Đầu tháng 3-2016, chúng tôi về thăm Xóm Đèn (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), nơi cách đây 70 năm Tỉnh ủy Biên Hòa đã tổ chức hội nghị quyết định việc thống nhất các lưc lượng vũ trang lấy tên Vệ quốc đoàn Biên Hòa, đánh dấu sự ra đời của LLVT tỉnh Đồng Nai.
Đầu tháng 3-2016, chúng tôi về thăm Xóm Đèn (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), nơi cách đây 70 năm Tỉnh ủy Biên Hòa đã tổ chức hội nghị quyết định việc thống nhất các lưc lượng vũ trang lấy tên Vệ quốc đoàn Biên Hòa, đánh dấu sự ra đời của LLVT tỉnh Đồng Nai.
Ông Huỳnh Văn Trên, 55 năm tuổi Đảng, du kích địa phương ngày ấy (sau này là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tân Uyên), kể lại hồi đó Xóm Đèn là khu vực rừng rậm, sông sâu (nằm sát sông Đồng Nai), cuộc sống người dân cùng cực bởi thực dân Pháp lùng sục, bắt bớ, tra tấn những người tham gia kháng chiến. Nhưng nơi đây cũng là địa bàn thuận lợi để củng cố chính quyền cách mạng, tập hợp và tổ chức huấn luyện các LLVT làm nòng cốt chống Pháp. Theo ông Trên, khoảng cuối mùa khô (tháng 5-1946), tại đây có nhiều tổ chức cách mạng của tỉnh, huyện họp bàn nhiệm vụ kháng chiến nên sau này ông mới biết trong số đó có Tỉnh ủy Biên Hòa tổ chức hội nghị thống nhất thành lập LLVT của địa phương ở đây.
Mặc dù kẻ thù xây dựng đồn bót, tháp canh, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, nhất là lực lượng du kích, những người cộng sản…, nhưng phong trào cách mạng của địa phương vẫn phát triển, bởi có chi bộ Đảng lãnh đạo, LLVT làm nòng cốt, nhất là bộ đội địa phương do ông Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy đã tổ chức nhiều trận đánh khiến quân Pháp phải khiếp sợ.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ Nguyễn Văn Tiến cho biết, Tân Mỹ là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Trong những năm chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân nơi đây quyết không rời bỏ quê hương, ruộng vườn, mà đồng cam cộng khổ với bộ đội vừa sản xuất, chiến đấu vừa nuôi giấu cán bộ.
Chiến tranh kết thúc, cùng với các địa phương trong huyện, người dân xã Tân Mỹ tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố chính quyền, xây dựng cuộc sống mới. Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới, Tân Mỹ đã tận dụng tiềm năng và thế mạnh của địa phương, đồng thời tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công - nông nghiệp và dịch vụ. Theo đó, toàn xã có hơn 500 hécta đất công nghiệp, trong đó cụm công nghiệp được quy hoạch tại Xóm Đèn có quy mộ 88 hécta, với 20 doanh nghiệp hoạt động; hơn 300 hécta đất gieo trồng; 250 cơ sở kinh doanh, dịch vụ… Thu nhập bình quân đầu người ở xã hiện đạt gần 38 triệu đồng/năm; hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang. Toàn xã có 7/7 ấp đạt ấp văn hóa và có 2 di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia.
Về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, ông Tiến cho biết thêm, phát huy thành tích của du kích trong chiến tranh, xã Tân Mỹ vẫn thường xuyên làm tốt việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Lực lượng công an và quân sự xã được xây dựng và tổ chức hoạt động đúng chức năng, làm tốt việc giữ vững an ninh trật tự địa phương. Hàng năm, xã Tân Mỹ đều đạt chỉ tiêu tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ, đồng thời tạo điều kiện việc làm cho bộ đội xuất ngũ...
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, quân và dân trong trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong năm 2015 xã Tân Mỹ vinh dự được đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới.
Hữu Thủy