Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuổi trẻ phát huy truyền thống cha ông

10:04, 22/04/2016

Hơn 40 năm trôi qua, trong ký ức của những người từng đi qua chiến tranh, thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh mà đỉnh cao là chiến thắng 30-4-1975 như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.

Hơn 40 năm trôi qua, trong ký ức của những người từng đi qua chiến tranh, thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh mà đỉnh cao là chiến thắng 30-4-1975 như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.

Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh (thứ hai bên trái), chia sẻ tại buổi tọa đàm.  Ảnh: N. Sơn
Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh (thứ hai bên trái), chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: N. Sơn

Những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại buổi tọa đàm “Tuổi trẻ phát huy truyền thống viết tiếp sử vàng” do Tỉnh đoàn tổ chức mới đây phần nào tiếp thêm sức mạnh để đoàn viên thanh niên nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện, xứng đáng là thế hệ viết tiếp trang sử vàng của dân tộc.

* Ký ức một thời máu lửa

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tá Nguyễn Hải Triều, nguyên Thường trực Cục Chính trị Bộ Tư lệnh hải quân miền Nam được tham gia và chứng kiến thời khắc đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất. Đại tá Nguyễn Hải Triều nhớ lại, đầu năm 1975 ông nhập ngũ và được huấn luyện tại đơn vị đặc công hải quân ở miền Bắc. Giữa tháng 4-1975, chiến trường miền Nam hết sức sôi động, quân và dân ta giành được những thắng lợi to lớn, đơn vị ông nhận lệnh xuống tàu hành quân vào Cam Ranh, sau đó di chuyển vào Sài Gòn.

Để cản bước tiến công của ta, địch cho phá hủy gần như hoàn toàn hệ thống đường sá, cầu cống khiến cho việc hành quân của đoàn gặp không ít khó khăn. Chưa kể, trên đường di chuyển ông và đồng đội phải chiến đấu với tàn quân của địch, nhiều chiến sĩ đã phải hy sinh. Trong ký ức của Đại tá Nguyễn Hải Triều, trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc (TP.Hồ Chí Minh), hàng trăm chiến sĩ đặc công đã hy sinh. Đến cầu Văn Thánh, Thị Nghè quân ta vẫn phải đổ máu khi chiến đấu với tàn quân của địch, thậm chí có chiến sĩ tiến đến cổng Dinh Độc Lập vẫn hy sinh.

Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, cho biết thêm trong chiến dịch giải phóng Xuân Lộc 12 ngày đêm, cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra hết sức ác liệt. Chỉ trong vòng 3 ngày (9, 10, 11-4), Quân đoàn 4 tham gia chiến dịch đã có 1.400 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương.

 “Dù biết ra đi chưa chắc có ngày trở về, thế nhưng thế hệ trẻ chúng tôi lúc bấy giờ vẫn tình nguyện lên đường. Trong suy nghĩ của tôi lúc ấy, dù có phải hy sinh cũng rất vinh dự và tự hào khi được góp sức mình viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc” - ông Chiến nói.

* Tuổi trẻ không sống hoài, sống phí

Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Nguyễn Thanh Hiền bày tỏ, tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha ông đi trước, các thế hệ đoàn viên thanh niên sau ngày giải phóng đã tích cực tổ chức nhiều phong trào hành động cách mạng như: “Ba sẵn sàng”, “5 xung phong”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”... góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tự hào và khâm phục về các thế hệ cha anh xưa sẵn sàng xếp lại bút nghiên xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, đem tuổi xuân, máu của mình tô thắm màu cờ Tổ quốc, Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Song Toàn, Chi đoàn Ban Thông tin, Phòng Tham mưu (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) cho biết trách nhiệm của mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, góp phần cùng cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà các thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng máu xương mới có được.

Các phong trào đã được cán bộ, đoàn viên thanh niên thực hiện bằng những việc làm cụ thể phù hợp với khả năng và lĩnh vực lao động, học tập của mình. Trong đó, thanh niên quân đội có phong trào “Vượt nắng thắng mưa”, thanh niên công an thực hiện “6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân”; thanh niên nông thôn có phong trào “Ngõ hẻm thanh niên tự quản”, “Tuần tra sau 23 giờ đêm”; thanh niên công nhân thì có “Tổ dân quân tự vệ trong doanh nghiệp”... để lại những ấn tượng tốt đẹp khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Hải Triều cho rằng sự ác liệt, tàn phá của chiến tranh không gì có thể bù đắp được. So với thế hệ trẻ những năm tháng đạn bom, thế hệ thanh niên ngày nay có nhiều lợi thế về sức khỏe, trí tuệ, kiến thức. Tuy nhiên, trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch ngày càng phức tạp, đòi hỏi thanh niên ngày nay cần có “trái tim nóng, cái đầu lạnh” để nhận thức được cái đúng, cái sai, nhận diện âm mưu chống phá của các thế lực thù địch để có hành động đúng mực, góp phần  giữ vững nền độc lập, hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của dân tộc.

Theo ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong - người đã từng có khoảng thời gian hơn 6 năm làm thủ lĩnh thanh niên, mỗi cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên cần tiếp tục học tập, coi đó là nhiệm vụ suốt đời. Bởi học sẽ giúp mỗi người có thêm kiến thức, ứng dụng tốt hơn thành tựu khoa học - kỹ thuật, làm chủ vũ khí, kỹ thuật  để giữ gìn đất nước, viết tiếp trang sử vàng của các thế hệ cha ông đi trước. Các cấp bộ Đoàn, cần xây dựng chương trình hành động triển khai đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống theo hướng đổi mới đi vào chiều sâu và bền vững.

Nga Sơn

 

 

 

 

Tin xem nhiều