Báo Đồng Nai điện tử
En

Vận động bầu cử thế nào cho đúng luật?

07:04, 21/04/2016

Ngày 20-4, tại Hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp dành cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực phía Nam, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai về một số vấn đề cần quan tâm trong việc vận động bầu cử.

Ngày 20-4, tại hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp do Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực phía Nam, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai về một số vấn đề cần quan tâm trong việc vận động bầu cử. Ông Pha cho biết:

- Đến thời điểm này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã bàn giao hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đến Ủy ban Bầu cử các cấp để các cơ quan này xem xét lập danh sách chính thức ứng cử viên để công bố chính thức, chậm nhất vào ngày 27-4. Sau đó, các ứng cử viên sẽ có quyền vận động bầu cử tại địa phương nơi đại biểu ứng cử.

* Thưa ông, để vận động bầu cử, các ứng cử viên có thể sử dụng mạng internet hay phát tờ rơi hay không?

- Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 chỉ quy định 2 hình thức vận động bầu cử là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức và qua các phương tiện thông tin đại chúng của các địa phương nơi mình ứng cử. Còn hình thức vận động internet, phát tờ rơi, luật không quy định, cũng có nghĩa là luật không cấm. Tuy nhiên, nếu người ứng cử là cán bộ, công chức, theo quy định cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước chỉ làm những gì cơ quan nhà nước quy định; còn người dân mới được phép làm những gì pháp luật không cấm. Do đó, theo tôi phải tập trung vào 2 hình thức nói trên để đảm bảo việc vận động bầu cử đúng luật.

Trong quá trình vận động bầu cử, ứng cử viên cần lưu ý những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử cũng đã được luật quy định, trong đó có việc “sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”. Cái này rất dễ xảy ra.

* Như vậy, theo ông các ứng cử viên nên làm gì để thật sự tạo ấn tượng và thuyết phục được người dân trong quá trình vận động bầu cử?  

- Theo tôi, ứng cử viên ứng cử tại địa phương nào thì cần phải tìm hiểu rất kỹ về kinh tế - xã hội, đặc điểm địa lý, dân cư, cả về dân tộc, tôn giáo nơi mình ứng cử để xây dựng chương trình hành động sát với thực tế. Đặc biệt là lời hứa, đừng hứa thứ gì đao to búa lớn, phải hứa giành thời gian nhiều nhất cho việc tiếp xúc, lắng nghe ý kiến tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; tổng hợp đầy đủ gửi cơ quan có thẩm quyền và sẽ đôn đốc giám sát việc giải quyết một cách thường xuyên. Khi có kết quả giải quyết phải về thông báo cho chính quyền địa phương, cử tri biết kết quả giải quyết đó. Đó là cái cử tri cần nhất.

Thứ hai là phải giành thời gian tối đa cho việc tiếp công dân để lắng nghe vấn đề khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân để từ đó chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, điều quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh là chức năng giám sát. Khi chuyển rồi phải giám sát, đôn đốc, phải trả lời: đang làm, đã làm, sẽ làm, quan trọng là yêu cầu phải giải quyết. Khi có kết quả báo lại người dân biết, cái đó người dân mới thực sự cần đến mình.

* Xin ông cho biết vai trò của MTTQ trong thời gian tới, sau khi đã hoàn thành công tác hiệp thương?

- Trong vận động bầu cử có 2 việc song song với nhau, một mặt tổ chức tốt hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử, nhưng đồng thời giám sát việc vận động bầu cử sao cho đúng pháp luật. MTTQ và các tổ chức thành viên phải tăng cường vai trò giám sát làm sao để không có người lợi dụng bầu cử xuyên tạc nói xấu chế độ; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, không dùng tiền bạc vật chất để dụ dỗ hay mua chuộc cử tri. Nếu phát hiện, MTTQ hoàn toàn có quyền yêu cầu dừng và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.

Còn đến ngày bầu cử, MTTQ các cấp phải giám sát làm sao cho việc bầu cử dân chủ, đúng luật, không để xảy ra trường hợp bầu thay, không vì thành tích mà hối thúc cử tri bầu cho xong.

* Xin cảm ơn ông.

Ngọc Thư (thực hiện)  

Tin xem nhiều