Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện, lan truyền "phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội" của một nhóm người mà theo họ, đó là một đợt "sinh hoạt chính trị" nhằm "thúc đẩy, kêu gọi quá trình học tập ở trong nước, nhất là trong giới trẻ hành động để thực thi dân quyền".
Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện, lan truyền “phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội” của một nhóm người mà theo họ, đó là một đợt “sinh hoạt chính trị” nhằm “thúc đẩy, kêu gọi quá trình học tập ở trong nước, nhất là trong giới trẻ hành động để thực thi dân quyền”.
Cử tri xã Bình Minh, huyện Trảng Bom tham gia cho ý kiến về các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ở nơi cư trú (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Văn Chính |
Một phong trào như vậy thoạt nghe tưởng như thể hiện những giá trị tích cực, tốt đẹp, cần được khuyến khích nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, đó là sự giả tạo, ngụy trang bằng những vỏ bọc, lời lẽ tốt đẹp để che lấp cho những việc làm, ý đồ chống phá.
Giả tạo, ngụy trang bằng những vỏ bọc, lời lẽ tốt đẹp
Cái gọi là “phong trào tự ứng cử” kia thực ra là những hoạt động mang tính chất cá nhân nhằm phục vụ ý đồ chính trị của một nhóm người lớn tiếng tuyên bố “tự ứng cử đại biểu Quốc hội” trên mạng xã hội và dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo, hối thúc người khác làm cùng.
Càng thất vọng hơn khi mà nhìn vào những thành phần cốt cán của “phong trào” ấy, thay vì có đủ trí tuệ, bản lĩnh, uy tín để đại diện cho cử tri tham gia quản lý Nhà nước và xã hội thì người ta chỉ nhìn thấy ở họ bề dày “thành tích” chống đối, tiền án, tiền sự và cả những mâu thuẫn đến nực cười tồn tại ngay trong chính suy nghĩ của họ.
Trên thực tế, cái gọi là “phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội” là một trong những chiêu bài chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của số đối tượng, phần tử chống đối trong và ngoài nước.
Trong đợt bầu cử này, rút kinh nghiệm sau thất bại từ những lần “tự ứng cử” các khóa trước, họ đã tính toán, chuẩn bị một cách bài bản, có lộ trình, tinh vi hơn trong chuỗi hoạt động chống phá của mình. Những người kêu gọi “phong trào tự ứng cử” một mặt nhằm dọn đường dư luận, ngụy tạo vỏ bọc che giấu bản chất, hành vi chống phá, mặt khác, thông qua mạng xã hội - thứ công cụ mà họ thường gọi bằng những mỹ từ như “truyền thông lề dân”, “truyền thông lề đảng”... để tán phát thông tin sai sự thật, phá hoại quá trình tổ chức bầu cử ở nước ta.
Họ ráo riết tuyên truyền, xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương gây khó khăn, cản trở, phối hợp để loại bỏ “những người tự ứng cử”; xuyên tạc việc tổ chức bầu cử dưới chế độ một đảng thông qua hội đồng bầu cử các cấp - “cánh tay nối dài của Đảng” là không khách quan, dân chủ, tiêu cực...
Đây là sự quy chụp bởi quy trình, thủ tục về hồ sơ tự ứng cử của công dân đều đã được công khai, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hồ sơ “tự ứng cử” của công dân khi trình hội đồng bầu cử các cấp thiếu gì thì được yêu cầu bổ sung, sai ở đâu thì yêu cầu sửa cho đúng quy định.
Do đó, nói rằng chính quyền gây khó khăn cho những người tự ứng cử như lời của những “nhà dân chủ tự xưng” là không có cơ sở. Hơn nữa, các đối tượng rêu rao rằng “chính quyền phối hợp loại bỏ người tự ứng cử” cho thấy đây là sự vu cáo trắng trợn. Để chọn ra 500 đại biểu trong số gần 100 triệu dân đại diện cho cử tri tham gia quản lý, giám sát Nhà nước và xã hội đòi hỏi phải tuân thủ các cơ chế, quy định, quy trình hết sức chặt chẽ, khoa học, dân chủ.
Thực tế khách quan, minh bạch, dân chủ trong cơ chế bầu cử
Việc người tự ứng cử có tên trong danh sách bầu cử hay không căn cứ vào kết quả của hội nghị hiệp thương. Quá trình hiệp thương được thực hiện một cách công khai, minh bạch với sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và sự giám sát chặt chẽ của nhân dân.
Qua đó, người dân và cử tri được cung cấp kịp thời, đầy đủ mọi thông tin về quá trình hiệp thương liên quan đến người tự ứng cử. đồng thời, thông qua các kênh khác nhau có thể góp ý, phản hồi với Ủy ban Bầu cử quốc gia và các cơ quan chức năng về kết quả hiệp thương. Thực tế, tính đến nay với những hồ sơ tự ứng cử đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện cũng đã được lựa chọn qua các hội nghị hiệp thương để tiếp tục thực hiện theo quy trình.
Nhìn lại các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND trước đây, cho thấy đã có những người tự ứng cử trúng cử khi họ có đủ tiêu chuẩn, tín nhiệm và đã được cử tri tin tưởng lựa chọn. Còn với những kẻ mượn cớ tự ứng cử để chống phá chế độ, cử tri và người dân đã dễ dàng nhận rõ bản chất để tẩy chay, loại trừ.
Các đối tượng còn vu cáo rằng, chế độ Đảng độc quyền là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tiêu cực, thiếu khách quan, dân chủ trong bầu cử và họ tung hô để giải quyết vấn đề này, không còn cách nào khác ngoài việc “đa nguyên, đa đảng”.
Điều này quả là nực cười và mâu thuẫn. Bởi lẽ, có dân chủ hay không, vấn đề cốt lõi không nằm ở thể chế chính trị một đảng hay đa đảng mà nằm ở cách thức vận hành, tổ chức, thực thi dân chủ trên thực tế như thế nào.
Ở nước ta, thực tiễn 70 năm xây dựng Quốc hội chỉ ra rằng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, các cơ chế và cách thức tổ chức bầu cử không ngừng được đổi mới, ngày càng khoa học, dân chủ hơn. Thông qua bầu cử, người dân đã thể hiện được đầy đủ, toàn diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ mình trong việc xây dựng cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Sẽ không có một cơ quan Quốc hội vững mạnh, làm việc hiệu quả như vậy nếu như cơ chế bầu cử tồn tại nhiều tiêu cực, thiếu dân chủ như luận điệu của một số đối tượng tuyên truyền, xuyên tạc trên internet thời gian qua. Những luận điệu vu cáo và hoạt động chống phá của các đối tượng do đó không thể che mắt nhân dân và hiển nhiên bị tẩy chay, lên án. |
Tân Sơn