Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung sức thực hiện 4 giảm

11:05, 29/05/2016

Thời gian qua đã có nhiều mô hình thực hiện chương trình 4 giảm (giảm ma túy, tội phạm, mại dâm và tai nạn giao thông) gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được triển khai

Thời gian qua đã có nhiều mô hình thực hiện chương trình 4 giảm (gồm: giảm ma túy, tội phạm, mại dâm và tai nạn giao thông) gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được các đoàn thể tại địa phương triển khai và mang lại hiệu quả tích cực.

* Nhiều mô hình hay từ cộng đồng

Vừa gặp gỡ với một nhóm thanh thiếu niên và cha mẹ của các em tại tổ 8, ấp Tân Lập 1, xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom), các thành viên tham gia mô hình “Giáo dục con em không vi phạm tệ nạn xã hội” vừa tuyên truyền về việc điều khiển xe máy phải đội mũ bảo hiểm, khi lưu thông không dàn hàng ngang trên đường, không đá gà, đánh bài ăn tiền; tác hại của việc sử dụng các chất kích thích, trong đó có ma túy…

Các thành viên tham gia mô hình “Giáo dục con em không vi phạm tệ nạn xã hội” xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) trao đổi cùng một nhóm thanh thiếu niên trong xã về việc đổi mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Các thành viên tham gia mô hình “Giáo dục con em không vi phạm tệ nạn xã hội” xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) trao đổi cùng một nhóm thanh thiếu niên trong xã về việc đổi mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

“Mô hình này được chúng tôi thực hiện từ năm 2013 đến nay. Ngoài tuyên truyền trong các buổi họp dân ở tổ, ấp vào ban đêm chúng tôi còn liên hệ trực tiếp với phụ huynh để đến tận nhà tuyên truyền cho con em trong xã. Mục đích chính khi chúng tôi thực hiện mô hình này là tuyên truyền và phối hợp cùng phụ huynh giáo dục đạo đức, lối sống cho các em ngay từ gia đình chứ không ỷ lại vào trường lớp, xã hội. Nhờ vậy mà từ năm 2014 đến nay tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, thanh thiếu niên, học sinh không vi phạm pháp luật hay vướng vào thói hư tật xấu” - bà Vũ Thị Xuân Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cây Gáo, nói.

Đánh giá về hiệu quả mà mô hình này mang lại đối với thế hệ trẻ, bà Lương Thị Thơ (ngụ xã Cây Gáo) cho rằng việc làm này rất hay vì ngoài sự giáo dục của gia đình rất cần có sự quan tâm tuyên truyền, giám sát của xã hội. Chính quyền và gia đình cùng chung tay giáo dục để con cháu mình không vì thiếu hiểu biết mà gặp những tai nạn đáng tiếc hay vướng vào tệ nạn xã hội mà chính các cháu cũng không nhận thức được.

Không chỉ dừng lại ở việc phối hợp cùng phụ huynh để giáo dục con em ngay tại gia đình, không ít mô hình giữ gìn an ninh trật tự tại khu dân cư cũng đã ra đời ở nhiều địa phương. Trong đó, tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) đều lần lượt đưa mô hình “1+5” và “1+4” do Hội Cựu chiến binh xã chủ trì vào thực hiện.

Riêng với KP.5, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) nơi có gần 5 ngàn công nhân đang tạm trú để làm việc tại các khu công nghiệp thì rất nhiều mô hình đã được triển khai. Theo ông Đàm Văn Nhượng, Trưởng KP.5, số dân tạm trú ở khu phố còn đông hơn cả dân thường trú. Do vậy, để đảm bảo an ninh trật tự, quản lý tốt địa bàn, nhất là tại các khu vực nhà trọ, các đoàn thể ở khu phố đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, như: xây dựng mô hình nhà trọ văn hóa; tổ chức tuyên truyền pháp luật về tạm trú, tạm vắng, an toàn giao thông, phòng ngừa tội phạm ma túy, mại dâm... cho người ở trọ và người dân thường trú.

* Cần được nhân rộng

Ở các xã: Bảo Bình, Xuân Đông, Xuân Mỹ, Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã ra đời để làm hiệu lệnh thông báo cho mọi người chung sức bảo đảm an ninh trật tự. Nhờ đó mà từ địa bàn có tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, đến nay các xã nêu trên của huyện Cẩm Mỹ đã trở thành những khu vực khiến đối tượng xấu phải chùn tay, góp phần xây dựng đời sống bình yên cho người dân và đạt danh hiệu ấp văn hóa nhiều năm liền.

Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh lưu ý các cơ quan truyền thông của tỉnh cũng cần phải vào cuộc quyết liệt và thường xuyên để đẩy mạnh việc tuyên truyền, thông tin đến người dân về những mô hình hay, hiệu quả trong thực hiện chương trình 4 giảm gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Qua đó góp phần làm cho những bông hoa tươi đẹp có sức lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống xã hội.

Đặc biệt, tại các xã Phước Bình, An Phước của huyện Long Thành có mô hình đội xe ôm tự quản. Khi xảy ra tai nạn giao thông, điểm ùn tắc giao thông, các thành viên trong đội xe ôm tự quản với trang phục đồng bộ sẽ triển khai để cứu giúp người bị nạn, bảo vệ hiện trường, điều tiết giao thông trước khi lực lượng chức năng đến nơi xảy ra sự cố. Nhờ có những đội xe ôm tự quản này mà nhiều trường hợp người bị nạn được cứu chữa kịp thời, tình hình kẹt xe, ùn ứ phương tiện giao thông nhanh chóng được giải quyết.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng các mô hình hay, mang lại hiệu quả tích cực vừa nêu trên vẫn chưa được nhân rộng để tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Một trong những hạn chế của việc này, theo đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, là do các địa phương, đơn vị còn thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp, liên kết trong thực hiện. Thời gian tới, MTTQ tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiến hành tổng hợp, đánh giá hiệu quả, cũng như xác định số lượng các mô hình để thông tin đến các tầng lớp nhân dân. Từ đó, địa phương nào nhận thấy mô hình nào  phù hợp với địa bàn sẽ tiến hành học tập, triển khai nhằm góp phần thực hiện tốt công tác 4 giảm.

Văn Truyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều