Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người lính trên đỉnh Chứa Chan

12:05, 14/05/2016

Thành lập vào năm 1990, Đài Trung gian chuyển tiếp (thuộc Đại đội Kỹ thuật, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) đóng quân trên đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) đã liên tục giữ vững thông tin liên lạc suốt 26 năm, góp phần đảm bảo công tác phòng thủ khu vực cho lực lượng vũ trang tỉnh.

Thành lập vào năm 1990, Đài Trung gian chuyển tiếp (thuộc Đại đội Kỹ thuật, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) đóng quân trên đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) đã liên tục giữ vững thông tin liên lạc suốt 26 năm, góp phần đảm bảo công tác phòng thủ khu vực cho lực lượng vũ trang tỉnh.

Từ chân núi Chứa Chan, để đến nơi các chiến sĩ Đài Trung gian chuyển tiếp đóng quân phải leo 3km núi đá, đường đi hình thành từ trí nhớ của Đại úy Hoàng An Lạc (Đài trưởng) chứ không có lối mòn hay bậc thang. Sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên đỉnh núi gặp nhiều thiếu thốn, cứ 5 ngày lại cử người xuống núi đi chợ và hôm sau mới vác lên được. Vào mùa khô, trên đỉnh núi nắng nóng, thiếu nước. Vào mùa mưa, ngoài việc mưa dông liên tục, người lính nơi đây còn bị sét giăng khắp nơi, sét đầu mùa bất kỳ lúc nào cũng có thể giáng xuống làm hư hỏng trang bị kỹ thuật.

“Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là nơi để người lính rèn bản lĩnh thép, vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ” - Đại úy Lạc chia sẻ.

Đại úy Lạc cho biết thêm, vào năm 1990 đài được dựng lên chỉ là nhà vách gỗ và chỉ nhờ sức người, còn trang thiết bị kỹ thuật được tháo ra, vận chuyển từng phần lên núi. Hầu như lần nào sửa chữa, xây dựng thêm đều có sự góp sức từ người dân. Dù đoạn đường di chuyển lên đài rất khó khăn, nhưng có người đi một ngày 2-3 chuyến chuyển xi măng, gạch, gỗ... lên núi để các CBCS nhanh chóng có nơi đóng quân an toàn.

26 năm qua, CBCS của Đài Trung gian chuyển tiếp đã thu phát hơn 100 ngàn bức điện chuyển đến các đơn vị khác, đảm bảo bí mật, không sai sót. Ngoài ra, mỗi khi khu vực đóng quân xảy ra sự cố bất ngờ, CBCS của đài lại ra tiếp ứng. Như lần xảy ra cháy rừng vào đầu năm 2016, vừa phát hiện đám cháy Trung úy Đại đã báo ngay cho Đại đội Thông tin và nhận được lệnh hỗ trợ lực lượng chữa cháy đảm bảo an toàn cho khí tài, thiết bị.

“Lúc xảy ra vụ cháy, ở đài chỉ có vài người, tôi phân nhiệm vụ bảo vệ thiết bị cho một số chiến sĩ rồi cùng những người còn lại liên lạc với Ban Chỉ huy quân sự huyện phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy dập lửa và chống cháy lan. Sau mấy ngày vất vả, ngọn lửa đã được khống chế. Mọi người lúc đó quên ăn quên ngủ, phải làm sao cho rừng, núi không thiệt hại quá nặng, đám cháy không lan ra nhà dân và các đơn vị bạn” - Đại úy Lạc kể lại.

Với niềm tin sắt đá “Đơn vị là nhà, núi rừng là quê hương”, CBCS ở Đài luôn đoàn kết, gắn bó với nhau và với nhân dân trong vùng. Thỉnh thoảng, người dân đi rẫy ngang qua đơn vị lại xin nghỉ chân hoặc nước uống. Dù ở đỉnh núi điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhưng CBCS nơi đây không nề hà, sẵn sàng giúp người dân hết sức có thể.

“Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù, phải bảo vệ rừng, chung sống với người dân gần rừng mới có thể tồn tại ở nơi khó khăn chồng chất này” - Đại úy Lạc chia sẻ.

Đăng Tùng - Hữu Thủy

 

Tin xem nhiều