm của người chấp hành viên được đơn vị giao nhiệm vụ.
Công việc thu án phí cho ngân sách Nhà nước theo quyết định của tòa án dù chỉ 100-200 ngàn đồng nhưng với chấp hành viên Phún Nhục Hà của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Cẩm Mỹ, đó không chỉ là trách nhiệm pháp lý của đương sự (trong các vụ việc dân sự, hành chính), bị cáo (trong các vụ án hình sự) phải thực thi, mà còn là trách nhiệm của người chấp hành viên được đơn vị giao nhiệm vụ.
* Cơ duyên với nghề
Là con gái thứ 7 trong một gia đình người Hoa ở huyện Cẩm Mỹ, chị Phún Nhục Hà là người con duy nhất trong nhà được cha mẹ lo cho ăn học đến nơi đến chốn. Năm 2004, chị tốt nghiệp Trường đại học luật TP.Hồ Chí Minh, rồi xin việc tại Chi cục THADS huyện Cẩm Mỹ.
Chấp hành viên Phún Nhục Hà luôn có trách nhiệm với công việc. |
Chị Hà tâm sự, cha mẹ và các anh, chị muốn chị học cao để có công việc ổn định, không phải làm nông khổ cực. Sau khi ra trường, được một người bạn học báo tin Chi cục THADS huyện cần tuyển người, chị nộp hồ sơ dự tuyển và được nhận vào thử việc ngay. Hết thời gian thử việc, chị được ký hợp đồng chính thức và đến năm 2011 thì được bổ nhiệm làm chấp hành viên.
Chị Hà cho hay, gia đình và bạn bè ai cũng chúc mừng chị. Riêng chị cho rằng, đó là cái duyên gắn bó với nghề nên chị đã không ngừng phấn đấu, học tập các đồng nghiệp đi trước.
Nhiệm vụ của chị Hà được đơn vị giao là thu án phí nộp ngân sách Nhà nước theo các bản án, quyết định của tòa. Đây là lĩnh vực khá phức tạp vì đương sự thường là người phải chấp hành hình phạt tù; không có tài sản; không sinh sống tại địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt tù; hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế…
Để làm tốt công việc, chị Hà không ngại lặn lội xuống tận nhà đương sự thuyết phục, vận động họ nộp án phí. Xuống một lần không gặp, chị kiên trì đeo bám đến khi nào đương sự nộp án phí mới thôi. Cho nên, chị được các đồng nghiệp trong đơn vị gọi vui là “nữ tướng” gan lì, còn các đương sự phải nộp án phí thì nể mặt “bà chị” Phún Nhục Hà.
* Vui, buồn với nghề
Công việc ngày một nhiều khi số vụ việc thụ lý ngày càng tăng (năm 2013 thụ lý 135 vụ việc, 6 tháng đầu năm 2016 thụ lý 470 vụ việc), nhưng năm nào chị Hà cũng hoàn thành nhiệm vụ và được cấp trên đánh giá cao.
Chấp hành viên Phún Nhục Hà cho hay, trong quá trình đến nhà đương sự thuyết phục họ nộp án phí, chị đã bị họ chửi, hăm dọa không hiếm, nhưng chị không sợ, không ngại khó mà để vụ việc tồn năm này sang năm khác. Công việc của chị, ngoài khó khăn chung còn có thuận lợi đặc trưng, đó là do số tiền phải thu ít, chỉ cần lời thuyết phục hợp tình hợp lý là đương sự hoặc người thân của họ bỏ tiền ra giúp con em mình thực thi ngay. |
Chị Hà bộc bạch, công việc của chị rất đặc thù nên tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Có đương sự, chị phải vào nhà vận động tới 5 lần mới thu được số tiền 200 ngàn đồng án phí. Lần thứ nhất không tìm ra nhà, lần thứ 2 thì đương sự vắng mặt, lần thứ 3 gặp được họ, nhưng họ không có tiền để nộp. Đến lần thứ 5, sau khi thuyết phục gia đình đương sự thì đương sự mới chịu nộp án phí, nhưng kèm theo bao nhiêu lời than vãn gia cảnh khó khăn, con cái không có cái gì để ăn chiều hôm đó…, buộc chị phải móc tiền túi cho lại vì không cầm được lòng trước cuộc sống quá khó khăn của họ.
Một mình điều khiển xe máy vào khu rẫy ở ấp 3, xã Xuân Tây tìm nhà đương sự thuyết phục nộp án phí, trên đường đi chị Hà gặp 2 đứa trẻ hỏi đường và chúng chỉ cho chị ngay đúng nhà cha mẹ chúng. Đến nhà thì cả nhà khóa cửa bỏ trốn, 2 đứa nhỏ cũng chẳng thấy đâu. Trước hoàn cảnh đó, chị Hà quyết định nán lại đợi cho bằng được. Hơn 1 tiếng sau, cả nhà mới chịu xuất hiện. Dù không thu được tiền ngay, nhưng chị Hà cũng giải thích cho đương sự hiểu, nếu không thực hiện nộp án phí thì họ khó được xóa án tích, ảnh hưởng đến cuộc sống về lâu dài. Nhờ sự kiên trì đó, chị Hà không phải lặn lội vào nhà đương sự vận động nữa. Vài hôm sau, vợ chồng họ đến nơi chị làm việc đề nghị được thi hành án, kèm theo lời xin lỗi, cảm ơn.
Đoàn Phú