Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối thoại cần nhân rộng (Bài cuối)

11:05, 27/05/2016

Hiệu quả từ các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các cơ quan, đơn vị với nhân dân đã thấy rõ. Thế nhưng làm sao để phát huy được hiệu quả từ các cuộc đối thoại này, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lợi dụng đối thoại để xuyên tạc, vu khống đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước lại là vấn đề rất cần quan tâm.

Hiệu quả từ các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các cơ quan, đơn vị với nhân dân đã thấy rõ. Thế nhưng làm sao để phát huy được hiệu quả từ các cuộc đối thoại này, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lợi dụng đối thoại để xuyên tạc, vu khống đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước lại là vấn đề rất cần quan tâm.

Theo lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, hầu hết các ý kiến mà người dân phản ánh tại các buổi đối thoại liên quan chủ yếu đến đời sống nhân dân, như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rác thải, vệ sinh môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội; công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường...

* Tìm tiếng nói chung

Ông Ngô Xuân Đằng, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ Lam Sơn (TP.Biên Hòa), kể trước đây doanh nghiệp có ý kiến, thắc mắc gì chỉ phản ánh được tới tổ, đội, phòng ban của thành phố nên nhiều việc của doanh nghiệp vẫn không được các cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả, trì trệ. Khi doanh nghiệp cần làm thủ tục nào đó, đơn vị nghiệp vụ không hướng dẫn cặn kẽ một lần cho xong, lúc thì nói thiếu cái này, lúc nói thiếu cái kia làm doanh nghiệp phải chạy đi, chạy lại vất vả. Đến khi doanh nghiệp quá mệt mỏi vì các kiểu “hành” của đơn vị chức năng, đành chấp nhận “lách rào”, mà muốn “lách rào” phải có “bao thư”. Doanh nghiệp không thích làm chuyện này, nhưng vì công việc đành chấp nhận.

Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Thanh Yên trao đổi với nông dân xã Phước Vinh về dự án cánh đồng lớn trồng bắp.
Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Thanh Yên trao đổi với nông dân xã Phước Vinh về dự án cánh đồng lớn trồng bắp.

Tất cả những nỗi niềm trên của doanh nghiệp đã được nói ra trong buổi đối thoại giữa Bí thư Thành ủy Biên Hòa Lê Văn Dành và Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng với 150 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong  tháng 1-2016, tại hội trường Chi cục Thuế TP.Biên Hòa. Sau khi nghe phản ánh của các doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy đã hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết từng việc. Đồng thời, Bí thư Thành ủy giao các cơ quan chức năng rà soát, chấn chỉnh ngay thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức.

Ông Ngô Xuân Đằng nhận xét:  “Từ sau buổi tiếp xúc đến nay, các cơ quan, ban, ngành thành phố đã có sự đổi mới trong thực thi công vụ. Việc cấp đăng ký giấy phép kinh doanh đã nhanh hơn trước, từ 1 tuần trở lên còn 4 ngày. Thái độ tiếp dân của cán bộ, công chức đã lịch sự, niềm nở hơn, tạo động lực để doanh nghiệp đứng vững hơn trên thương trường”. Ông Ngô Xuân Đằng mong muốn những buổi đối thoại trực tiếp giữa Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố với doanh nghiệp và nhân dân như trên là rất quý, cần tiến hành thường xuyên. Đây thực sự là sự đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trong điều hành, lãnh đạo, quản lý đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng nhân dân và vì nhân dân.

Đại diện chính quyền huyện Tân Phú đến thăm và lắng nghe người dân trao đổi về cuộc sống tại nơi ở mới tại nhà ông Nguyễn Văn Sáu (bên trái, KP.10, thị trấn Tân Phú, một hộ nằm trong diện phải di dời tái định cư để lấy mặt bằng cho huyện triển khai dự án.

Phó bí thư Huyện ủy Trảng Bom Nguyễn Tấn Phát thì cho hay trong năm 2015 có 11/17 xã, thị trấn của huyện và đồng chí Bí thư Huyện ủy cùng Chủ tịch UBND huyện đã tổ chức đối thoại với nhân dân. Riêng buổi đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện được tiến hành vào ngày 8-12-2015 với nhân dân các xã: Quảng Tiến, Bình Minh và Giang Điền. Qua đối thoại, các ý kiến nhân dân tập trung vào việc đền bù, giải phóng mặt bằng cần đảm bảo công bằng, đúng quy định. Cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường liên xã Bình Minh, Giang Điền; có biện pháp xử lý tình trạng xe quá tải gây hư hỏng đường ở xã Quảng Tiến. Xem lại tiêu chí xây dựng ấp, khu phố văn hóa, chế độ chính sách cho bí thư chi bộ ấp... Những vấn đề giải quyết được ngay, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện trực tiếp trả lời cho nhân dân ngay tại buổi đối thoại. Những việc cần thời gian xác minh làm rõ, lãnh đạo huyện giao cơ quan chức năng nghiên cứu, sớm trả lời cho nhân dân biết.

* Nhân rộng đối thoại

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Phú Đinh Văn Án cho hay việc đối thoại với người dân luôn được lãnh đạo huyện thực hiện với nhiều cách làm linh động nhằm tìm kiếm tiếng nói chung giữa người dân với chính quyền địa phương. Cụ thể, như việc giải quyết di dời 19 hộ dân nằm tại KP.3, thị trấn Tân Phú về KP.10 để lấy đất làm dự án.

Bí thư Tỉnh ủy sẽ đối thoại với nhân dân

Tại cuộc họp giao ban các ban Đảng mới đây, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết dự kiến trong tháng 6-2016, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với nhân dân. Để chuẩn bị cho buổi đối thoại, ngay từ cuối năm 2015, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh nắm tình hình, tâm trạng, dư luận xã hội, rà soát, thống kê những vấn đề bức xúc, nổi cộm của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân, nhất là những vấn đề chính đáng đã được kiến nghị nhiều lần (thuộc thẩm quyền của tỉnh) nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm. Đồng thời, lựa chọn các nội dung đề xuất Bí thư Tỉnh ủy đối thoại. Đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã nhận được 33 nội dung từ các đơn vị đề xuất đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy. Trên cơ sở đề xuất các đơn vị, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp, tham mưu 5 nội dung để Bí thư Tỉnh ủy đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, các phó chủ tịch UBND huyện, cơ quan liên quan đã tiến hành tổ chức đối thoại với bà con nơi đây. Những câu hỏi, thắc mắc của bà con về áp giá bồi thường, bố trí tái định cư cũng như thủ tục nhận tiền, đất khi di dời ra sao đều được các đồng chí lãnh đạo huyện trả lời rõ cho bà con. Riêng với trường hợp nào còn có điều thắc mắc cũng được lãnh đạo huyện tìm đến để giải thích, vận động mọi người chấp hành di dời vì mục đích chung.

Đến năm 2015 các hộ dân này đều đã nhận tiền bồi thường, đất nền để xây dựng nhà cửa bắt đầu cuộc sống ở nơi ở mới. Đây là một trong những trường hợp nhận được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân thông qua đối thoại giữa lãnh đạo huyện với người dân để kịp thời giải quyết những khúc mắc, bất đồng còn tồn tại, góp phần không để xảy ra điểm nóng.

Bà Phạm Thị Kim Chung, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết phát huy hiệu quả của đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân, mỗi địa phương nên tổ chức ít nhất 1 lần/năm. Qua đó các kiến nghị, bức xúc của nhân dân luôn được giải quyết kịp thời, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

  Ông Bùi Văn Tuội, Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nhơn Trạch, cho biết để buổi đối thoại thành công, người chủ trì phải nói ngắn, dễ hiểu, gợi hướng cho người dân phát biểu, vì nếu không khéo buổi đối thoại sẽ trở thành nơi khiếu nại, tố cáo. Vì mục đích của đối thoại là ngồi nghe dân nói, nói lại cho dân hiểu và làm cho dân tin. Điều quan trọng, Ban Dân vận Huyện ủy cũng như khối vận ở các xã phải có giám sát chặt chẽ lời hứa cũng như hướng giải quyết những bức xúc, kiến nghị của người dân. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của huyện, xã thì phải hẹn thời gian giải quyết, nếu không giải quyết thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.

Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đã được thực hiện nhưng chưa đủ. Lãnh đạo đã thực hiện lịch tiếp dân nhưng chưa thường xuyên, chưa nhiều, chưa hết những vấn đề nhân dân quan tâm. Đồng Nai là tỉnh trọng điểm về kinh tế, hàng ngày diễn ra bao vấn đề. Vấn đề đặt ra, khi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải có sự chuẩn bị chu đáo, lựa chọn vấn đề để tập trung đối thoại và chọn hình thức đối thoại sao cho có chiều rộng. Phải đối thoại thường xuyên, phân rõ trách nhiệm khi đối thoại: cấp tỉnh thì đối thoại nội dung gì; lãnh đạo sở, ngành đối thoại gì; cấp huyện, xã đối thoại gì. Trong đối thoại phải có sự giám sát của tổ chức nhân dân. Sau đối thoại, phải tìm giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra trong đối thoại. Khi đối thoại, không đá “quả bóng” trách nhiệm. Để các cuộc đối thoại đạt yêu cầu cũng cần tuyên truyền trước cho dân biết nội dung đối thoại, đối thoại với ai, cấp nào, ngành nào để các ý kiến của nhân dân trúng với yêu cầu buổi đối thoại. Ở các buổi đối thoại, nhân dân cũng nên hiến kế xây dựng Đảng, đất nước, chính quyền, tư vấn, giám sát, phản biện các vấn đề chứ không chỉ là dịp giải quyết quyền lợi cho dân.

 

Nhóm P.V VH-XH

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều